Tin tức

Dầu khí: ‘Mảnh đất chính trị’ bao phủ sắc đỏ

Cập nhật lúc 22-03-2017 12:57:05 (GMT+1)
Ông Đinh La Thăng sẽ phải vất vả để đối phó với cuộc điều tra của “trung ương”…Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

 

Năm 2016 đã chứng kiến một “đặc thù riêng có” của ngành dầu khí Việt Nam: gần hết trong tổng số 39 đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam – PVN) bị giảm lợi nhuận hoặc lỗ. Nếu đến cả PetroVietnam – một trong những doanh nghiệp độc quyền chính sách – mà còn khó khăn đến thế thì tình hình đang trở nên bĩ cực đến thế nào.


Thực ra, tình hình trở nên khó khăn từ năm 2015, khi giá dầu thế giới bắt đầu sụt từ 100 USD/thùng xuống còn chưa đầy 50 USD/thùng hiện nay. Doanh thu và lợi nhuận của ngành dầu khí Việt Nam cũng vì thế đã giảm mạnh đến 30% hoặc hơn. Báo cáo tài chính năm 2016 của hầu hết các doanh nghiệp ngành dầu khí là một màu đỏ quạch. Lỗ và lỗ.

Không chỉ lỗ, mà còn là phá sản.

Mới đây, Công ty Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC Land), chủ đầu tư dự án cao cấp PetroVietnam Landmark ở Sài Gòn một thời được tuyên truyền là “cháy hàng”, đã bị tòa án buộc phải phá sản.

Cũng mới đây, tòa án Hà Nội xử một vụ án tham ô ở PV Land (thuộc “họ” dầu khí) với một chi tiết hết sức đặc biệt: khởi tố ông Trịnh Xuân Thanh về tội “tham ô tài sản”, vì ông Thanh có liên quan mật thiết đến công ty này.

Vào tháng Ba năm 2017, động tác hội đồng xét xử tạm ngưng xử vụ “Hà Văn Thắm và đồng bọn”, để trả hồ sơ và yêu cầu điều tra làm rõ hơn một số vụ việc. Trong đó có số tiền 800 tỷ đồng “biến mất”, mà trước đây PVN đã góp vào Ngân hàng Đại Dương, cho thấy chiến dịch “chống tham nhũng” của tổng bí thư Trọng không hề muốn “khoanh” vụ án chỉ nằm trong phạm vi ngân hàng này, như một số đồn đoán trước đây.

PVN lại là “cái nôi” sáng giá về quan lộ chính trị. Trước khi trở thành Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Đinh La Thăng là lãnh đạo cao cấp nhất của PVN trong suốt 6 năm.

Nhưng trùng với thời gian tháng 3/2017 xét xử vụ đại án Hà Văn Thắm – Ngân hàng Đại Dương có liên quan đến Nguyễn Xuân Sơn – cựu chủ tịch Hội đồng quản trị PVN- một nhân vật cao cấp là Chủ tịch PVN Nguyễn Quốc Khánh “bất ngờ” bị điều chuyển về làm “công chức thường” ở Bộ Công Thương, trong lúc thâm niên của nhân vật này tại PVN mới chỉ hơn 1 năm, sau khi có khoảng nửa năm tạm quyền chức danh chủ tịch khi người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Sơn bị thôi chức.

“Tuổi thọ” quá ngắn ngủi tại PVN của ông Nguyễn Quốc Khánh đã khiến phát sinh ngay dư luận về việc ông Khánh bị thôi chức hoặc cách chức chứ không phải “được điều chuyển”.

Ngay sau khi Hội đồng xét xử yêu cầu điều tra làm rõ số tiền 800 tỷ đồng của PVN không cánh mà bay tại Ngân hàng Đại Dương, đã  bùng lên loạt bài “Tài chính dầu khí và ‘vũng lầy’ PVN” trên báo Thanh Niên vào giữa tháng 3/2017. Loạt bài nói về những sai phạm ở Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí (PVFC) thuộc PVN đã gây ra thiệt hại của PVFC trên 500 tỷ đồng.

Khác hẳn với thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là lúc PVN được ưu ái tối đa, giờ đây tập đoàn này không còn là “con cưng” nữa. Thậm chí ngược lại, PVN đang trở thành “trọng tâm chống tham nhũng” của những người bên đảng.

Sắc đỏ bao phủ các doanh nghiệp thành viên của PVN cũng bởi thế không chỉ mang ý nghĩa về lỗ lã, mà còn hàm ý đe dọa một số phận chính trị không còn suôn sẻ.

Nhiều khả năng trong những ngày tới đây, cựu chủ tịch PVN là Đinh La Thăng – người hiện thời là Bí thư thành ủy TP.HCM – sẽ phải vất vả để đối phó với cuộc điều tra của “trung ương” về quá trình ông Thăng điều hành PVN.

Nguồn: Lê Dung / SBTN

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo