Tin tức

Im hơi lặng tiếng trước giờ trả nợ, Evergrande có được cứu?

Cập nhật lúc 07-12-2021 09:56:19 (GMT+1)

 

Dù Evergrande có thể sẽ 'đầu hàng' khi đến hạn trả lãi trái phiếu, nhà phân tích cho rằng 'bụi phóng xạ' nếu bom nợ 300 tỷ USD phát nổ vẫn sẽ được kiểm soát.


Bị mắc kẹt dưới khoản nợ 300 tỷ USD, tập đoàn Evergrande Trung Quốc (3333.HK) khổng lồ đến mức hậu quả từ bất kỳ thất bại nào cũng có thể ảnh hưởng không chỉ đến nền kinh tế nội địa mà còn lây lan sang các thị trường bên ngoài nước này.

“Bài thử nghiệm” tiếp theo đối với nhà phát triển Evergrande đến trong ngày thứ Hai (6/12) - thời điểm kết thúc ân hạn 30 ngày đối với hai khoản tiền lãi suất trái phiếu USD đến hạn vào ngày 6/11.

Hai khoản lãi này bao gồm 41,9 triệu USD tiền lãi một trái phiếu đáo hạn vào năm 2022 và 40,6 triệu USD tiền lãi một chứng khoán cũng đáo hạn trong năm tới, đều được phát hành bởi Scenery Journey Ltd (một đơn vị của Evergrande).

Đến cuối phiên làm việc chiều nay, các trái chủ của hai khoản nợ này cho biết vẫn chưa nhận được thanh toán, trong khi phía Evergrande từ chối bình luận về vấn đề trên.

Cổ phiếu của Evergrande đã sụt giảm 20% giá trị vào thứ Hai (6/12), đóng cửa ở mức thấp kỷ lục là 1,81 HKD. Theo hãng tin Reuter trích dẫn một hồ sơ từ hôm thứ Sáu (3/12), Evergrande cho biết không có gì đảm bảo rằng họ có thể thanh toán khoản nợ 82,5 triệu USD này.

Kỳ vọng tái cơ cấu

Hãng tin Bloomberg hôm Chủ Nhật ngày 5/12 nhận định việc Trung Quốc khởi động quá trình tái cơ cấu Tập đoàn Evergrande như các chuyên gia thị trường kỳ vọng từ lâu có thể sắp sửa diễn ra. Các nhà đầu tư trái phiếu đã dự đoán về sự tái cấu trúc Evergrande từ nhiều tháng trước, do các trái phiếu USD của tập đoàn đáo hạn vào năm 2025 sụt giảm giao dịch dưới 30 cent/USD kể từ cuối tháng 9 năm nay. Sự tái cơ cấu Evergrande sẽ là bài kiểm tra lớn mà chính phủ ông Tập Cận Bình phải đối mặt trong nhiều năm trở lại đây khi vừa phải kiềm chế những nguy cơ gây hệ lụy cho hệ thống tài chính vừa phải đảm bảo sẽ không làm chệch hướng tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hãng tin CNBC trích dẫn ý kiến của Mark Williams, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics, “Sự sụp đổ của Evergrande sẽ là thử thách lớn nhất mà hệ thống tài chính Trung Quốc phải đối mặt trong nhiều năm”.

Các ngân hàng đã phản ứng với dòng tiền xấu đi của tập đoàn. Một số ngân hàng ở Hồng Kông (Trung Quốc), bao gồm HSBC và Standard Chartered, từ chối gia hạn các khoản vay mới cho người mua hai dự án khu dân cư Evergrande chưa hoàn thành.

Các cơ quan xếp hạng đã nhiều lần hạ xếp hạng Evergrande với lý do vấn đề thanh khoản. Vấn đề của Evergrande gia tăng từ năm ngoái sau khi chính quyền Trung Quốc đưa ra "3 lằn ranh đỏ" nhằm kiềm chế chi phí đi vay của các nhà phát triển bất động sản. Những thước đo đó đặt giới hạn nợ liên quan đến dòng tiền, tài sản và mức vốn của một công ty.

 

Giá trị cổ phiếu Evergrande ở Hồng Kông (Trung Quốc) đã giảm gần 80% kể từ đầu năm, tính đến thứ Hai ngày 6/12 (đơn vị HKD). Ảnh: CNBC.

Một tín hiệu rất xấu

Theo Bloomberg, nhà phát triển bất động sản Evergrande cho biết trong một văn bản trao đổi vào cuối thứ Sáu ngày 3/12 rằng có kế hoạch “tích cực tham gia với các chủ nợ nước ngoài để xây dựng một kế hoạch tái cơ cấu“. Họ cũng thừa nhận rằng gánh nợ khổng lồ 300 tỷ USD bao gồm cả khoản nợ nước ngoài và trong nước là thiếu bền vững.

Chính quyền Quảng Đông, tỉnh phía Nam Trung Quốc nơi Evergrande đặt trụ sở chính, đã triệu tập Chủ tịch Hứa Gia Ân để bày tỏ quan ngại về thông báo của tập đoàn và cho biết sẽ cử một nhóm người đến tập đoàn để đảm bảo hoạt động “bình thường”. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho rằng các vấn đề Evergrande là do nhà phát triển bất động sản này “quản lý kém” và “mở rộng thiếu thận trọng”.

Các bước đi tiếp theo

Câu hỏi hiện đặt ra đối với các thị trường toàn cầu là liệu chính quyền Trung Quốc có thể điều phối được một cuộc tái cơ cấu nợ Evergrande mà không gây ra những xáo trộn trên thị trường bất động sản - lĩnh vực vốn chiếm gần 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tỏ ra quyết tâm hơn nhiều so với những nhà lãnh đạo tiền nhiệm trong việc kiềm chế các công ty phát triển quá nhanh chóng như Evergrande .

Theo Bloomberg, chính quyền Trung Quốc có thể chưa có một bức tranh đầy đủ về tình trạng nợ nần của Evergrande cũng như các công ty bất động sản khác. Bởi theo hồ sơ trao đổi hôm thứ Sáu (3/12), Evergrande cho biết có thể không thực hiện được cam kết bảo lãnh thanh toán trái phiếu trị giá 260 triệu USD do liên doanh Jumbo Fortune Enterprises phát hành - một nghĩa vụ nợ mà nhiều nhà đầu tư Evergrande thậm chí không biết là tồn tại cho đến vài tháng trước.

Theo các nhà phân tích tại China International Capital Corp (CICC), một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất Trung Quốc, mặc dù quá trình tái cấu trúc Evergrande là rất quan trọng và thu hút được nhiều sự theo dõi, nhưng sự lo ngại trên thị trường tín dụng nước này vẫn ở mức thấp.

Các công ty bất động sản có rủi ro tài chính cao và yếu kém về quản lý sẽ bị “loại bỏ dần”, trong khi giới chức trách Trung Quốc vẫn đảm bảo cho các nhà phát triển chất lượng cao tiếp cận được nguồn vốn.

Các nhà phân tích CICC viết rằng "bụi phóng xạ" do "quả bom nợ" từ nhà phát triển bất động sản Evergrande phát nổ có thể được "kiểm soát trong một phạm vi tương đối hạn chế".

Nhà phân tích Daniel Fan của Bloomberg Intelligence nhận định về bước tiếp theo của Evergrande: “Việc kéo dài thời gian đáo hạn có khả năng sẽ xảy ra”.

Ông cho biết thêm rằng một lựa chọn để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu là liên kết việc thanh toán một số khoản nợ với các tài sản Evergrande ở nước ngoài, chẳng hạn như đơn vị sản xuất xe điện của tập đoàn được niêm yết tại Hồng Kông (Trung Quốc).

Các chủ nợ nước ngoài của Evergrande có thể bị xếp ở gần cuối danh sách ưu tiên trong cuộc tái cơ cấu, sau gần 1,6 triệu khách hàng đã thanh toán tiền bất động sản, các nhà cung cấp địa phương, nhân viên tập đoàn, các nhà đầu tư cá nhân đã mua tài sản tài chính liên quan đến tập đoàn này.

 

Một logo bong tróc của Evergrande tại một khu phức hợp nhà ở tại Lạc Dương, Trung Quốc ngày 16/9/2021. Ảnh: CNBC.

Hôm thứ Hai (6/12), nhà phát triển bất động sản khác với quy mô nhỏ hơn là Sunshine 100 China Holdings Ltd (2608.HK) cho biết đã vỡ nợ trái phiếu trị giá 170 triệu USD đến hạn vào ngày 5/12 "do các vấn đề thanh khoản phát sinh từ tác động bất lợi của một số yếu tố như môi trường kinh tế vĩ mô và lĩnh vực bất động sản".

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang dõi theo khả năng vỡ nợ của Kaisa Group Holdings Ltd (1638.HK), một công ty bất động sản Trung Quốc khác, hiện phải đối mặt với khoản thanh toán trái phiếu trị giá 400 triệu USD vào thứ Ba (7/12) mà trước đó muốn thực hiện chuyển đổi để kéo dài thời gian đáo hạn đến 18 tháng sau.

Giá cổ phiếu của Sunshine 100 đã giảm 14% trong phiên giao dịch hôm nay (thứ Hai ngày 6/12), trong khi cố phiếu Kaisa mất 2,2%.

Hà Thanh (theo Reuters, Bloomberg, CNBC)
Nguồn: nguoiduatin.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo