Việt Nam

Nhật Bản mở cửa thị trường lao động, công nhân Việt Nam đối mặt nguy cơ lớn nhất?

Cập nhật lúc 26-03-2019 16:02:34 (GMT+1)
Thực tập sinh Việt Nam tại một nhà máy may mặc ở tỉnh Niigata, Nhật Bản (ảnh: Reuters)

 

Việc nới lỏng quy định về người lao động nước ngoài của Nhật Bản, đem tới nhiều thách thức cho các thực tập sinh Việt Nam.


Theo hãng tin Reuters, hy vọng về mức lương cao hơn nhưng cùng lúc phải gánh chịu các khoản nợ lớn ở quê nhà, những người trẻ Việt Nam – nhóm người lao động nước ngoài đang gia tăng nhanh nhất tại Nhật Bản – sẽ nằm trong số những người bị ảnh hưởng lớn nhất sau khi dự án mở rộng tầng lớp "công nhân cổ xanh" bắt đầu có hiệu lực vào tháng Tư.

"Người lao động đến từ Trung Quốc đang giảm do mức lương tại đó ngày càng cao cùng với kinh tế tăng trưởng", Futaba Ishizuka, một học giả tại Viện các nền kinh tế phát triển, cho biết. "Trong khi đó tại Việt Nam, nhiều người trẻ có trình độ cao lại muốn ra nước ngoài làm việc".

Chương trình thực tập sinh kỹ thuật được biết tới như "cánh cửa sau" cho người lao động nước ngoài tới làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều vụ việc lạm dụng người lao động đã bị phát hiện như trả lương thấp hoặc "ăn quịt" lương, gia tăng giờ làm việc, bạo lực, quấy rối tình dục… Tại Việt Nam, một số cơ sở môi giới thường thu những mức phí rất cao để đưa người lao động sang Nhật.

Một số nhà hoạt động xã hội, học giả, thực tập sinh, lãnh đạo công đoàn… cảnh báo, những vấn đề trên sẽ vẫn tiếp diễn, thậm chí trở nên tồi tệ hơn khi hệ thống quy định mới - với mục tiêu làm giảm tình trạng khan hiếm lao động phổ thông tại Nhật Bản – chính thức đi vào hoạt động.

Đối mặt với những lo ngại của phe bảo thủ về gia tăng tỷ lệ tội phạm và ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc xã hội Nhật Bản – vốn e ngại vấn đề nhập cư, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, đạo luật mới, được thông qua vào tháng 12 năm ngoái, không bao gồm những thay đổi trong chính sách nhập cư.

Chỉ tập trung vào tình trạng cư trú mà bỏ qua điều kiện làm việc

"Trong thực tế, Nhật Bản đã là một đất nước của người nhập cư. Nhưng do họ nói đó không phải là 'chính sách nhập cư' và tiền đề là mọi người không ở lại, họ chỉ đang thực hiện các bước tạm thời", Giám đốc Hiệp hội giải phóng dân dụng Nhật Bản Akira Hatate nói. "Nhu cầu của xã hội không được đáp ứng và nhu cầu về người lao động không được đáp ứng".

Hệ thống thực tập sinh ra đời vào năm 1993, với mong muốn chuyển giao những kỹ năng cần thiết cho người lao động đến từ các nước đang phát triển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tình trạng lạm dụng người lao động thường xuyên xảy ra. Năm ngoái, trong những tranh luận liên quan tới điều luật mới, các vấn đề trên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Trong số các vụ việc gây chú ý là bốn công ty sử dụng thực tập sinh làm việc tại các khu vực khử độc bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ sau thảm họa hạt nhân Fukushima hồi tháng 3/2011. Hai công ty, còn vướng cáo buộc không chi trả mức lương phù hợp cho người lao động, đã bị cấm tuyển thực tập sinh trong vòng 5 năm; các công ty còn lại nhận cảnh báo từ Bộ Tư pháp Nhật Bản.

Một điều tra của Bộ Lao động nước này công bố vào tháng 6/2018 cho thấy, hơn 70% chủ thuê thực tập sinh đã vi phạm các quy định luật lao động, trong đó gia tăng giờ làm và các vấn đề an toàn lao động là phổ biến nhất.

Tình trạng làm việc quá vất vả đã khiến hơn 7.000 thực tập sinh bỏ việc chỉ riêng năm 2017, trong đó gần một nửa tới từ Việt Nam. Nhiều người bị lừa bởi các công ty môi giới hứa hẹn công việc có lương cao hoặc làm hồ sơ giả. Do thực tập sinh không được phép đổi chủ thuê, bỏ việc đồng nghĩa visa của họ trở thành vô hiệu lực. Trong khi số ít tìm kiếm sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ hoặc công đoàn, số nhiều lại biến mất tại thị trường lao động chợ đen.

"Tình huống hoàn toàn khác với những gì họ được nghe tại quê nhà", Shigery Yamashita, giám đốc quản lý Hiệp hội hỗ trợ lẫn nhau Việt Nam tại Nhật Bản, cho hay. "Họ có các khoản nợ không thể trả nếu làm việc tại quê nhà, vì vậy lựa chọn duy nhất là tìm tới thị trường lao động chợ đen".

Quy định mới sẽ cho phép khoảng 345.000 công nhân nước ngoài vào Nhật Bản làm việc ở 14 ngành nghề khác nhau, như xây dựng, chăm sóc y tế… Ở một số hạng mục, người lao động có thể ở lại Nhật Bản tới 5 năm, nhưng không thể mang theo gia đình. Tuy nhiên, đối với ngành xây dựng và đóng tàu, người lao động có thể đem theo gia đình và với thời hạn cư trú lâu hơn.

Cuối tuần trước, Bộ Tư pháp Nhật Bản cũng công bố các quy định cho hệ thống mới, bao gồm cả yêu cầu công nhân nước ngoài được trả mức lương tối thiểu ngang bằng với công nhân Nhật Bản.

Tuy nhiên, Shiro Sasaki, tổng thư ký Công đồng Zentoitsu đánh giá, hầu hết các cơ quan chức năng Nhật Bản chỉ đang tập trung vào tình trạng cư trú của người lao động nước ngoài, mà không phải là điều kiện làm việc. Một số chính quyền địa phương lo ngại, việc nhanh chóng thực thi điều luật mới khiến người lao động nước ngoài hầu như không nhận được hỗ trợ và hòa nhập vào môi trường Nhật Bản.

"Nếu không có được một khung làm việc phù hợp để tiếp nhận người lao động, và họ chỉ được coi là một biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu người, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề lớn xảy ra", tỉnh trưởng Kanagawa Yuji Kuroiwa cảnh báo.

Nhật Bản sắp cho phép đăng ký visa trên mạng để thu hút lao động nước ngoài

Bộ Tư pháp Nhật Bản ngày 26/3 thông báo nước này sẽ đưa một số thủ tục xin thị thực (visa) lên mạng Internet từ tháng 7 tới, nhằm triển khai cơ chế mới của chính phủ thu hút lao động nước ngoài đến "đất nước Mặt Trời mọc".

Dịch vụ trên sẽ không áp dụng lập tức với những người xin thị thực theo chương trình mới của chính phủ, vốn bắt đầu từ tháng sau, nhưng Bộ trưởng Tư pháp Takashi Yamashita cho biết chính phủ có kế hoạch mở rộng tiếp cận online cho những người xin thị thực trong tương lai.

Loại thị thực có thể được xin cấp online từ tháng 7 tới gồm thị thực cho chuyên gia có trình độ cao, các nhà nghiên cứu và các thực tập sinh kỹ thuật, với điều kiện những người này không có vấn đề gì liên quan luật kiểm soát nhập cư, không vi phạm luật lao động trong vòng 5 năm trước khi xin thị thực.

Bộ trên cho biết việc xin gia hạn thị thực, xin giảm các hạn chế về loại nghề nghiệp, và xin tái nhập cảnh có thể được đăng ký qua mạng Internet theo hệ thống mới.

Từ tháng 4, Nhật Bản sẽ áp dụng hai quy chế thị thực cư trú mới, trong bối cảnh nước này đang tìm cách giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng, do các thay đổi nhân chủng học như lão hóa dân số./.

Bích Liên/TTXVN


Minh Đức
Nguồn: toquoc.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo