Việt Nam

Ngộ độc, dịch bệnh lây truyền qua mỗi bữa ăn tại Việt Nam

Cập nhật lúc 21-04-2018 17:14:55 (GMT+1)
Thịt heo bệnh được tuồn ra thị trường bị cảnh sát bắt quả tang. (Hình: Zing)

 

Vụ hàng chục tấn cà phê nhuộm đen bằng lõi pin Con Ó vừa bị phát hiện ở tỉnh Đắk Nông khiến người dân phẫn nộ, bất bình chỉ là “bề nổi” trong chuỗi thực phẩm bẩn đang tồn tại ở Việt Nam.


Theo báo SGGP, liên tiếp thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại tại Việt Nam bị phát hiện gây hoang mang và lo lắng về nguy cơ ngộ độc, dịch bệnh lây truyền qua mỗi bữa ăn.

Báo này cho hay, chưa bao giờ việc đi chợ lại trở nên khó khăn với người nội trợ như hiện nay, khi mà người tiêu dùng nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn: thịt có chất tạo nạc, thủy sản có kháng sinh vượt ngưỡng, cá được ủ ướp phân urê, rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép, trái cây ngâm trong hóa chất độc hại,… còn mới đây là thực phẩm chức năng độn than tre.

“Chỉ trong ba tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 216 người phải nhập viện và ba người chết. Phần lớn các vụ ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật gây ra, chiếm tới hơn 40%. Tiếp đó là các độc tố sinh học, hóa học và không xác định được nguyên nhân,” báo SGGP dẫn phúc trình của Cục An Toàn Thực Phẩm, Bộ Y Tế.

Người dân càng lo lắng hơn khi hình dung ra hàng trăm, hàng ngàn cơ sở kinh doanh khác, vì lợi nhuận, vẫn đang đầu độc người tiêu dùng bằng những sản phẩm giả, kém phẩm chất còn ẩn nấp đâu đó chưa bị phanh phui.

Với một thị trường khổng lồ có đến hàng chục triệu dân ở các thành phố lớn đang tiêu thụ những loại thực phẩm bẩn hằng ngày thì hậu quả thật khó thể hình dung. Chẳng hạn, ghi nhận tại các chợ tạm, chợ cóc ở Sài Gòn, nơi cung cấp lượng thực phẩm không nhỏ cho người dân có thể thấy, việc xác định nguồn gốc và độ an toàn thực phẩm vẫn là một bài toán khó.

Chợ Hòa Hưng, trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, bày bán nhiều mặt hàng, nhưng ở phía đối diện, chợ tự phát trong hẻm 430 Cách Mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3, mới là điểm đến của đông đảo người lao động.

Gọi là “chợ” nhưng thực chất chợ tự phát này chỉ là những gánh hàng hoặc tấm bạt nhỏ bày bán các loại thực phẩm từ rau củ quả xen lẫn là các hàng cá, tôm. Hỏi thêm người bán thì cũng chỉ là những gánh hàng trung gian, không rõ nuôi trồng ở đâu, phẩm chất thế nào.

Tương tự, chợ Căn Cứ 26, quận Gò Vấp, cũng có ba điểm bán gà, vịt sống kèm dịch vụ giết mổ tại chỗ. Chủ hàng không rõ gia cầm đã qua kiểm dịch hay chưa, nhưng cho biết hằng ngày vẫn nhận giết mổ hàng trăm con gà ác, gà tre cung cấp cho các quán gà tiềm thuốc bắc.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, trưởng Ban Quản Lý An Toàn Thực Phẩm ở Sài Gòn, thừa nhận với số lượng cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm rất lớn, Sài Gòn sẽ vẫn là địa bàn “nóng,” tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Nhiều người cho rằng, chất độc từ thực phẩm ở Việt Nam hiện có thể đã len lỏi vào từng nhà, từng bàn ăn của các gia đình, kể cả những người có trách nhiệm không ngăn chặn được nó hoặc vì nhiều lý do tăm tối đã để nó tung hoành.

Nguồn: Nguoi-viet

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo