Tin tức

Khu vực Eurozone sẽ tan rã vào cuối tháng này?

Cập nhật lúc 04-12-2011 08:54:57 (GMT+1)
Hình minh họa

 

 

Việc Croatia có thể trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Balkan gia nhập Liên minh châu Âu (EU) kể từ 1/1/2013 và là quốc gia thành viên thứ 28 của EU đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm vì diễn ra trong bối cảnh khu vực này đang có những biến động lớn xung quanh sự "trồi sụt" của đồng euro.


Bởi việc này sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/12 ở Brussels, Bỉ, nơi thương đàm những quyết định mang tính sống còn đối với khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone). Được biết, tối 1/12, tại Brussels, với 564 phiếu thuận, 38 phiếu chống và 32 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu đã thông qua quyết định cho phép Croatia gia nhập EU.

Anh không đồng thuận với Đức-Pháp

Sự phản đối của Anh không những là gáo nước lạnh dội vào những cố gắng của Pháp và Đức, 2 quốc gia hàng đầu khu vực Eurozone nói riêng và EU nói chung, mà còn khiến các thành viên EU, cũng như khu vực Eurozone đứng trước nhiều thách thức hơn. Có tin nói rằng, vì Đức và Pháp không đề cập đến việc kết nạp Anh vào liên minh riêng nên London cương quyết chống lại cố gắng của Berlin và Paris.

Ngày 1/12, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Sir Mervyn King cảnh báo về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực Eurozone đối với nền kinh tế Anh và hệ thống ngân hàng nước này. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cũng khuyến cáo, tình hình kinh tế Anh sẽ vô cùng tồi tệ nếu khu vực Eurozone tan vỡ, do đó, nước này đang gấp rút soạn thảo kế hoạch cứu trợ châu Âu nếu điều này xảy ra, đồng thời kêu gọi các ngân hàng chuẩn bị kế hoạch hoạt động trong trường hợp euro không còn là đồng tiền chung của khu vực Eurozone.

Bộ Ngoại giao Anh đã yêu cầu các Đại sứ quán Anh ở châu Âu chuẩn bị kế hoạch đối phó và sơ tán công dân nếu khu vực Eurozone tan rã. Được biết, trung tuần tháng 11, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã cảnh báo về nguy cơ của đồng euro đối với nền kinh tế châu Âu cũng như thế giới.

Giới truyền thông đưa tin, Đức và Pháp muốn lập liên minh riêng với Ba Lan, Thụy Điển (tách ra từ EU để tiến tới sự hội nhập gần gũi hơn) và đây là một phần trong nỗ lực nhằm thiết lập một liên minh chặt chẽ hơn với các quy định nghiêm ngặt về nợ công, thâm hụt ngân sách và hệ thống thuế.

Được biết, Đức và Pháp đang chuẩn bị cho hiệp ước dành riêng cho các nước sẵn sàng tuân theo những quy định chặt chẽ và đây là biện pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện tại ở khu vực Eurozone. Giới bình luận cho rằng, bài phát biểu về châu Âu tại Toulon chiều 1/12 của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là sự ủng hộ chính thức đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel - ủng hộ thay đổi hiệp ước EU bởi nó cần sửa chữa sớm.

Ông Nicolas Sarkozy nhấn mạnh, châu Âu phải cải cách qua bài học từ các cuộc khủng hoảng, đồng thời kêu gọi các thành viên bảo vệ lợi ích thương mại bằng cách áp đặt quy định nghiêm ngặt đối với các đối tác thương mại bên ngoài. Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng cho rằng, chính khủng hoảng nợ khu vực tư nhân kéo dài đã giáng mạnh vào ngân hàng và chính phủ, dẫn đến khủng hoảng nợ công hiện nay. Hơn nữa, việc bảo vệ nền kinh tế phát triển tránh khỏi những tác hại của quá trình toàn cầu hóa không có nguyên tắc thời kỳ cuối thập niên 1970 cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nợ nần của các nền kinh tế kể trên. Do đó, đơn độc không phải là giải pháp, cũng như không có lựa chọn giữa mở cửa và đóng cửa, bởi đóng cửa là khai tử nền kinh tế, việc làm và đời sống của người dân.

Ông Nicolas Sarkozy cho biết, Pháp và Đức sẽ thúc đẩy việc ra đời một hiệp ước EU mới, cũng như xem xét lại cơ cấu tổ chức của châu Âu. Dự kiến, Tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ gặp Thủ tướng Angela Merkel hôm 5-12 để thống nhất kế hoạch chung nhằm giải cứu châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ lan rộng và tan rã...

Trong bài phát biểu tại Quốc hội Đức hôm 1/12, Thủ tướng Angela Merkel cho biết, khủng hoảng nợ khu vực Eurozone không thể giải quyết trong thời gian ngắn, cần cách tiếp cận dài hạn dựa vào hội nhập tài chính chặt chẽ hơn. Bà Angela Merkel một lần nữa bác bỏ ý tưởng phát hành trái phiếu chung khu vực Eurozone, đồng thời chống lại các bước đi có thể làm hại tới độ tin cậy của Ngân hàng TW châu Âu (ECB).

Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết, ECB không có kế hoạch là người cho vay cuối cùng trên thị trường trái phiếu khu vực Eurozone, do đó các nước phải hành động để tiến tới một liên minh tài chính nhằm giải quyết khủng hoảng nợ. Chủ tịch ECB cũng nhấn mạnh, việc ECB mua trái phiếu không phải là giải pháp cho khủng hoảng nợ và chính phủ các nước phải khôi phục lại uy tín của họ đối với thị trường tài chính.

Ngày 30/11, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Christian Noyer cảnh báo, châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng tài chính thực sự, với sự đổ vỡ trên quy mô lớn tại các thị trường. Tuy nhiên, ông Christian Noyer cũng bày tỏ tin tưởng, khu vực Eurozone sẽ nổi lên mạnh mẽ và gắn kết hơn trong thời gian tới. Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Jacek Rostowski cũng cho rằng, nếu không có hành động hợp lý, nguy cơ EU tan vỡ là điều có thể xảy ra. Điều này đồng nghĩa với việc, châu Âu phải quyết định lựa chọn mang tính lịch sử - phải đoàn kết để duy trì khu vực Eurozone hay chia rẽ để đồng euro phá sản.

Đồng Euro (trái) và khu vực Eurozone (phải).

Những khuyến cáo quan trọng

Giới kinh tế đã đề cập tới kịch bản xấu đối với đồng euro.

Thứ nhất, châu Âu với 2 tốc độ. Việc Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland, những nhân tố đe doạ sự tồn tại của đồng euro có thể phải rời bỏ tư cách thành viên khu vực Eurozone. Đây là cách tăng cường kỷ luật, kỷ cương, sự ổn định và đảm bảo tính bền vững trong tương lai của đồng euro.

Thứ hai, Đức rời khu vực Eurozone. Đức sẽ rút khỏi khu vực Eurozone, chấp nhận thiệt hại từ 20% đến 25% GDP trong năm đầu và giảm xuống 50% những năm tiếp theo. Nhưng thiệt hại này vẫn nhỏ hơn so với khoản chi khổng lồ mà Đức đang dùng để giải cứu Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Không ít chuyên gia kinh tế ở Đức và Hy Lạp cho rằng, việc rút khỏi khu vực Eurozone là phương thức gây đau đớn, nhưng cần thiết để thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ hiện nay.

Giới truyền thông cho biết, để tránh xảy ra kịch bản xấu đối với khu vực Eurozone, cũng như hỗ trợ hệ thống tài chính toàn cầu, kể từ 5/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ECB, Ngân hàng TW Anh và các ngân hàng TW của Canada, Nhật Bản và Thụy Sỹ sẽ hỗ trợ các ngân hàng nhỏ được tiếp cận dễ dàng hơn với các đồng tiền quan trọng khi có nhu cầu. 

Theo thống kê, hoạt động sản xuất tại khu vực Eurozone trong tháng 11 đã thu hẹp với tốc độ rõ rệt nhất trong 28 tháng qua. Đây cũng là tháng đầu tiên kể từ giữa năm 2009, sản lượng của tất cả các nước đều giảm. Bộ trưởng Tài chính EU vừa bày tỏ lo ngại về việc các ngân hàng trung ương trong khu vực Eurozone đổ xô bán trái phiếu để đối phó với tình trạng tài chính khó khăn, bởi hành động này chỉ càng làm trầm trọng thêm tình trạng tín dụng. Thủ tướng Đức Angela Merkel mới thúc giục lãnh đạo châu Âu đưa ra quyết định nhanh chóng để ổn định khu vực Eurozone nhằm trấn an các thị trường tài chính.

Tuyên bố hôm 20/10/2009 ở ngoại ô Luxembourg của Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Giorgos Papaconstantinou được coi là hồi chuông cảnh báo và sự tồn vong của đồng euro đang phụ thuộc vào quyết định của các thành viên khu vực Eurozone. Được biết, 17 Bộ trưởng Tài chính khu vực Eurozone đã phải nhờ đến sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để liên minh tiền tệ này khỏi tan rã, sau khi thất bại trong việc tăng vốn cho Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) lên 1.000 tỷ euro. Ngày 1/12, IMF quyết định giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới do tốc độ phục hồi chậm của kinh tế thế giới, cuộc khủng hoảng nợ ngày càng tồi tệ ở châu Âu và tình trạng chao đảo của các thị trường tài chính. Dự kiến, báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" của IMF sẽ được công bố trong tháng 1/2012...

Dư luận cũng đặc biệt quan tâm tới tuyên bố của nữ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi bà tuyên bố: có thể người châu Âu đã hiểu lầm về cách Trung Quốc quản lý nguồn dự trữ ngoại hối. Theo đó, châu Âu không thể mong đợi Trung Quốc sẽ sử dụng một phần trong 3.200 tỷ USD dự trữ ngoại hối để giải cứu các quốc gia mắc nợ.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng bác bỏ tin đồn sẽ giúp giải cứu khu vực Eurozone - không thể sử dụng số tiền này để giảm nghèo đói, để hỗ trợ phát triển. Bởi ngoại hối của Trung Quốc giống như tiền tiết kiệm và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã dạy cho họ hiểu rằng, dự trữ quan trọng như thế nào đối với đất nước...

Citigroup cho biết, các nhà đầu tư đã rút 1,7 tỷ USD khỏi các quỹ chứng khoán thế giới trong tuần kết thúc tháng 11 và đây là tuần thứ 4 liên tiếp dòng tiền rời khỏi các quỹ chứng khoán này. Giá trị chứng khoán thế giới đã mất 2.000 tỷ USD trong tháng này khi chi phí vay tại khu vực Eurozone tăng cao kỷ lục khiến dư luận lo ngại khủng hoảng nợ sẽ phá hủy tăng trưởng toàn cầu. Chỉ số MSCI chứng khoán các thị trường mới nổi giảm 0,4% xuống còn 954,93 điểm và trong năm nay, chỉ số này đã giảm 17%, cao hơn nhiều mức giảm 7,5% của chỉ số MSCI chứng khoán các thị trường phát triển. Trung Quốc là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong các nước châu Á với lượng vốn mất tới 300 triệu USD.

Ngày 1/12, Liên hợp quốc công bố bản báo cáo "Triển vọng và tình hình kinh tế thế giới 2012"  với khuyến cáo, tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2012 có thể thấp hơn mức 3,6% dự báo trước đó và cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực Eurozone sẽ tiếp tục làm suy giảm tốc độ phục hồi kinh tế thế giới. Theo đó, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm xuống mức 2,6% và 3,2% lần lượt vào năm 2012 và 2013, sau khi tăng lên 4% trong năm 2010. Và 2012 sẽ là năm hoặc phục hồi ở mức chậm, hoặc trở lại tình trạng suy thoái. Những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ, tăng trưởng kinh tế bình quân cũng chỉ đạt lần lượt 5,4% và 5,8% trong giai đoạn 2012-2013, giảm mạnh so với chỉ số 7,1% của năm 2010, nhưng vẫn là những đầu tàu góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới trong những năm tới.

Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Barack Obama, ông Alan Krueger cho biết, nền kinh tế số một thế giới đang cần thêm liều thuốc mới để tăng cường và duy trì quá trình phục hồi. Theo ông Alan Krueger, quyết định cắt giảm 2% thuế thu nhập năm 2010 của Tổng thống Barack Obama đã giúp nền kinh tế Mỹ chống lại những cú sốc từ bên ngoài như giá nhiên liệu tăng cao, khủng hoảng nợ công ở châu Âu và thảm họa động đất-sóng thần ở Nhật Bản. Tuy nhiên, kế hoạch trên đang vấp phải sự phản đối từ các nghị sỹ đảng Cộng hòa. Phó Chủ tịch FED Janet Yellen cũng khuyến cáo, Mỹ đang đối mặt với bóng ma suy thoái bởi tăng trưởng kinh tế đang có nguy cơ suy thoái nghiêm trọng do tình trạng thất nghiệp kéo dài nhiều năm qua vẫn chưa chấm dứt.

Nguồn: CAND

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo