Thế giới

Vụ máy bay MH17 nổ tung trên bầu trời Ukraine: Sau 5 năm, sự thật đã sáng tỏ?

Cập nhật lúc 20-06-2019 16:55:40 (GMT+1)
4 nghi phạm bị cáo buộc đưa hệ thống tên lửa BUK vào miền đông Ukraine, dẫn đến vụ bắn rơi máy bay MH17. (Nguồn: AFP)

 

Sau 5 năm kể từ khi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia bị bắn rơi khi bay qua miền Đông Ukraine vào tháng 7/2014, các điều tra viên đã tìm ra được sự thật?


Nhóm Điều tra Chung (JIT) do Hà Lan dẫn đầu cùng với các cơ quan cảnh sát và cơ quan tư pháp hình sự từ Australia, Bỉ, Malaysia và Ukraine ngày 19/6 phát lệnh bắt và truy tố tội danh giết người với 3 công dân Nga và 1 công dân Ukraine.

Những người này bị cáo buộc đã đưa hệ thống tên lửa BUK vào miền Đông Ukraine, dẫn đến vụ bắn rơi máy bay của hãng Malaysia Airlines mang số hiệu MH17 hồi năm 2014, làm toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng. 

Ba nghi phạm người Nga có tên Igor Girkin, Sergey Dubinskiy, Oleg Pulatov được cho là có “móc nối” với tình báo Nga. Nghi phạm còn lại là một công dân Ukraine có tên Leonid Kharchenko.

Moscow phủ nhận mọi sự liên qua tới thảm họa này. Thế nhưng, các chuyên gia phương Tây khẳng định ngay từ đầu rằng, phe ly khai chống lại Chính phủ Ukraine được bên ngoài hậu thuẫn là thủ phạm đứng sau vụ việc.

Chuyến bay định mệnh

Vào ngày 17/7/2014, máy bay Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines có số hiệu MH17 xuất phát từ Amsterdam, Hà Lan tới Kuala Lumpur đang bay qua không phận thuộc miền Đông Ukraine, nơi đang diễn ra giao tranh ác liệt giữa quân Chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai, bất ngờ bị nổ ở trên không. Toàn bộ 298 người trên máy bay đã thiệt mạng. Trong đó bao gồm 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn, hơn một nửa là công dân Hà Lan. 15 thành viên phi hành đoàn đều là người Malaysia.

Hiện trường vụ rơi máy bay MH17. (Nguồn: New York Times)

Những tài liệu ban đầu cho thấy, chiếc phi cơ đã lao xuống và cách không phận của Nga khoảng 50 km. Một nguồn tin giấu tên cho hay, chiếc Boeing đã được tìm thấy trên mặt đất thuộc khu vực phía Đông Ukraine và đã bị cháy đen. Một nguồn tin giấu tên khác thuộc cơ quan an ninh Ukraine cho biết, chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình radar ở độ cao khoảng 10.000 m, sau khi nó rơi xuống gần thị trấn Shakhtyorsk.

Tai nạn máy bay lần này xảy ra chỉ 4 tháng sau một thảm họa hàng không khác cũng liên quan tới Malaysia, khi chuyến bay số hiệu MH370 chở 239 người mất tích một cách bí ẩn khi đang trên đường bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Đến nay, tung tích của MH370 vẫn chưa được tìm thấy.

Các mãnh vỡ của MH17 cho thấy, máy bay đã bị bắn rơi bởi tên lửa đất đối không. 5 quốc gia bị ảnh hưởng bởi thảm họa này, bao gồm Australia, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine đã cùng nhau triển khai một cuộc điều tra chung.

Nhóm điều tra cho rằng họ có bằng chứng cho thấy Nga có liên quan tới vụ bắn rơi máy bay. Moscow đã phủ nhận mọi cáo buộc, nhưng vào thời điểm đó, Nga được cho là đang cung cấp đạn dược cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine và nhiều người Nga đang chiến đấu cùng với phe ly khai.

Các nhà điều tra cho rằng, hệ thống tên lửa BUK của Nga đã bắn hạ chiếc máy bay xấu số này. Họ cũng đưa ra bằng chứng những bức ảnh và video cho thấy hệ thống tên lửa BUK được đưa qua biên giới Nga vào lãnh thổ Ukraine, rồi sau đó được đưa trở lại về Nga.

Ngoài ra, có nhiều phán đoán cho rằng, phe ly khai đã nhầm máy bay của Malaysia với máy bay quân sự của Ukraine, bởi trước đó, quân ly khai đã từng bắn hạ vài chiếc máy bay Su-25 của quân đội Ukraine.

Những nghi phạm là ai?

Theo các công tố viên, 3 trong số 4 nghi phạm bị truy tố trong vụ việc này mang quốc tịch Nga và được cho là đang sống ở Nga.

JIT công bố danh tính 4 nghi phạm liên quan tới vụ rơi máy bay MH17. (Nguồn: EPA)

Igor Girkin, mật danh "Strelkov” là nghi phạm đáng chú ý nhất. Girkin sinh ngày 17/12/1970 ở Moscow, mang quốc tịch Nga và từng là một đại tá trong Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB). JIT cho rằng, Girkin từng kinh qua nhiều chiến trường từ Chechnya đến Nam Tư và từ năm 2014 tự xưng là Bộ trưởng Quốc phòng của "Cộng hòa Nhân dân Donesk" do phe ly khai miền đông Ukraine lập ra.

Sergey Dubinsky và Oleg Pulatov được cho là làm việc dưới quyền Igor Girkin vào năm 2014 và từng là điệp viên của G.R.U., cơ quan tình báo quân đội Nga có liên quan tới vụ can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh.

Nghi phạm thứ 4, Leonid Kharchenko là công dân Ukraine cũng có mối liên hệ với những lãnh đạo của lực lượng ly khai. Kharchenko từng lãnh đạo một đơn vị trong quân đội ly khai. Bên cạnh đó, Kharchenko còn có thể tham gia phối hợp vận chuyển bệ phóng tên lửa từ Donetsk, thành phố chính do quân ly khai kiểm soát ở Đông Ukraine. Hiện các nhà điều tra không tìm được tung tích của Kharchenko, mặc dù họ tin rằng, nghi phạm này có lẽ đang ở trong lãnh thổ ly khai.

Vai trò của Nga tại Ukraine

Chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin có quan hệ mật thiết với Ukraine khi quốc gia này có một chính phủ thân Nga ở Kiev. Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi theo chiều hướng xấu đi khi các cuộc biểu tình rầm rộ khiến Tổng thống Ukraine, Viktor F. Yanukovych, phải sang Nga sinh sống vào tháng 2/2014. Phe mới nổi muốn đất nước tránh xa khỏi tầm ảnh hưởng của Moscow và chuyển hướng sang phương Tây, thậm chí có thể gia nhập Liên minh châu Âu và NATO.

Các cuộc biểu tình tại Kiev, Ukraine vào năm 2014 khiến tổng thống Ukraine, Viktor F. Yanukovych, phải chạy trốn sang Nga. (Nguồn: New York Times)

Vài ngày sau khi ông Yanukovych bị lật đổ, quân đội Nga đã đổ về bán đảo Crimea, thuộc phía Đông Ukraine. Điện Kremlin ban đầu phủ nhận Nga đưa quân vào Ukraine, nhưng sau đó lại thừa nhận và chính thức sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga.

Tổng thống Putin từng tuyên bố không hề hối tiếc về việc sáp nhập Crimea với Nga, cho rằng, đó là hành động sửa lại lịch sử. Các cuộc giao tranh tại miền Đông Ukraine bắt đầu nổ ra vài tuần sau đó và kéo dài tới tận ngày nay, đe dọa trực tiếp tới sự thịnh vượng và ổn định chính trị của Ukraine.

Phiên tòa thiếu bị cáo

Công tố viên Hà Lan Fred Westerbeke cho biết, 4 nghi phạm "sẽ phải chịu trách nhiệm vì đã đưa vũ khí gây ra thảm kịch, hệ thống tên lửa BUK Telar, vào miền đông Ukraine".

Theo JIT, phiên xét xử 4 nghi phạm sẽ bắt đầu vào ngày 9/3/2020 tại Hà Lan. Tuy nhiên, các nghi phạm nhiều khả năng bị xử vắng mặt vì Nga không cho phép bàn giao công dân cho nước ngoài để bị truy tố và các nhà điều tra chưa rõ tung tích của Kharchenko.

Từ giờ đến khi phiên xét xử diễn ra, JIT thông báo sẽ tiếp tục đưa ra thêm bằng chứng rõ ràng hơn.

Nguồn: Quang Đào/ baoquocte.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo