Tin tức

Trung Quốc phá giá đồng Nhân Dân Tệ và nguy cơ “chiến tranh tiền tệ”

Cập nhật lúc 11-08-2015 15:49:25 (GMT+1)
Mức phá giá 1,9% này được coi là mạnh nhất tại Trung Quốc trong hai thập kỷ qua, và đang tác động mạnh lên thị trường tài chí

 

Sự kiện Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ lần đầu tiên trong hai thập kỷ qua đang tác động mạnh lên thị trường tài chính thế giới và có nguy cơ dẫn tới một cuộc “chiến tranh tiền tệ” nhằm giành lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu.


Sáng nay 11-8, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) bất ngờ điều chỉnh biên độ tỷ giá giữa nhân dân tệ Trung Quốc (NDT) và đô la Mỹ (USD) lên mức +/- 2%, khiến cho đồng bạc này giảm giá ở mức sâu nhất trong một ngày kể từ khi Trung Quốc ban hành tỷ giá chính thức vào tháng 1-1994. PBoC cho biết, sự điều chỉnh này chỉ diễn ra một lần và sẽ củng cố năng lực thị trường trong việc xác lập tỷ giá hối đoái.

Ngay sau khi quyết định điều chỉnh nói trên được ban hành và có hiệu lực ngay lập tức, đồng NDT đã giảm 2% so với đô la Mỹ, giao dịch ở mức 1 USD đổi 6,3323 NDT lúc 10 giờ sáng nay tại Bắc Kinh. Trên thị trường Hồng Kông, giá NDT giảm 2,3%, giao dịch ở mức 1,4% thấp hơn mức sàn quy định 6,2298 NDT ăn 1 USD.

Giới phân tích nhận định, biện pháp phá giá đồng tiền của Trung Quốc là nhằm nâng đỡ khu vực xuất khẩu hàng hóa đã có dấu hiệu suy giảm mạnh: xuất khẩu tháng 7-2015 giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. PboC cho rằng đồng NDT mạnh đã gây áp lực lên hàng hóa xuất khẩu và để hỗ trợ xuất khẩu PboC cần phá giá đồng tiền.

Lâu nay, Trung Quốc vẫn cố gắng duy trì một đồng tiền mạnh để ngăn chặn tình trạng chuyển vốn ra nước ngoài (capital outflow), bảo vệ các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài. Sự can thiệp vào tỷ giá của chính phủ Trung Quốc đã làm tỷ giá thực của đồng NDT tăng lên 14% trong hơn một năm qua và NDT là đồng tiền tăng giá cao nhất trong số 32 đồng tiền trong chỉ số tiền tệ của Ngân hàng Thanh toán quốc tế BIS.

Tuy nhiên, theo nhà kinh tế Tom Orlik của Bloomberg Intelligence, PboC luôn luôn phải giữ cân bằng giữa việc giữ giá đồng tiền để ngăn nạn chảy máu ngoại tệ và phá giá đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu. Theo tính toán của ông Orlik, nếu giảm giá đồng tiền 1 phần trăm thì xuất khẩu có thể tăng thêm 1 điểm phần trăm với độ trễ là ba tháng. Tuy vậy, nếu đồng NDT bị mất giá 1% so với USD thì có khả năng sẽ kích hoạt 40 tỉ USD chảy ra nước ngoài.

Động thái điều chỉnh tỷ giá sáng nay của PboC, theo ông Orlik, cho thấy Trung Quốc quyết tâm hỗ trợ xuất khẩu, và giới lãnh đạo nước này tin rằng, với dự trữ ngoại tệ hơn 3.690 tỉ USD, Bắc Kinh có thừa năng lực để duy trì sự ổn định của thị trường tài chính trong nước.

Trên bình diện quốc tế và khu vực, hành động phá giá đồng NDT của Trung Quốc đã gây phản ứng dây chuyền ở các nền kinh tế khác. Nhiều nhà phân tích thừa nhận xuất khẩu của Trung Quốc suy giảm mạnh trong thời gian gần đây, nhưng lý giải sự sút giảm đó là do nhu cầu của các thị trường nhập khẩu bị co lại, đặc biệt là châu Âu vẫn chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ. Từ suy nghĩ đó, nhiều người cảm thấy bất ngờ trước quyết định phá giá đồng NDT của PboC và lập tức phản ứng có phần thái quá.

Đến đầu giờ chiều nay 11-8, hầu hết các đồng tiền châu Á đều giảm so với đô la Mỹ; cụ thể đồng đô la Singapore giảm 1,3% (1 đô la Mỹ ăn 1,4 đô la Singapore); đồng Đài tệ của Đài Loan giảm 1,36% (1 đô la Mỹ ăn 32,07 Đài tệ), đồng won Hàn quốc giảm 1,36% (1 đô la Mỹ ăn 1.178,94 won) và đồng baht Thái Lan giảm 0,72%(1 đô la Mỹ ăn 35,344 baht Thái)… Hầu hết các nền kinh tế này đều có những mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc nên họ không thể ngồi yên khi Bắc Kinh phá giá đồng tiền để giành lợi thế cho hàng hóa của mình. Vào cuối buổi chiều, tỷ giá các đồng tiền kể trên có mạnh lên một chút so với đầu buổi chiều nhưng mức tăng không đáng kể.

Liên quan tới điều chỉnh tỷ giá, đáng chú ý là hàng loạt cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài cũng giảm mạnh vì nhà đầu tư lo ngại khoản tiền nợ tính bằng đô la Mỹ mà các công ty này đã vay sẽ lớn thêm lên. Theo Bloomberg, việc điều chỉnh tỷ giá NDT sáng nay đã khiến nợ nước ngoài của các công ty Trung Quốc tăng thêm 10 tỉ đô la Mỹ.

Các nhà phân tích dự báo, sau khi điều chỉnh tỷ giá, trong vài ngày tới PboC có thể sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, giảm lãi suất cơ bản lần thứ 5 trong năm nay để thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn nữa.

Bình luận về những biện pháp này, chuyên gia Stephen Roach, cựu chủ tịch Ngân hàng Morgan Stanley ở Á châu và hiện là nghiên cứu viên cao cấp của Đại học Yale cho rằng, những động thái trên của Trung Quốc có thể kích hoạt cuộc “chiến tranh tiền tệ” khi các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu khác cũng sẽ nỗ lực phá giá đồng tiền để không bị thua thiệt trước hàng hóa Trung Quốc. “Thật khó tin biện pháp phá giá đồng tiền là sự điều chỉnh một lần. Kinh tế toàn cầu đang yếu nên để thúc đẩy xuất khẩu đang suy giảm của Trung Quốc, việc phá giá đồng tiền 2% là chưa đủ. Điều đó sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ đụng độ nhỏ ngày càng mất ổn định trong cuộc chiến trang tiền tệ toàn cầu đang lan rộng”, ông Roach nói.

Việt Nam chịu tác động gì?

Trong khi đó, hành động của Bắc Kinh đã gây phản ứng dây chuyền ở các nền kinh tế khác. Các đồng tiền của nhiều quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore và Philippines đồng loạt giảm giá.

Bây giờ Trung Quốc phá giá thì chắc chắn sẽ làm cho hàng hóa của Trung Quốc rẻ hơn khi xuất khẩu và vì vậy cho nên Trung Quốc sẽ có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu và hàng Trung Quốc sẽ có năng lực cạnh tranh cao hơn so với mặt hàng của các nước khác, đặc biệt là của Việt Nam. Đấy là điều tôi thực sự lo ngại.”

Tiền tệ của khối ASEAN được coi là mất giá mạnh nhất so với đồng đôla Mỹ kể từ đầu năm nay trong khi kinh tế của của các thành viên trong hiệp hội này giảm tốc.

Về bước đi sắp tới nên làm của Việt Nam, ông Doanh nói:

“Việt Nam cần phải xem xét và điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam bởi vì tỷ giá đồng Việt Nam từ đầu năm cho tới nay đã điều chỉnh 2%, nhưng đồng đôla đã mạnh lên và nhiều đồng tiền đã giảm giá kể cả đồng Euro. Bây giờ nếu như người láng giềng của Trung Quốc, có mối quan hệ thương mại và xuất khẩu mạnh nhất vào thị trường Việt Nam, lại phá giá thì đấy là điều mà Việt Nam cần phải xem xét sớm”.

Kinh tế gia này cho biết thêm rằng sau những sóng gió trong quan hệ giữa hai nước thời gian qua, thì “chỉ có mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc gặp khó khăn, chứ còn xuất khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam vẫn tiến triển đáng kể”.

Chính quyền Việt Nam chưa thông báo về các bước đi sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.

Nguồn: Thái Bình/(Bloomberg)/thesaigontimes.vn, VOA

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo