Tin tức

Người tiêu dùng Việt Nam bị các hãng sữa ‘móc túi’

Cập nhật lúc 10-05-2018 03:25:46 (GMT+1)
Nhiều hãng sữa sử dụng tên gọi không rõ ràng khiến người tiêu dùng nhầm lẫn khi lựa chọn sản phẩm

 

Người tiêu dùng tại Việt Nam thường chỉ phân biệt các khái niệm sữa bột, sữa nước và sữa chua nên đã có không ít người nhầm lẫn và coi rằng các loại sữa nước cũng chính là sữa tươi đã qua xử lý. Lợi dụng cách hiểu này, trong hàng chục năm qua một số hãng sữa Việt Nam đã sử dụng cách gọi tên không rõ ràng để bán sản phẩm và thu lợi nhuận khổng lồ từ sữa bột pha loãng với giá thành của sữa bò tươi 100%.


Trên thị trường hiện nay có khoảng 60 doanh nghiệp sản xuất sữa với hơn 300 nhãn hàng sữa dạng lỏng. Hầu hết các sản phẩm sữa hộp dạng lỏng này đều có bao bì in hình ảnh bò sữa với thành phần sản phẩm là sữa bò. Người tiêu dùng vì thế khi mua hàng đều có suy nghĩ rằng các loại sữa dạng lỏng đóng hộp cũng chính là sữa bò tươi đã qua xử lý với đầy đủ các thành phần dinh dưỡng vốn có của loại sữa này.

Chị Thiên Hương, một người tiêu dùng cho biết:

“Ví dụ mình tiện loại gì thì mình mua loại đó, chứ không để ý đến thành phần hay công dụng mấy. Tôi chỉ để ý đến date xem còn hạn không thôi. Với cả con nó thích mua loại gì thì tôi sẽ mua cho nó loại đó”

Anh mua sữa bột về anh ngoáy ngoáy lên pha lại, còn đã là sữa tươi thì phải theo tiêu chuẩn quốc tế phải là từ con bò vắt ra. Anh thử bỏ từ hoàn nguyên đi mà ghi là “sữa pha lại” thì anh bán sẽ khác ngay - ông Trần Hùng - Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương

Nắm bắt được tâm lý đó của người tiêu dùng, các hãng sữa thường dành ngân sách không nhỏ cho truyền thông, hoa hồng và cả chi phí quảng cáo nhằm thu hút các em nhỏ. Bên cạnh đó, bao bì sản phẩm cũng được đầu tư thiết kế sinh động và đáng yêu với những quảng cáo hoa mỹ về công dụng, hàm lượng vitamin hay calories có trong các loại sữa này. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều hãng sữa lại sử dụng loại sữa bột được nhập khẩu từ nước ngoài về để pha loãng cùng với nước và được tiêu thụ hàng tỷ hộp ra thị trường mỗi năm qua tên gọi là “sữa tiệt trùng” hay “sữa hoàn nguyên”. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm mà trên thực tế ngay cả các cơ quan chức năng cũng khó có thể quản lý được nếu chỉ nhìn vào thành phần công bố trên bao bì sản phẩm.

Ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường Bộ công thương nói về vấn đề này:

Thật ra là đánh tráo khái niệm. Anh đừng nói cái từ mỹ miều “hoàn nguyên”. Hoàn nguyên nghĩa là gì? Dịch ra từ điển có nghĩa là pha lại, anh mua sữa bột về anh ngoáy ngoáy lên pha lại, còn đã là sữa tươi thì phải theo tiêu chuẩn quốc tế phải là từ con bò vắt ra. Anh thử bỏ từ hoàn nguyên đi mà ghi là “sữa pha lại” thì anh bán sẽ khác ngay.

Trên thực tế nếu không sử dụng những tên gọi dễ gây hiểu lầm đối với sữa bột pha sẵn là “sữa tiệt trùng”  hay “sữa hoàn nguyên” thì các doanh nghiệp sẽ khó có thể cạnh tranh sản phẩm này với các loại sữa bò tươi nguyên chất được sản xuất trong nước hay nhập khẩu từ nước ngoài. Bởi các loại sữa bò tươi nguyên chất đã được khoa học chứng minh về thành phần dinh dưỡng và công dụng đối với sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là ở trẻ nhỏ nên được người tiêu dùng tin tưởng. Còn sữa hoàn nguyên theo các chuyên gia dinh dưỡng là hỗn hợp được pha từ nước và sữa bột vốn được đông khô từ sữa vắt của con bò. Sữa đông cô đã mất nhiều dưỡng chất và cho chất lượng kém hơn nhiều so với sữa bò tươi vì đã được rút hết các thành phần bơ và mỡ trong sữa trước khi tiến hành đông cô.  Tuy nhiên, sản lượng sữa bò tươi trong nước hiện chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tiêu thụ sữa của người dân. Bên cạnh đó, chi phí để sản xuất sữa bò tươi cao hơn nên việc kinh doanh các sản phẩm sữa bột pha loãng chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận nhiều lần so với việc thu mua sản xuất sữa bò tươi nguyên chất. Điều này giải thích lý do Việt Nam nhập khẩu hơn 1 tỷ đô la Mỹ sữa bột mỗi năm.

Để chế biến ra sữa uống, so với công ty nhập sữa bột về để sản xuất ra sữa cho người tiêu dùng thì công ty mà mua sữa tươi thiệt thòi, hay bị lỗ. Cách đây 2 năm, 1 lít sữa tươi có thể mua được 2 lít hoặc hơn 2 lít sữa bột - PGS-TS Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hội Gia súc lớn

PGS-TS Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hội Gia súc lớn cho biết:

“Năm 2017, số lượng đàn bò sữa là hơn 300 ngàn con, cho sản lượng sữa 882 ngàn lít, đáp ứng được 40-41% sản lượng sữa tiêu dùng, còn lại 60% là mình vẫn phải nhập từ bên ngoài. Để chế biến ra sữa uống, so với công ty nhập sữa bột về để sản xuất ra sữa cho người tiêu dùng thì công ty mà mua sữa tươi thì thiệt thòi, hay bị lỗ. Cách đây 2 năm, 1 lít sữa tươi có thể mua được 2 lít hoặc hơn 2 lít sữa bột”

Ông Giao cũng cho biết, giá sữa bột thế giới giảm trong thời gian qua khiến các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều hơn và tăng sản lượng “sữa hoàn nguyên” cung cấp ra ngoài thị trường. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp lại liên tục ép giá thu mua nguyên liệu sữa bò tươi hoặc tìm cách từ chối tiếp tục thu mua với lý do sữa không đạt chất lượng khiến người nông dân nuôi bò sữa phẫn uất đổ sữa ngay ra đường hoặc làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Điều này dẫn đến nghịch lý trong khi sữa bò tươi nguyên chất dư thừa đến mức phải đổ đi thì người tiêu dùng lại không thể tiếp cận và phải sử dụng những loại sữa bột pha nước với chất lượng thấp hơn.

Trong hàng chục năm qua, hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam với ước mong cải thiện tầm vóc, trí tuệ cho con em của mình đã không ngại ngần chi ra số tiền không nhỏ mỗi năm nhưng đổi lại là những sản phẩm với giá trị không hoàn toàn tương xứng với số tiền bỏ ra. Cho đến khi một số diễn đàn và truyền thông trong nước công khai công bố thông tin này thì khái niệm “sữa hoàn nguyên” mới được biết đến nhiều hơn kể 2012. Tuy nhiên, cho đến tận tháng 08/2017, Bộ Y tế Việt Nam mới chính thức đưa ra Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia yêu cầu các doanh nghiệp phải ghi rõ loại sữa tươi hay pha bột trên vỏ hộp kể từ tháng 03/2018.

Nguồn: Mỹ Lan/RFA

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo