Tin tức

Toan tính của Trung Quốc khi phát hành tiền số: Thoát khỏi cái bóng của USD và Mỹ

Cập nhật lúc 17-10-2019 14:19:41 (GMT+1)

 

Con đường ra mắt đồng tiền ảo Libra của Facebook vẫn đầy chông gai sau khi một số công ty đối tác tuyên bố rút khỏi dự án này trước những chỉ trích của giới chức quản lý tài chính toàn thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc đang “ấp ủ” tung ra một loại tiền điện tử mới như một giải pháp thay thế.


Đối thủ của Libra

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tuyên bố kế hoạch phát hành một loại tiền kỹ thuật số được hỗ trợ bởi đồng nhân dân tệ (NDT). Đồng tiền điện tử này không giống với các loại tiền điện tử phổ biến hiện nay với một cấu trúc vận hành phức tạp hơn, phân chia thành hai cấp là PBOC và các ngân hàng thương mại.

Ở cấp đầu tiên, PBOC sẽ phát hành tiền điện tử thông qua các ngân hàng thương mại. Ở cấp thứ hai, các ngân hàng thương mại sẽ chịu trách nhiệm phân phối lại tiền điện tử cho những người tham gia thị trường bán lẻ.

Cách phân cấp này được cho là để phù hợp với quy mô lớn của nền kinh tế cũng như dân số Trung Quốc. Đây là cách để đồng tiền số của Trung Quốc không hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ nền tảng blockchain như các đồng tiền kỹ thuật số phổ biến hiện nay.

Chiến lược tiền điện tử của Trung Quốc mang nhiều ý nghĩa địa chính trị. PBOC lập luận rằng lý do cơ bản đằng sau động thái này là để bảo vệ "chủ quyền" về ngoại hối của Trung Quốc, đối phó với những rủi ro tài chính và sự thống trị của đồng USD.

Việc PBOC nắm quyền kiếm soát hoàn toàn đồng tiền điện tử này cũng giảm thiểu khả năng mất quyền tự chủ tiền tệ - một yếu tố khiến Fed tỏ ra nghi ngại đối với đồng Libra của Facebook.

Sự ra đời của đồng tiền điện tử này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc xây dựng chính sách tiền tệ. Dòng dữ liệu lớn từ các hệ thống giao dịch cho phép Bắc Kinh cải thiện khả năng ra quyết định và quản lý chiến lược, phòng chống nạn rửa tiền và những hoạt động phi pháp khác.

Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng một trong những mục đích chính của đồng tiền điện tử này là giúp tăng cường vị thế của đồng NDT trên thị trường toàn cầu, giúp đưa đồng nội tệ Trung Quốc vào nhiều giao dịch thường ngày hơn trên toàn thế giới.

Việc PBOC phát hành đồng tiền điện tử riêng cũng có thể là công cụ giúp mở rộng phạm vi hoạt động tài chính quốc tế của Trung Quốc thông qua quan hệ đối tác thương mại giữa các nước và công ty Trung Quốc, thoát khỏi sự thống trị của Mỹ trên lĩnh vực tài chính toàn cầu.

Đồng tiền kỹ thuật số này có thể được sử dụng trên các hệ thống thanh toán điện tử lớn hiện nay, bao gồm cả WeChat, Alipay, UnionPay của Trung Quốc.

Alipay là dịch vụ thanh toán điện tử được sở hữu và điều hành bởi Ant Financial, hiện trung bình có hơn 600 triệu người dùng hàng tháng, con số này lớn gần gấp đôi dân số của Mỹ.

Chỉ tính riêng trong quý I/2019, những ứng dụng thanh toán của Trung Quốc đã xử lý lượng giao dịch nội địa trị giá 59.000 tỷ NDT (8.300 tỷ USD).

PBOC dự kiến sẽ phân phối đồng tiền điện tử này thông qua bốn ngân hàng quốc doanh lớn là Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Ngân hàng Trung Quốc (BOC).

Ở giai đoạn ban đầu, đồng tiền điện tử này chỉ dành cho những giao dịch nội địa. Trong tương lai, nó có thể được thiết kế để áp dụng tỷ giá hối đoái tương tự như tiền thật. Nhưng cơ chế giao dịch xuyên biên giới bằng đồng tiền này sẽ phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi sự phối hợp chính sách giữa Trung Quốc với các quốc gia khác.

Nếu Libra không được thông qua, tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có trở thành tiền tệ kỹ thuật số toàn cầu, theo các nhà phân tích của RBC.

Tiền điện tử sẽ thêm vào một danh sách dài các căng thẳng hiện có giữa 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc vốn đang kẹt trong bế tắc thương mại và cuộc chiến giành quyền thống trị mạng di động 5G. Bộ Tài chính Mỹ cũng đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ - vấn đề có thể trở nên trầm trọng hơn nếu một loại tiền điện tử được hỗ trợ bằng đồng NDT xuất hiện.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết hồi đầu năm nay rằng Mỹ đang để mắt đến các loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền.

Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney cho rằng các loại tiền kỹ thuật số khác có thể làm giảm bớt ảnh hưởng độc đoán của đồng USD trong thương mại toàn cầu.

Tương lai của Libra

Vào tháng 6, Facebook tuyên bố sẽ tiên phong ra mắt một loại tiền điện tử vào năm 2020 do Liên minh Libra điều hành. Facebook tin tưởng Libra sẽ trở thành đồng tiền số toàn cầu, ổn định, lưu hành trên các điện thoại thông minh và có thể giúp hàng tỷ người không thể tiếp cận dịch vụ tài chính truyền thống tham gia vào hệ thống tài chính. Giá trị của Libra sẽ gắn với một loại tiền tệ cơ bản như đồng USD. Hiện tại, Liên minh Libra cho biết tiền điện tử của họ sẽ được ổn định bằng đồng yên, USD và euro, không nhắc tới NDT.

Tuần trước, Visa, PayPal, MasterCard và Stripe tuyên bố rời khỏi Liên minh, làm dấy lên những lo ngại về thành công của dự án này. Liên minh đã họp trong tuần này tại Geneva, Thụy Sĩ và những thành viên còn lại đã ký điều lệ của Liên minh vào thứ Hai.

Bà Katie Haun, đối tác chung tại Andreessen Horowitz và là đồng giám đốc của quỹ tiền điện tử trị giá 350 triệu USD, đã được bầu vào ban lãnh đạo của dự án. Bất chấp sự ra đi của những tên tuổi lớn, bà Haun vẫn cam kết thực hiện sứ mệnh Libra.

Dự án đã vấp phải sự phản đối và chỉ trích từ giới chức quản lý tài chính toàn cầu và các chính phủ vì cho rằng việc phát hành tiền số trên mạng xã hội với khoảng 2 tỷ người dùng sẽ gây ra các nguy cơ an ninh tài chính và chính sách tiền tệ quốc gia.

Nhiều người đã đặt ra câu hỏi về những rủi ro và tham vọng của Facebook, lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia nếu Libra chính thức hoạt động. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho rằng đồng tiền kỹ thuật số này có thể bị lạm dụng bởi những kẻ rửa tiền và các nhà tài chính khủng bố.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào thứ Hai, ông cho biết đã gặp đại diện Libra nhiều lần và tuyên bố rõ rằng nếu họ không đáp ứng các tiêu chuẩn chống rửa tiền thì chính phủ sẽ có hành động cưỡng chế.

Liên minh Libra vẫn đang nỗ lực dù mất các thành viên chủ chốt. Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg sẽ đến Capitol Hill vào tuần tới để trả lời về Libra trước Hạ viện. Quốc hội Mỹ cần làm rõ một số điều liên quan đến chính sách tiền tệ, chính sách trừng phạt, luật chứng khoán và quy định bảo vệ người tiêu dùng.

Ngay cả khi đối mặt với sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý, Facebook sẽ tiếp tục theo đuổi các sáng kiến ​​về ví kỹ thuật số, theo dự đoán của các nhà phân tích RBC.

"Những công ty khác vẫn rất quan tâm đến việc tham gia Liên minh. Nếu một lộ trình quy định rõ ràng được phát triển và Libra ra mắt thành công, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy các công ty này lại gia nhập Liên minh Libra."

Khánh An Theo Trí thức trẻ/CNBC
Nguồn:cafef.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo