Tin tức

Lạm phát tại Đức cao nhất trong hơn 7 thập kỷ, nguy cơ suy thoái cận kề

Cập nhật lúc 01-10-2022 14:37:44 (GMT+1)

 

Số liệu do Văn phòng thống kê Liên bang Đức công bố ngày 29/09 cho biết lạm phát trong tháng 09/2022 tại Đức đã lên tới 10%, con số cao nhất kể từ năm 1951, khiến nền kinh tế Đức lún sâu vào nguy cơ suy thoái.


Báo cáo của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết, trong tháng 09/2022, do giá cả năng lượng, thực phẩm tiếp tục tăng cao, lạm phát tại Đức đã đạt mức 10%. Đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất tại Đức kể từ năm 1951 và cũng là lần đầu tiên nước Đức ghi nhận tỷ lệ lạm phát ở mức 2 con số kể từ khi nước này chính thức sử dụng đồng euro vào năm 2002. Trong tháng 08/2022, tỷ lệ lạm phát tại Đức là 7,9%.

Giải thích cho việc lạm phát tăng cao, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết, giá năng lượng là nguyên nhân lớn nhất. Giá năng lượng tại Đức tháng 09/2022 cao hơn 43,9% so với cùng kỳ năm 2021. Giá thực phẩm cũng đã tăng 18,7%. Ngoài ra, việc chính phủ Đức chấm dứt chính sách trợ giá năng lượng và trợ giá đi lại cho người dân cũng đã có các tác động lớn đến tỷ lệ lạm phát tháng 09/2022.

Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu nên tỷ lệ lạm phát cao tại Đức chắc chắn sẽ có tác động mạnh đến kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu- Eurozone. Theo giới chuyên gia kinh tế, tỷ lệ lạm phát tháng 09/2022 trong khu vực Eurozone, dự kiến công bố trong ngày hôm nay (30/09), nhiều khả năng cũng sẽ xấp xỉ 10%.         

Với tỷ lệ lạm phát cao như hiện nay, Văn phòng thống kê Liên bang Đức dự báo kinh tế Đức sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 1,4% năm 2022, 0,4% năm 2023 và sau đó có thể tăng lại mức 1,9% năm 2024. Tuy nhiên, Văn phòng thống kê Liên bang Đức cũng không loại trừ kịch bản kinh tế Đức có thể rơi sâu vào suy thoái năm tới nếu khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng hơn tính toán. Trong kịch bản tệ hại nhất, kinh tế Đức năm 2023 có thể giảm đến 7,9%.

Nhằm trấn an các doanh nghiệp và người dân, trong ngày 29/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo chính phủ Đức đã chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó với các khó khăn kinh tế thời gian tới, trong đó chính sách lớn trước mắt là việc đi vay để lập một lá chắn kinh tế tài chính lên tới 200 tỷ euro.

“Lá chắn phòng thủ kinh tế này sẽ dùng để chi trả cho các quỹ bình ổn kinh tế mới được thành lập và có thể lên tới 200 tỷ euro. Chính phủ Đức sẽ tìm kiếm nguồn 200 tỷ euro này thông qua các kênh tín dụng để qua đó nước Đức có thể có vị thế vững vàng  để ứng phó với các thách thức của năm tới và cả các năm sau đó”, ông Olaf Scholz nói.

Về việc triển khai cụ thể gói tài chính 200 tỷ euro, trong buổi họp báo chiều 29/09, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck và Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết, phần lớn gói 200 tỷ euro sẽ dùng để ngăn chặn việc giá năng lượng không ngừng leo thang, thông qua việc áp giá trần khí đốt cũng như đóng băng hoá đơn năng lượng.

Ngoài ra, Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước đó cũng tuyên bố chính phủ Đức sẽ trực tiếp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp năng lượng nước này, chấm dứt việc các công ty năng lượng tìm cách bù lỗ thông qua việc tăng đơn giá đối với người tiêu dùng Đức./.

Nguồn: Quang Dũng/VOV-Paris

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo