Tin tức

Kinh tế Mỹ thiệt hại nặng do sự phá sản của các ngân hàng

Cập nhật lúc 06-04-2023 18:01:22 (GMT+1)
Ngày 10/3, cơ quan quản lý bang California đã đóng cửa “Ngân hàng Thung lũng Silicon” (Silicon Valley Bank - SVB).

 

Chuyên gia tài chính James Dimon - CEO của ngân hàng JPMorgan Chase đã dự báo về hậu quả lâu dài của kinh tế Mỹ từ sự phá sản của các ngân hàng.


Ba ngày sau, một ngân hàng lớn của New York là Signature Bank cũng bị đóng cửa. Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Sự sụp đổ của SVB được cho là có liên quan đến việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FRS), điều đó dẫn đến sự mất giá tài sản trên bảng cân đối kế toán của nhiều tổ chức tài chính.

Theo CNBC News, bất kể việc các nhà quản lý nhiều lần trấn an công chúng rằng hệ thống tài chính của Hoa Kỳ vẫn ổn định, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần tiếp theo, những người gửi tiền tại ngân hàng Hoa Kỳ đã rút khoảng 100 tỷ USD từ tài khoản của họ trong những ngày qua sau khi SVB sụp đổ.

Mặc dù báo cáo cho biết dòng vốn chảy ra chủ yếu đến từ các ngân hàng nhỏ, số tiền rút ra cũng chỉ chiếm 0,6% tổng số tiền gửi, hơn 17,5 nghìn tỷ dollars vẫn nằm trong tài khoản của các ngân hàng Mỹ, nhưng xu hướng rút tiền gửi vẫn sẽ tiếp tục diễn ra ồ ạt trong những lần tiếp theo.

Tổng thống Joe Biden đã biện minh rằng, nguyên nhân của những gì đã xảy ra là do tính toán sai lầm của chính quyền thời trước và lên tiếng trấn an người dân rằng, ban lãnh đạo của các ngân hàng phá sản sẽ bị sa thải, còn người Mỹ có thể yên tâm là hệ thống ngân hàng vẫn an toàn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, những người đóng thuế ở Mỹ sẽ không bị thiệt hại do vấn đề các tổ chức tín dụng phá sản. “Tiền gửi ngân hàng của bạn sẽ ở đó khi bạn cần rút ra” - ông Biden nói.

Trái với những tuyên bố tràn đầy lạc quan của các quan chức chính quyền Joe Biden, ông James Dimon - CEO của ngân hàng JPMorgan Chase viết trong bức thư gửi các nhà đầu tư rằng, cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Hoa Kỳ sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài.

Vị chuyên gia tài chính này hôm 05/4 đã gắn dự đoán của mình với sự sụp đổ của Silicon Valley Bank, một ngân hàng nằm trong số 20 ngân hàng thương mại lớn nhất của nước Mỹ.

Chuyên gia tài chính này nhấn mạnh rằng, tình hình hiện tại hoàn toàn không giống những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và hệ quả của nó sẽ nặng nề hơn và kéo dài hơn những gì người ta tưởng.

“Tính đến thời điểm tôi viết bức thư này, cuộc khủng hoảng hiện tại vẫn chưa kết thúc và ngay cả khi nó qua đi, chúng ta vẫn sẽ cảm nhận tác động tai hại của nó trong nhiều năm tới” - bức thư của chuyên gia Dimon có đoạn viết.

Trong một động thái có liên quan, hãng xếp hạng quốc tế Moody's đã hạ mức đánh giá tình trạng xấu đi của hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ từ “ổn định” xuống “tiêu cực”. Xếp hạng bi quan của hãng đánh giá chỉ số tài chính uy tín này thực sự đã gây ra thêm tình trạng khó khăn cho hệ thống tài chính Hoa Kỳ.

Hoàng Đức
Nguồn: giaoducthoidai.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo