Việt Nam

Đại sứ Đan Mạch: 'Điều tôi hối tiếc nhất là phải rời Việt Nam'

Cập nhật lúc 20-05-2015 04:52:29 (GMT+1)
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam - ông John Nielsen

 

"Trong thời gian sống ở đây, Hà Nội đã trở thành ngôi nhà, quê hương của tôi", Đại sứ John Nielsen nói.


“Điều tôi cảm thấy hối tiếc nhất là phải rời khỏi Việt Nam”. Đó là những chia sẻ của Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam - ông John Nielsen với phóng viên VOV sáng 19/5. Ông John Nielsen đã chia sẻ về những cảm xúc của mình, câu chuyện về các doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam; vấn đề hỗ trợ ODA giữa Đan Mạch và Việt Nam trong buổi chia tay chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ sau 5 năm làm việc tại Việt nam.

PV: Là nước thành viên EU viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và cũng là quốc gia tư vấn cho Việt Nam đầu tư mạnh vào lĩnh vực tăng trưởng xanh, Đại sứ có thể cho biết vì sao Đan Mạch lại quyết định chọn lĩnh vực này để hỗ trợ Việt Nam?

Đại sứ John Nielsen: Có rất nhiều lý do khiến chúng tôi dành nhiều nguồn vốn ODA cho Việt Nam. Thứ nhất, mối quan hệ lâu dài giữa Việt Nam - Đan Mạch đã phát triển rất tốt đẹp trong nhiều thập kỷ qua. Đan Mạch đã hỗ trợ Việt Nam từ hơn 20 năm qua, ban đầu là trong lĩnh vực môi trường, sau đó là biến đổi khí hậu và sau đó là tăng trưởng xanh.

20 năm trước đây, Đan Mạch đã phát triển mạnh trong lĩnh vực công nghệ sạch, xử lý nước thải hiệu quả… và đó là những vấn đề mà Việt Nam đang cần trong ngày hôm nay.

PV: Đại sứ đã từng khuyến cáo tăng trưởng xanh sẽ đóng vai trò mũi nhọn thúc đẩy kinh tế của Việt Nam. Ông có thể phân tích rõ hơn yếu tố này?

Đại sứ John Nielsen: Trong 20 năm qua, Việt Nam đã phát triển rất nhanh chóng và điều đó không tốt cho môi trường. Hậu quả của việc phát triển nhanh đó là ô nhiễm gia tăng, những thảm họa về môi trường và chính vì thế, Việt Nam đang cần những giải pháp để phát triển bền vững và phát triển nhanh, mạnh hơn nữa.

Một lý do nữa khi chúng tôi khuyên Việt Nam nên đầu tư vào tăng trưởng xanh bởi đây là một hình thức đầu tư kinh doanh có lợi. Đó là những gì mà Đan Mạch đã rút ra từ bài học trong 20 năm qua. Đan Mạch có các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực như năng lượng hiệu quả, xử lý rác thải, công nghệ xanh. Tôi nghĩ, Việt Nam cần phải đầu tư và có cơ chế thích hợp để chuyển sang lĩnh vực này.

Xét về lâu dài, đây là một chặng đường chuyển đổi dài và không dễ dàng gì. Nhưng tôi nghĩ không có lựa chọn nào khác và tôi nghĩ đó là việc phải làm nếu Việt Nam không muốn đối mặt với hậu quả của việc phát triển quá nhanh. Tác động của môi trường đối với xã hội sẽ rất nghiêm trọng. Trên thế giới, đã có rất nhiều các quốc gia chuyển đổi theo con đường này rồi và Việt Nam cũng nên lưu ý đến yếu tố này.

PV: Như Đại sứ vừa nói, tăng trưởng xanh là một lĩnh vực đầu tư sẽ “sinh lời” cho Việt Nam. Còn nhớ năm 2012, Đan Mạch đã ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam vì một số lý do. Sau đó, Đan Mạch đã quyết định tiếp tục duy trì mức viện trợ ODA tương đối nhiều cho Việt Nam và tham vấn cho Việt Nam phát triển tăng trưởng xanh. Điều gì khiến chính phủ Đan Mạch đưa ra quyết định này?

Đại sứ John Nielsen: Nếu nhìn lại quá trình 20 năm qua trong câu chuyện Đan Mạch hỗ trợ ODA cho Việt Nam, tôi cho rằng đó là một câu chuyện thành công.

Năm 2012, chúng tôi đã quyết định ngừng ODA trong một số dự án trong lĩnh vực nghiên cứu. Ngay sau khi xảy ra sự việc, tôi nhận thấy chính phủ Việt Nam đã xử lý vấn đề rất nhanh chóng. Tôi cũng không thấy những sự cố này tác động đến các lĩnh vực khác trong viện trợ của Đan Mạch cho Việt Nam do đó chúng tôi đã quyết định duy trì sự hỗ trợ ODA cho Việt Nam.

Trong khối cộng đồng EU, Đan Mạch là quốc gia viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam và sự hỗ trợ này vẫn tiếp tục trong năm nay và năm tới. Chúng tôi mong muốn và khuyến khích chuyển đổi mối quan hệ với Việt Nam theo hướng phát triển quan hệ thương mại. Chính vì thế tôi rất vui mừng vào năm 2013, hai nước đã ký kết Thỏa thuận Đối tác toàn diện.

PV: Vậy, chúng ta đã bắt đầu phát triển quan hệ thương mại như thế nào, thưa Đại sứ?

Đại sứ John Nielsen: Trong vòng 5 năm qua, kim ngạch thương mại Việt Nam - Đan Mạch đã tăng lên gấp đôi. Hiện có 135 công ty Đan Mạch đang làm ăn ở Việt Nam.

Đan Mạch là một quốc gia nhỏ, dân số thậm chí còn ít hơn Hà Nội, vì thế số doanh nghiệp Đan Mạch hiện diện ở Việt Nam như vậy là một con số rất lớn so với các quốc gia khác. Mối quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia vẫn đang phát triển và chúng tôi rất muốn hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, công nghệ xanh.

PV: Như Đại sứ vừa cho biết, các doanh nghiệp Đan Mạch sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam. Liệu sẽ có những thương hiệu mới của Đan Mạch vào Việt Nam?

Đại sứ John Nielsen: Tôi nghĩ việc Việt Nam đang đàm phán Hiệp định TPP với Hoa Kỳ hay tiến tới việc ký kết các Hiệp định Tự do Thương mại mới trong năm nay với EU sẽ giúp Việt Nam mở rộng đầu tư. Các doanh nghiệp Đan Mạch đang rất quan tâm tới yếu tố này và họ đã bắt đầu chuyển đổi các hoạt động của mình.

Ví dụ thay vì đầu tư sang Trung Quốc họ đang chuyển sang Việt Nam. Tôi nghĩ đây là một dấu hiệu rất đáng mừng sau khi nền kinh tế Việt Nam hồi phục. Tất cả các doanh nghiệp của Đan Mạch đều nhìn thấy được điều đó và họ muốn chuẩn bị trước cho mình.

Sắp tới, sẽ có 2 thương hiệu lớn của Đan Mạch vào Việt Nam, nhưng hiện tại tôi chưa thể tiết lộ được thông tin với các bạn. Nhưng tôi xin nhắc lại là trong vòng 2 năm qua, đã có rất nhiều thương hiệu lớn của Đan Mạch hoạt động ở thị trường Việt Nam như hãng vận tải biển Maersk, hãng bia Carslberg.

PV: Đại sứ đã chia sẻ rất nhiều điều về mối quan hệ Việt Nam - Đan Mạch trong 5 năm qua. Còn có điều gì khiến ông hối tiếc khi chưa làm được trong nhiệm kỳ của mình ở Việt Nam?

Đại sứ John Nielsen: Điều hối tiếc lớn nhất là tôi phải rời khỏi Việt Nam. Trong thời gian ở Việt Nam, tôi cảm thấy đây là một trải nghiệm rất tuyệt vời khi tôi hiểu về Việt Nam và biết về con người Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng người Việt Nam là những người thân thiện nhất trên thế giới với rất nhiều cảnh đẹp. Trong đó, Hà Nội cũng là một thành phố quyến rũ bậc nhất tại Đông Nam Á, nơi mà bạn có thể nhìn thấy các quán cà phê nhỏ, ngửi thấy mùi phở vào buổi sáng sớm và nhìn thấy người dân ở đây chạy bộ tập thể dục từ 4h30 sáng.

Trong thời gian sống ở đây, Hà Nội đã trở thành ngôi nhà của tôi, thành quê hương của tôi. Chính vì thế tôi cảm thấy rất hối tiếc khi rời Việt Nam. Tôi cũng muốn nói thêm là tôi mới đến được 45 trong tổng số 63 tỉnh, thành của Việt Nam và chắc chắn tôi sẽ quay lại Việt Nam để khám phá những nơi còn chưa đến.

PV: Xin cảm ơn Đại sứ./.

Nguồn: Hồ Điệp/VOV1

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo