Tin tức

Gói phục hồi kinh tế của EU bất ngờ vấp rào cản pháp lý tại Đức

Cập nhật lúc 27-03-2021 08:32:14 (GMT+1)
Người vô gia cư trên đường phố tại Berlin, Đức, ngày 22/1/2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

 

Sau khi được cơ quan lập pháp Đức thông qua, gói phục hồi này đã vấp phải rào cản pháp lý với đơn kiện của 5 cá nhân đệ lên Tòa án Hiến pháp.


Ngày 26/3, Tòa án Hiến pháp liên bang Đức đã bất ngờ ra phán quyết yêu cầu chính phủ nước này tạm thời không thông qua gói phục hồi kinh tế giai đoạn hậu dịch COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 750 tỷ euro (khoảng 885 tỷ USD).

Gói phục hồi hậu COVID-19 vừa được Quốc hội Đức phê chuẩn trước đó cùng ngày và dự kiến Tổng thống Frank-Walter Steinmeier sẽ ký ban hành, qua đó hoàn tất tiến trình phê duyệt chính thức tại nước này.

Đây là một phần trong gói ngân sách dài hạn đến năm 2027 với tổng trị giá 1.800 tỷ (2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế - xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra.

Gói ngân sách này đã được 27 nước thành viên EU nhất trí hồi tháng 12/2020.

Tuy nhiên, sau khi được cơ quan lập pháp Đức thông qua, gói phục hồi này đã vấp phải rào cản pháp lý với đơn kiện của 5 cá nhân đệ lên Tòa án Hiến pháp.

Phán quyết của tòa nêu rõ việc phê chuẩn "sẽ không được thực hiện trong khi chờ quyết định của Tòa án Hiến pháp liên bang.".

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 12 năm ngoái, lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về ngân sách dài hạn cùng gói phục hồi kinh tế nói trên.

Gói tài chính này bao gồm ngân sách dài hạn cho giai đoạn từ năm 2021-2027 trị giá 1.100 tỷ euro và một gói phục hồi trị giá 750 tỷ euro.

Ngoài việc hỗ trợ các nước khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, gói ngân sách trên sẽ giúp các quốc gia thành viên EU thực hiện chuyển đổi thông qua nhiều chính sách lớn, cụ thể là Thỏa thuận Xanh, cách mạng số và phát triển bền vững./.

Nguồn: Phan An/ Vietnam+

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo