Tin tức

Lọc dầu Dung Quất vay 1,2 tỷ USD: Rủi ro, khó hiểu

Cập nhật lúc 06-12-2016 17:22:29 (GMT+1)
Hình ảnh nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn. Ảnh minh họa

 

1,2 tỷ USD là số tiền không nhỏ, lại vay bằng ngoại tệ thì nguy cơ rủi ro rất cao


Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất - vừa cho biết đang dự tính vay thêm 1,2 tỷ USD vốn nước ngoài để mở rộng nhà máy, trước khi công ty này tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào quý 3/2017. Nhận định về động thái trên, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính (VAFI) cho rằng phải thận trọng, vì việc này tiềm ẩn rủi ro cao.

PV: - Vì sao ông lại đưa ra lời cảnh báo như vậy? Theo ông, khả năng BSR phải vay nước ngoài trong lần mở rộng này thế nào và nếu vậy, món nợ của BSR có được tính vào nợ công hay không?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: - Tôi cho rằng, việc BSR phải làm ngay là tiến hành việc cổ phần hóa, thực hiện niêm yết công khai trên sàn chứng khoán trước khi thực hiện mọi hoạt động tiếp theo. Tôi vẫn cho rằng, một nhà máy, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt, hệ quản trị tốt thì việc vay vốn, mở rộng sản xuất dù trong nước hay nước ngoài cũng không hề khó khăn gì.

Nhưng có thể thấy, những doanh nghiệp dạng này họ rất thận trọng trong quyết định vay vốn, ngay cả khi quyết định vay họ cũng hạn chế tối đa vay vốn bằng ngoại tệ mà vay bằng tiền Việt hoặc huy động vốn từ các nguồn khác như phát hành trái phiếu... do lo ngại tính rủi ro cao.

Tôi rất băn khoăn với kế hoạch vay 1,2 tỷ USD để mở rộng nhà máy của BSR. Một số tiền không nhỏ lại vay bằng ngoại tệ, trong khi bản thân BSR cũng đang gặp nhiều khó khăn thì đó là một quyết định rất mạo hiểm.

Bởi trong bối cảnh hiệu quả hoạt động không khả thi nếu BSR tiếp tục vay vốn mà gặp biến động tỷ giá thì khả năng BSR sẽ phải bù lỗ rất lớn.

Một vấn đề nữa là, đầu tư mở rộng trong khi giá dầu đang sụt giảm, nhà nước không thiếu dầu, giá nhập khẩu còn rẻ hơn công khai thác thì đây là điều rất khó hiểu.

Vì vậy, tôi cho rằng BSR không cần phải vội mở rộng quy mô làm gì mà cần phải lo bảo toàn được nguồn vốn cho nhà nước. Vì xét cho cùng, khoản vay nào cũng sẽ được tính vào nợ công, nếu doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, không hiệu quả chính Ngân hàng nhà nước sẽ mất vốn. Như vậy thì không ai khác chính Nhà nước phải bù lỗ và người dân chịu thiệt.

Đó là lý do tôi nói rằng, BSR hãy tiến hành cổ phần hóa, nâng cao năng lực sản xuất trước đi đã rồi hãy tính tới việc vay vốn, mở rộng. Từ bài học của xơ sợi Đình Vũ và nhiều dự án không hiệu quả khác của PVN, BSR phải tính toán cho cẩn thận, không thể vội vàng.

PV: - Đáng lưu ý, quyết định mở rộng nhà mày trong bối cảnh PVN nhiều lần kêu cứu Bộ Tài chính giải quyết các chính sách thuế nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho đơn vị này do sản phẩm bị cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm gặp khó. Thêm vào nữa, hiện tại, Dung Quất đã phải nhập dầu để lọc, trong khi sản lượng dầu khai thác ở Việt Nam được dự báo sẽ giảm nhiều. Theo ông, đặt trong bối cảnh đó, việc xin mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất có khả thi hay không?  Vậy có thể lý giải thế nào về mục tiêu của việc đầu tư mở rộng này?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: - Tôi cũng rất nghi ngờ mục tiêu mở rộng của BSR. Nếu BSR là doanh nghiệp tư nhân thì việc đầu tư mở rộng là đương nhiên. Nhưng BSR là doanh nghiệp nhà nước, hiện vẫn đang nhậpdầu về lọc, trong khi bản thân BSR cũng nhiều lần than thở khó khăn, xin Bộ Tài chính điều chỉnh thuế vì lo không bán được hàng... Điều này đã chứng tỏ BSR hoạt động không hiệu quả.

Nếu đã không hiệu quả tại sao còn đi vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất? Trong trường hợp vay vốn rồi thì ai dám khẳng định số phận của dự án trong những năm tiếp theo sẽ thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc đó? Đó là những câu hỏi tôi muốn BSR hãy công khai trả lời.

Vì theo tôi biết, lọc dầu cũng không phải là một lĩnh vực quá hấp dẫn. Bản thân các dự án của PVN đầu tư mở rộng hiện cũng đang đứng trước nghi án thất thoát, lãng phí gây bức xúc trong dư luận. Hầu hết các đự án của Tập đoàn PVN đều trong tình trạng thua lỗ, các công trình xây dựng thì vừa đắt, công nghệ lạc hậu, chất lượng lại kém.

Riêng những bê bối liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh ở một dự án cũng đã gây thất thoát, lãng phí hơn 3000 tỷ đồng, rõ ràng đây không phải là vấn đề nhỏ.

Tôi cũng được nghe nhiều người nói, suất đầu tư tại mỗi dự án thuộc các công trình nhà nước thường có giá rất cao, có khi cao gấp 50-70%, thậm chí cao gấp đôi những dự án tương tự nếu tư nhân đứng ra làm.

Nếu đó là sự thật, có thể giải thích vì sao hàng loạt những dự án nghìn tỷ đã được triển khai thời gian qua mặc dù nhu cầu trong nước còn đang dư thừa.

Đơn cử như ở ngay các dự án của Tập đoàn hóa chất cũng đang diễn ra tình trạng tương tự. Chỉ trong 6 - 7 năm cũng đã triển khai nhiều dự án như nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhà máy đạm Phú Mỹ, đạm Ninh Bình... mặc dù biết rõ nhu cầu khi đó còn đang dư thừa nhưng họ vẫn quyết tâm làm.

Đáng quan ngại, tình trạng chạy theo dự án vẫn thường thấy với những trường hợp lãnh đạo sắp nghỉ hưu. Vì vậy, tôi cho rằng, Nhà nước cần phải giám sát chặt chẽ mục tiêu ở chính những dự án đầu tư mở rộng vì cơ hội tham nhũng, thất thoát tại những dự án này là rất lớn. Tôi còn được nghe nhiều ý kiến nói rằng, chỉ cần xong một dự án là có người đã tự nhiên giàu xụ lên rồi. Nếu vậy thì tội gì không xin, không làm.

PV: - Ngoài ra, chủ trương vay thêm 1.2 tỷ USD được đưa ra khi chưa đầy 1 năm nữa, lọc dầu Dung Quất sẽ cổ phần hóa. Điều này có hợp lý hay không?  Khoản vay 1.2 tỷ USD sẽ được tính toán thế nào khi định giá doanh nghiệp này trước cổ phần hóa và nó sẽ ảnh hưởng tới việc cổ phần hóa BSR như thế nào? 

Ông Nguyễn Hoàng Hải: - Như tôi đã nói, tôi rất băn khoăn về kế hoạch vay của BSR. Đưa ra kế hoạch vay 1,2 tỷ USD, lại vay bằng nguồn vốn nước ngoài. Trong khi, nguồn vốn tự có chỉ chiếm 30%, còn lại 70% vốn đi vay thì khả năng bảo toàn được vốn nhà nước là rất rủi ro.

BSR không thể giải thích đơn giản rằng muốn đầu tư mở rộng thì đi vay. BSR phải tính tới phương án bảo toàn và sử dụng thật hiệu quả đồng vốn đó thế nào?

Hơn nữa, khi BSR còn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, việc vội vàng vay vốn ngay trước thềm cổ phần hóa sẽ dẫn tới nguy cơ thất thoát vốn nhà nước, ảnh hưởng tới quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp này. Thậm chí còn khiến các nhà đầu tư e sợ, không muốn mua cổ phần hoặc có mua cũng mua rất ít.

Nếu BSR quyết tâm cổ phần hóa thì phải chứng tỏ được bản lĩnh doanh nghiệp, cắt giảm chi phí, khắc phục công tác quản lý, điều hành thay vì chạy đua mở rộng dự án.

Tuy nhiên, tôi lại nghi ngờ có người không thích cổ phần. Vì vậy, trong trường hợp này rất cần đến vai trò giám sát, điều hành, quản lý của Nhà nước để tránh làm thất thoát, lãng phí nguồn lực của ngân sách.

PV: -  Về nghĩa vụ trả nợ, thưa ông, việc giám sát nghĩa vụ trả nợ của BSR sẽ thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: - Về nguyên tắc doanh nghiệp vay thì doanh nghiệp phải trả. Nhưng, đó là lý thuyết, còn trên thực tế rất nhiều dự án sau khi được đầu tư mở rộng vội vàng dịp cuối nhiệm kỳ, sau khi lãnh đạo nghỉ hưu, người tiền nhiệm lên thay gần như đã không thể giải quyết được những tồn tại cũ.

Cuối cùng lại là xin nhà nước cứu hoặc phải đắp chiếu, không thể đi vào hoạt động gây thất thoát, lãng phí như: nhà máy đóng tàu Dung Quất, nhà máy gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ... Và như chúng ta đã thấy, người chịu thiệt không ai khác chính là ngân sách nhà nước.

Đối với dự án mở rộng sản xuất của BSR, tôi cho rằng PVN cần phải gác lại toàn bộ các dự án đầu tư mới. PVN phải thực hiện ngay cổ phần hóa, củng cố hệ quản trị, điều hành.

PV:- Xin cảm ơn ông!

Hoài An
Nguồn: baodatviet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo