Việt Nam

Mỹ có dịch cúm, sao gà vẫn vào được Việt Nam?

Cập nhật lúc 22-08-2015 05:54:39 (GMT+1)
Thịt gà nhập từ Mỹ và Hàn Quốc bán tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnnh: ĐÀm Duy

 

45.000 tấn gà Mỹ được nhập khẩu vào Việt Nam nhưng không phát hiện ra virus cúm gia cầm qua kiểm tra vỏn vẹn... 35 mẫu.


Trước “sức nóng” về câu chuyện đùi, cánh gà Mỹ nhập khẩu về Việt Nam bán giá rẻ như rau, hôm qua (21.8), Bộ NNPTNT đã tổ chức hội nghị họp bàn về ngành chăn nuôi gà, nhằm tìm ra cho được những “vũ khí” để chống đỡ với gà ngoại nhập.

Khó hiểu gà Mỹ  20.000 đồng/kg

Ngay mở đầu buổi hội nghị, câu chuyện về gà Mỹ có giá chỉ 20.000 đồng/kg đã hâm nóng hội trường. Thay vì để các đơn vị đọc báo cáo, nào là số lượng chăn nuôi gà ra sao, thành tích thế nào, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu các đơn vị liên quan cần làm rõ thông tin xôn xao dư luận thời gian qua là giá gà Mỹ chưa tới 20.000 đồng/kg. “Trong khi Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa được ký kết đã bộc lộ những yếu kém của ngành chăn nuôi trong nước. Vậy khi hiệp định thực sự ký kết và đi vào cuộc sống,  điều gì sẽ xảy ra? Ngành chăn nuôi gà, làm gì để đứng vững và tiếp tục tạo việc làm,  và cung cấp thực phẩm an toàn cho nhân dân”- ông Phát đặt câu hỏi.

Ông Lê Thanh Phương – Giám đốc Chương trình chăn nuôi gia cầm, Công ty TNHH Emivest Việt Nam tính toán, ở Thái Lan, giá thành sản xuất 1kg gà khoảng 1,2 USD/kg,  tương đương khoảng 26.400 đồng/kg. Sau khi giết mổ, tỷ lệ thu hồi thịt đạt 82%, với giá thành là 32.200 đồng/kg và nếu tính cả vận chuyển, giá bán phải ít nhất là 35.000 đồng/kg mới hòa vốn. Trong khi đó, gà Mỹ bán ở siêu thị vừa rồi chưa tới 20.000 đồng thì không thể nào giải thích được lý do vì sao.

“Chúng tôi là doanh nghiệp có tên tuổi ở Việt Nam nhiều năm nay nhưng đã lỗ liên tiếp 11 tháng qua, hiện vẫn gắng gượng để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, nếu vẫn tiếp tục lỗ thì phải tính tới ngừng sản xuất”- ông Phương nói.

TS Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nói, chưa bao giờ  câu chuyện con gà, quả trứng được dư luận quan tâm như hiện nay. “Vừa qua, chúng tôi có trao đổi với đại diện Hiệp hội Chăn nuôi của Mỹ, họ nói giá gà rất rẻ nhưng họ không công bố giá thành sản xuất. Họ có đưa ra nguyên nhân là do bị Nga cấm vận và dịch cúm gia cầm ở 13 bang làm cho sản phẩm ứ đọng nên đương nhiên là giá rẻ”- ông Sơn cho biết.

Cũng liên quan tới câu chuyện gà Mỹ giá rẻ, ông Phan Minh Báu- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai  đề nghị cơ quan chức năng cần rà soát lại, thị trường thiếu tới đâu mà nhập tới 40% sản lượng, nếu không đưa ra hàng rào kỹ thuật chặt chẽ hơn, tới đây chăn nuôi gà sẽ chết trên sân nhà.

Nhập nhiều, lấy mẫu kiểm tra ít

Ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đặt câu hỏi: “Chẳng hiểu sao tại nước Mỹ có 13 bang có dịch cúm mà gà vẫn vào được Việt Nam. Tôi nghi ngờ việc kiểm soát của Cục Thú y có vấn đề”. Trước câu hỏi của ông Lịch và nhiều ý kiến khác, ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đã lấy 35 mẫu gà Mỹ kiểm tra nhưng không phát hiện ra virus cúm gia cầm, chỉ có dư lượng kháng sinh nhưng trong giới hạn cho phép.

Không chấp nhận câu trả lời của lãnh đạo Cục Thú y, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, Cục Thú y phải phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tăng cường lấy mẫu giám sát không chỉ dịch bệnh mà cả chất lượng. “Công luận đang nghi ngờ là gà “hết đát” giá mới rẻ, nhập tới 45.000 tấn từ Mỹ mà lấy 35 mẫu là quá ít. Mặt khác, lấy một mẫu không chỉ để xét nghiệm có một chỉ tiêu, mà phải xét nghiệm tới 150 chỉ tiêu. Phải kiểm tra xem đúng xuất xứ hay không, có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không. Cục trưởng Cục Thú y hiện đang ở Mỹ, cần làm rõ những nội dung này”- ông Phát nói.

Theo ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện tổng đàn gia cầm của cả nước là 334 triệu con, hàng năm sản xuất đạt 826.000 tấn thịt, 8,8 tỷ quả trứng. Chăn nuôi gà trong những năm qua đã góp phần đáng kể vào tổng thu nhập quốc dân, tạo công ăn việc làm cho gần 8 triệu hộ gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, chăn nuôi gà còn nhiều bất cập và gặp nhiều rủi ro, chăn nuôi nhỏ lẻ hiện chiếm tỷ lệ cao 65% về số lượng, 55% về sản phẩm nên khả năng cạnh tranh thấp...”.

Sau khi nghe ông Vân nêu hàng loạt “thực trạng” trên, ông Phát hỏi: “Tại sao giá thành chăn nuôi gà ở Thái Lan chỉ 1,2 USD/kg còn của Việt Nam lại lên tới 1,6 USD, một con gà giống của Thái Lan cũng chỉ 0,3 USD còn của Việt Nam là 0,6USD…?”. Theo ông Phát: “Các đồng chí phải trả lời cho nhân dân, chứ không phải trả lời cho Bộ trưởng và phải có hành động, không thể nói mãi những lời sáo rỗng nữa”. 

10 giải pháp cần thực hiện

Để hướng tới chăn nuôi gà xuất khẩu được như Thái Lan, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã “đặt hàng” các đơn vị có liên quan 10 biện pháp quan trọng về giống, thức ăn, chuồng trại, quy trình và công nghệ sản xuất, thuốc thú y, kiểm soát giết mổ, xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước và tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.  

Nguồn: Thanh Xuân/ Danviet

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo