Tin tức

Thực trạng và triển vọng kinh tế của Eurozone

Cập nhật lúc 17-03-2012 13:24:10 (GMT+1)

 

 Đánh giá về thực trạng và triển vọng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chuyên gia tư vấn chiến lược tài chính và là cựu Giám đốc Ngân hàng bang Vaud (Thụy Sĩ) Phạm Nam Kim cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang ở thế bí và khủng hoảng tại Hy Lạp chỉ là bề nổi của nhũng vấn đề khó khăn đối với Eurozone và cho cả châu Âu. 


Theo chuyên gia Phạm Nam Kim, trước mắt muốn giải quyết vấn đề nợ công khổng lồ của những nước yếu kém trong khối thì các nước giầu mạnh phải bỏ tiền ra hỗ trợ, nhưng sợ hỗ trợ này chỉ nhất thời mà thôi, các nước được hỗ trợ phải nhanh chóng tự chỉnh đốn lại nền tài chính. 

Trong những ngày vừa qua, các cường quốc trong Liên minh châu Âu (EU) đã đề cao ý chí chính trị xây dựng khối vững mạnh và đã chi 130 tỷ euro cứu trợ Hy lạp. Trước đây, chính ý chí này đã dẫn EU tới quyết định mở rộng từ 11 lên 17 quốc gia thành viên, mặc dù nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng đồng tiền chung khó tồn tại khi sự điều hành kinh tế không hợp nhất, cũng như tồn tại quá nhiều sự khác biệt về chính sách đối phó với khủng hoảng kinh tế và nhất là về mức độ phát triển kinh tế và xã hội. Các chuyên gia cho rằng, đồng euro muốn tồn tại nên thu hẹp Eurozone bằng cách loại bỏ những quốc gia kém phát triển ra khỏi khối.

Ông Phạm Nam Kim nhận định châu Âu đang trải qua hai cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng thứ nhất là khủng hoảng của đồng euro. Như đã trình bầy ở trên, có thể cho rằng đây là căn bệnh do chính tham vọng của giới lãnh đạo EU trong việc mở rộng Eurozone tạo nên và "căn bệnh" này ngày càng trầm trọng. Ý chí chính trị của giới lãnh đạo EU không đủ để giải quyết khủng hoảng của đồng euro mà họ phải cần tới số tiền khủng lồ để san lấp hậu quả của sự khác biệt kinh tế. Tuy nhiên, các cường quốc EU cũng không đủ khả năng tài chính để có thể giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực khi mà chính họ cũng đang vướng phải một cuộc khủng hoảng còn nghiêm trọng hơn, đó là khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội.

Theo ông Phạm Nam Kim, khủng hoảng thứ hai tại châu Âu hiện nay chính là khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội. Nhìn lại lịch sử phát triển của châu Âu, có thể nhận thấy rằng sau thời gian kinh tế và công nghệ phát triển mạnh đến những năm 1990, cuộc suy thoái đã dần manh nha và từng bước bùng nổ. Từ những năm 1990, nhiều nhà máy sản xuất đã được chuyển tới những quốc gia có nhân công thấp, khu vực công nghiệp sản xuất đã nhường bước cho khu vực dịch vụ, mà trong đó dịch vụ tài chính và dịch vụ thương mại tạo nên lợi nhuận cao nhất vì họ đặt nền tảng dựa trên đầu cơ. Đầu cơ dần trở thành động lực phát triển kinh tế của châu Âu và đây chính là vấn đề của châu Âu, khi "sản xuất thực" đi xuống, thay thế bằng "sản xuất ảo" vốn rất mong manh trước những "cú sốc" kinh tế-tài chính. Hiện tại, EU như đang bị hai vòng xoáy kinh tế và chính trị quay ngược nhau và kéo EU vào những cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Về tương lai, chuyên gia Phạm Nam Kim cho rằng, châu Âu phải thoát ra hai "vòng xoáy" trên mới có thể có những biện pháp triệt để nhằm cứu vãn những quốc gia gặp khó khăn trong khu vực.

Lê Chân

Nguồn: Tamnhin

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo