Việt Nam

Các tổ chức quốc tế xin đặc xá cho Phan Minh Mẫn

Cập nhật lúc 13-08-2010 17:26:25 (GMT+1)
Bị cáo Mẫn phải lãnh án tử hình vì tội giết cha

 

Ngày 17 tháng 7, Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên án tử hình sinh viên 20 tuổi Phan Minh Mẫn vì tội giết cha.


Nạn nhân của nạn bạo hành

Từ Paris, ngày 23 tháng 7, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, viết thư gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết xin đặc xá tử hình cho người sinh viên học giỏi, con một gia đình nghèo. Ông Ái nhìn sự việc này “nảy sinh từ tấn bi kịch xã hội hơn là vì tình trạng phạm tội thuần túy” đồng thời minh họa những tệ nạn kinh tế và xã hội trầm trọng tại Việt Nam ngày nay, và ông cho biết mỗi ba ngày có một phụ nữ chết vì nạn chồng đánh vợ.

Bi kịch đến từ sự kiện thân phụ của Phan Minh Mẫn mất việc trong nghề tài xế chở hàng thuê, lại không được Nhà nước tương trợ, ông rơi vào tuyệt vọng, rồi nghiện rượu, nên “đổ hết sự oán hận của đời mình lên đầu gia đình, đánh đập vợ con sống dở chết dở”.

Qua thư, ông Võ Văn Ái cho rằng “việc hành hình Phan Minh Mẫn không là giải pháp ngăn cản được những tội phạm cùng mô thức khác tại Việt Nam. Mặt khác, việc hành hình này sẽ làm đổ nát một gia đình mà cột trụ chống đỡ vừa mới qua đời, cuộc hành hình còn làm tắc nghẽn niềm hy vọng được nhìn thấy đứa con nuôi sống gia đình sau khi học hành thành đạt”. Kết thúc bức thư, ông Ái cũng kêu gọi CHXHCN Việt Nam “tháp tùng với các nước văn minh trong thế giới đã từ lâu hủy bỏ án tử hình”.

Bức thư được công bố trên kênh truyền thông quốc tế, liền được sự hỗ trợ của các tổ chức nhân quyền quốc tế. Trước tiên là bức thư viết từ Đức của ông Wilhem Ludwig, thành viên Hội Nhân quyền Quốc tế Đức, gửi cho Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ tưởng Tư pháp Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân thông qua Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin. Hậu thuẫn lời xin của ông Võ Văn Ái, ông Wilhem Ludwig quan niệm rằng, ngoài “luật pháp cứng rắn” (Recht des Stäkeren) còn có “luật pháp của sự hiền minh” (Recht des Weiseren) để khoan hồng.

Trường hợp sinh viên Phan Minh Mẫn minh họa những khó khăn về mặt xã hội và kinh tế tại Việt Nam khiến cho một số người phạm tội.

Bà Elisabetta Zamparutti

Ngày 2 tháng 8, tổ chức quốc tế Hands Off Cain do ông Marco Pannella, cựu Dân biểu Quốc hội Châu Âu làm chủ tịch, viết thư cho Chủ tịch Nguyễn Minh Triết xin phá án tử hình cho sinh viên 20 tuổi Phan Minh Mẫn. Thư cũng cho biết từ năm 2007, Đại hội đồng LHQ đã nhận định rằng “sử dụng án tử hình là hạ thấp nhân phẩm”. Sau thời kỳ thế giới hủy bỏ nạn nô lệ và nạn tra tấn, "quyền không giết" sẽ làm cho nhân loại sống chung như một gia đình.

Tổ chức Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền ra đời từ đầu thập niên 20 thế kỷ trước, có trụ sở ở Paris cũng đã lên tiếng hôm 3 tháng 8 hỗ trợ thành viên của Liên Đoàn là Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam xin đặc xá tử hình cho sinh viên 20 tuổi Phan Minh Mẫn. Bản lên tiếng của Liên Đoàn kêu gọi lãnh đạo Hà Nội khoan hồng cho Mẫn khi nhắc lại câu nói của mẹ sinh viên Mẫn với báo chí tại Saigon rằng “Từ lúc biết cái lễ cái nghĩa, nó cắn răng chịu đựng, lầm lầm lũi lũi suốt ngày. Ba đánh nó thì nó chạy, đánh mẹ, đánh em thì nó nhào vô can. Mười mấy năm trời chưa một lần cãi lời ba”.

Mẹ của sinh viên Mẫn cũng ta thán với báo VietNamNet rằng: “Tôi làm tạp vụ ở một nhà máy, lương mỗi tháng chỉ khoảng một triệu rưởi. Biết con mình đã phạm trọng tội nhưng không đủ tiền thuê luật sư. Tôi đã cố hết sức, chỉ mong luật pháp khoan hồng, cho nó một cơ hội làm lại cuộc đời. Nó còn trẻ quá!”.

Trong khi ấy bà nội của Mẫn tâm sự với VietNamNet rằng "nó muốn một mình gánh chịu tất cả những khổ cực mà 3 mẹ con đã phải chịu mười mấy năm qua. (…). Nó nhận án chung thân cũng được, miễn là tôi còn có cơ hội nhìn thấy mặt thằng cháu đích tôn tội nghiệp. Pháp luật có khắt khe quá với cháu tôi không?”.

Đấu tranh chống án tử hình

mman-doisongphapluat.jpg
Bà nội, mẹ và em gái Mẫn đau đớn vì bản án tử hình mà tòa tuyên cho Mẫn. Photo courtesy of doisongphapluat

Để hiểu vì sao các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng cho sinh viên 20 tuổi Phan Minh Mẫn, chúng tôi làm cuộc phỏng vấn bà Elisabetta Zamparutti, Dân biểu Quốc hội Ý, người ký tên thỉnh nguyện cho tổ chức Hands Off Cain, và ông Emmanouil Athanasiou phụ trách Văn phòng Á châu của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền.

Ỷ Lan : Elisabetta Zamparutti, là Dân biểu Quốc hội Ý, và một trong hai người đứng tên nhân danh tổ chức Hands Off Cain gửi Chủ tịch Nguyễn Minh Triết xin khoan hồng cho sinh viên Phan Minh Mẫn. Trước hết xin bà cho biết về tổ chức Hands Off Cain ?

Elisabetta Zamparutti : Hands Off Cain là tổ chức quốc tế chống án tử hình. Mục tiêu của tổ chức là xin tạm ngưng án tử hình. Trong mục tiêu này chúng tôi đã thành công làm cho Đại hội đồng LHQ tại New York năm 2007 thông qua Quyết Nghị kêu gọi thế giới tạm ngưng án tử hình để tiến tới việc hủy bỏ án tử hình.

Ỷ Lan : Bà vừa gửi thư đến Chủ tịch Nguyễn Minh Triết xin hủy án tử hình cho sinh viên Phan Minh Mẫn. Xin bà cho biết lý do nào tổ chức bà làm như thế ?

Elisabetta Zamparutti : Vâng, chúng tôi đã gửi thư cho Chủ tịch Triết xin khoan hồng cho sinh viên Phan Minh Mẫn, căn cứ theo Quyết Nghị của LHQ kêu gọi các quốc gia chưa hủy án tử hình, để xin đặc xá án này. Trường hợp sinh viên Phan Minh Mẫn minh họa những khó khăn về mặt xã hội và kinh tế tại Việt Nam khiến cho một số người phạm tội, như trường hợp Phan Minh Mẫn. Nhận định rằng trong mấy năm qua Việt Nam có những cố gắng nhỏ giảm thiểu án tử hình, nên chúng tôi muốn đạt một tín hiệu quan trọng khác về phía nhà cầm quyền đối với án tử hình Phan Minh Mẫn khi xuống lệnh đặc xá.

Ỷ Lan : Đây không phải là lần đầu tổ chức của bà lên tiếng cho Việt Nam ? Tổ chức của bà đã từng nhắc đến những hoàn cảnh bi thiết trên hành lang tử hình và những án tù nặng nề dành cho giới bất đồng chính kiến. Bà nhìn Việt Nam ngày nay ra sao ?

Việc hành hình Phan Minh Mẫn không là giải pháp ngăn cản được những tội phạm cùng mô thức khác tại Việt Nam.

Ô. Võ Văn Ái

Elisabetta Zamparutti : Đúng vậy. Việt Nam là quốc gia độc đoán và không tự do. Vì vậy mà lần đầu tiên chúng tôi viết kiến nghị cho Việt Nam. Chúng tôi biết rằng các quốc gia độc đoán có số xử tử hình cao nhất thế giới - 99% án tử hình đến từ các quốc gia độc đoán. Trong các quốc gia này, thông tin về án tử hình được xem như quốc cấm. Cho nên chúng tôi biết rằng cuộc đấu tranh chống án tử hình cũng là cuộc tranh đấu cho dân chủ, cho nền pháp quyền và cho sự tôn trọng nhân quyền nói chung. Chúng tôi từng gửi kiến nghị đến các nước khác, chẳng hạn như Iran. Vì vậy lần này chúng tôi muốn đối thoại với nhà cầm quyền Việt Nam.

Ỷ Lan : Người dân tại các nước như Việt Nam có thể làm gì, khi họ thấy gia đình họ bị kết án bất công ?

Elisabetta Zamparutti : Dân chúng sống dưới các quốc gia độc tài cần nhớ sự hiện hữu của Cộng đồng thế giới. Có thể cộng đồng này không làm hết những gì họ mong muốn, nhưng họ vẫn luôn luôn hoạt động để bảo vệ nhân dân trong thế giới. Vì vậy mọi công dân trên thế giới phải lên tiếng đòi hỏi sự tôn trọng các Công ước quốc tế, và tìm cách gửi những khiếu nại đến các tổ chức quốc tế, yêu sách các tổ chức này gây áp lực mạnh mẽ cho việc tôn trọng nhân quyền và dân chủ trên địa cầu.

Ỷ Lan : Họ có thể gửi đến tổ chức của bà hay không?

Elisabetta Zamparutti : Đương nhiên. Chúng tôi chờ đợi những kiến nghị ấy.

Ỷ Lan : Xin cám ơn bà Elisabetta Zamparutti.

Tử hình có thiết lập được công lý?

mman-vietnamnet-250.gif
Mẹ của bị cáo Phan Minh Mẫn thắp nhang trước bàn thờ chồng. Photo courtesy of VietnamNet

Khi được hỏi lý do bênh vực cho sinh viên Phan Minh Mẫn, ông Emmanouil Athanasiou, đặc trách Văn phòng Á châu của Liên Đoàn Quôc tế Nhân quyền có trụ sở ở Paris cho biết:

"Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền chủ trương chống án tử hình. Chúng tôi hỗ trợ thành viên của chúng tôi là Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, cùng với Ủy ban, chúng tôi đã ấn hành Phúc trình về hiện trạng án tử hình tại Việt Nam tại Hội nghị Chống án tử hình lần thứ tư ở Genève tháng 2 đầu năm nay.

Lý do đặc biệt khiến Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền tham gia là vì bối cảnh của vụ án. Tiếc rằng bối cảnh này không được Tòa án Nhân dân quan tâm. Cho nên chúng tôi nhận định rằng án tử hình Phan Minh Mẫn là một hành động trả thù hơn là sự thiết lập công lý. Bởi vì nếu Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh muốn vinh danh công lý, tất họ sẽ quan tâm tới bối cảnh khó khăn, qua đó một thanh niên 20 tuổi hủy phá đời mình để cứu mẹ và gia đình trước người cha bạo hành."

Ỷ Lan : Trong bản phúc trình về hiện trạng án tử hình tại Việt Nam, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền cũng nhắc tới những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam. Theo ông, hiện trạng ấy ngày nay như thế nào ?

Emmanouil Athanasiou : Trong mọi trường hợp, Việt Nam là quốc gia không thừa nhận bất đồng chính kiến, không chấp nhận những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền được hoạt động, như tại các nước khác trong thế giới. Việt Nam là quốc gia chỉ chấp nhận một phát ngôn duy nhất, là tiếng nói của Đảng Cộng sản, tất cả những ý kiến khác với đảng Cộng sản phải lặng câm. Vả lại, Việt Nam có cả một kho luật pháp và hành xử tư pháp, nhưng trong thực tế thì bỏ tù hay quản chế các xã hội dân sự, những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền, những nhà bất đồng chính kiến.

... nếu Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh muốn vinh danh công lý, tất họ sẽ quan tâm tới bối cảnh khó khăn, qua đó một thanh niên 20 tuổi hủy phá đời mình để cứu mẹ và gia đình trước người cha bạo hành.

Ô. Emmanouil Athanasiou

Còn có cả những điều khoản trong Bộ luật Hình sự xử tội các nhà bất đồng chính kiến với những án lệnh đưa tới tử hình khi nại cớ xâm phạm an ninh quốc gia. Đây là hiểm nguy thực sự cho những nhà bất đồng chính kiến có thể bị tử hình, mà thực ra họ chỉ hành xử quyền tự do ngôn luận hay trao đổi thông tin với các nhà hoạt động nước ngoài, hoặc tham gia những hoạt động chính trị, những hoạt động mà các nước dân chủ trong thế giới công nhận, nhưng tại Việt Nam thì không.

Ỷ Lan : Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền chờ đợi gì ở Chủ tịch Nguyễn Minh Triết ?

Emmanouil Athanasiou : Trong trường hợp sinh viên Phan Minh Mẫn, chúng tôi chờ đợi một điều minh bạch - đó là tính nhân đạo đối với một trường hợp giảm khinh. Chúng tôi cũng chờ đợi ở chế độ một bằng chứng - nhất là vào lúc Việt Nam giữ chức Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Đông Nam Á và cơ cấu mới của Hiệp hội này là Ủy hội Nhân quyền Liên chính phủ của ASEAN. Đây sẽ là một tín hiệu cho các quốc gia thành viên ASEAN. Áp dụng sự tạm ngưng thi hành án tử hình sẽ là một bước đầu, để sau đó, Quốc gia Việt Nam sẽ có động thái nghiêm trọng hơn, mà mọi người mong mỏi là sắp tới đây Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu chống án tử hình cho bất cứ tội phạm nào.

Ỷ Lan : Xin cám ơn ông Emmanouil Athanasiou.

Theo RFA

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo