Thế giới

Vì sao ông Duterte quyết thoát Mỹ để thân Trung?

Cập nhật lúc 20-09-2019 13:46:55 (GMT+1)
Ông Duterte chủ trương 'xoay trục' về phía Trung Quốc vì lợi ích kinh tế lớn với nước này

 

Lập trường bài Mỹ của Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, cùng với sự mất niềm tin vào vai trò của Mỹ trong khu vực đã khiến cho Manila chọn con đường thoát ly khỏi liên minh với Washington để xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh, hãng tin Bloomberg nhận định.


Trong bài phân tích có tiêu đề ‘Chiến trường Philippines trong thế ganh đua giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ’, hãng tin này nói: “Ông Duterte có vẻ như không cân bằng, nhưng thật ra ông ấy đang cân bằng lại trật tự địa chính trị ở Biển Đông.”

Hãng tin này cho rằng trường hợp của Philippines dưới sự lãnh đạo của ông Duterte cho chúng ta thấy điều gì xảy ra với các nước nhỏ trên tuyến đầu của trật tự quốc tế (do Mỹ lãnh đạo) đang suy tàn.

Liên minh xói mòn trầm trọng

Ba năm qua đã chứng kiến sự xói mòn trầm trọng trong quan hệ giữa Manila với Washington đồng thời là sự kháng cự ngày càng yếu ớt của Philippines trước sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, Bloomberg nhắc lại.

“Chúng ta có xu hướng đổ lỗi điều này cho sự lập dị và thái quá của Tổng thống Rodrigo Duterte, người đã khua chiêng gióng trống làm bĩ mặt Washington trong khi cố gắng lấy lòng Bắc Kinh. Tuy nhiên việc Manila xác định lại mối quan hệ đồng minh này thực sự thể hiện niềm tin sâu sắc rằng ảnh hưởng của Mỹ đang suy giảm trong khi Trung Quốc đang bắt đầu nổi lên - và đó có thể cho chúng ta thấy trước tương lai u ám trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” bài báo viết.

Mỹ và Philippines có hiệp ước phòng thủ tương trợ kể từ năm 1951, và quan hệ giữa hai nước trước đây đã từng trải qua những thăng trầm. Sau Chiến tranh Lạnh, mối quan hệ đồng minh có hiệp ước này rơi vào tình trạng xuống cấp, với tình cảm dân tộc mạnh mẽ ở Philippines khiến Mỹ phải rút quân đội đồn trú. Tuy nhiên, trong gần 20 năm sau đó, các quan chức Mỹ và Philippines đã cùng nhau làm cho mối quan hệ đối tác sống lại.

Theo hãng tin này, mãi cho đến năm 2016, Philippines là trọng tâm trong chiến lược của Mỹ ở đông nam Á. Hai nước lúc đó đang thực thi Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA), vốn cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận năm căn cứ quan trọng ở Philippines. Manila có vai trò dẫn đầu trong Sáng kiến An ninh Hàng hải đông nam Á do Mỹ tài trợ. Sáng kiến này ra đời nhằm để các nước trong khu vực thấy rõ hơn và chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc. Các quan chức Mỹ và Philippines đã gây áp lực ngoại giao và pháp lý chống lại Bắc Kinh, kiện Trung Quốc trước Tòa Trọng tài Thường trực về hành vi đánh bắt bất hợp pháp và xây đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông.

“Tuy nhiên, kể từ đó mọi chuyện đã thay đổi nhiều. Ông Duterte lên nhậm chức tổng thống hồi năm 2016 với tuyên bố ‘phân ly với Mỹ’ để quay sang gần gũi với Trung Quốc và Nga. Ông gọi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama là ‘đồ khốn nạn’ (son of a whore), sau khi Obama chỉ trích những vi phạm nhân quyền rộng lớn mà ông Duterte khuyến khích trong cuộc chiến chống ma túy đẫm máu,” hãng tin này nhắc lại.

Nhân tố Duterte

Sau khi ông Duterte lên cầm quyền, thỏa thuận quốc phòng với Mỹ bị thực thi chậm lại và các cuộc tập trận quân sự song phương tạm thời bị hạ cấp. Ngay cả sau khi tòa án quốc tế ra phán quyết trao chiến thắng cho Manila trước Trung Quốc hồi tháng 7 năm 2016, ông Duterte vẫn chọn cách làm chiều lòng Bắc Kinh hơn là kháng cự áp lực của họ trên Biển Đông. Ông cũng đã ký các thỏa thuận kinh tế với Bắc Kinh với số tiền lên tới hàng chục tỷ đô la, bao gồm thỏa thuận cho phép một công ty Trung Quốc xây dựng các cơ sở viễn thông then chốt trên các căn cứ quân sự của Philippines, cũng theo hãng tin này.

Nhưng sau đó mọi thứ đã bình ổn lại một chút. Ông Duterte đã lùi bước trong lời đe dọa trước đó của ông là sẽ đuổi các lực lượng Mỹ ra khỏi Philippines, có lẽ vì ông dã nhận ra rằng liên minh quân sự với Mỹ thực sự giúp ông giành được nhượng bộ tốt hơn từ phía Bắc Kinh.

Hợp tác hàng ngày giữa quân đội Mỹ và Philippines vẫn tương đối mạnh mẽ. Đầu năm nay, cuộc tập trận Balikatan hàng năm giữa hai nước đã mô phỏng hành động đẩy lùi cuộc tấn công đổ bộ của một quốc gia không xác định, mặc dù quốc gia xâm lược mà cuộc tập trận này nhắm đến không có gì khó đoán. Các lực lượng Mỹ cũng giúp đẩy lùi cuộc bao vây của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thành phố miền nam Marawi hồi năm 2017. Nhưng Manila rõ ràng đang làm điều mà các nhà nghiên cứu chính trị gọi là phòng ngừa rủi ro: nước này đang tiến gần hơn đến Bắc Kinh trong khi ngày càng cách xa Washington.

Thật vậy, sau khi Washington đưa ra cam kết quan trọng với Philippines vào đầu năm 2019 - chính thức mở rộng phạm vi của Hiệp ước đồng minh tương trợ đến các lực lượng vũ trang của Manila hoạt động ở Biển Đông - Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã công khai phàn nàn rằng Mỹ ‘đang cố gắng lôi Philippines vào cuộc chiến với Trung Quốc’.

“Ở một mức độ nào đó, nguyên nhân của sự rối loạn trong mối quan hệ đồng minh là hành vi kỳ quái của ông Duterte. Nếu người khác làm tổng thống thì có lẽ Manila sẽ không thực hiện một chiến dịch đầy bạo lực để quét sạch những kẻ buôn bán và sử dụng ma túy như vậy – vốn khiến cho mối quan hệ đồng minh với Mỹ căng thẳng vì các vấn đề nhân quyền. Nếu người khác làm Tổng thống thì có thể đã không công khai xúc phạm thân mẫu của ông Obama hoặc kheo khoang việc lấy lòng Bắc Kinh,” Bloomberg nhận định.

“Đã có những cáo buộc rằng ông Duterte và cánh hẩu của ông kết thân với Trung Quốc để có cơ hội tham nhũng. Ở một mức độ nào đó, giai đoạn sóng gió này trong quan hệ Mỹ-Philippines có thể chỉ đơn giản phản ánh sự không may và thất thường của nền chính trị dân chủ.”

Niềm tin vào Mỹ lung lay

Tuy nhiên, theo Bloomberg, đây ‘không phải là toàn bộ vấn đề’; sự lung lay của quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines ‘không chỉ là vấn đề cá tính của một cá nhân’ mà ‘nó còn phản ánh cán cân quyền lực trong khu vực đang dịch chuyển mạnh như thế nào - và ông Duterte biết điều đó’.

“Duterte và những người khác đang mất lòng tin vào khả năng Mỹ có thể giúp Philippines bảo vệ lợi ích của mình,” bài báo viết.

Cuộc khủng hoảng niềm tin này đã được hình thành trong nhiều năm, ngay cả khi hợp tác song phương vẫn đang tiến triển. Năm 2012, Mỹ thất bại trong việc ngăn Trung Quốc từ giành quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough, vẫn nằm trong phạm vi 200 hải lý từ đảo chính của Philippines là Luzon. Từ năm 2013 cho đến 2015, Mỹ đã làm rất ít để ngăn chặn Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Sau đó, sau khi Washington khuyến khích Manila kiện Trung Quốc ra tòa ở The Hague, họ không khiến Trung Quốc gánh chịu hậu quả thực sự cho việc phớt lờ phán quyết của tòa án.

Tổng thống Donald Trump sau đó đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, làm dấy lên nghi ngờ về việc Mỹ sẵn sàng cạnh tranh kinh tế với Bắc Kinh. Và mặc dù chính quyền Trump đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, nhưng họ không đưa ra giải pháp nào cho việc Bắc Kinh đang dần thống trị tuyến hải lộ đó.

Trong khi đó, theo Bloomberg,m lợi thế quân sự của Mỹ đã bị xói mòn. Các quan chức ở Philippines có thể đọc các báo cáo đã được công khai cho thấy Mỹ khó lòng bảo vệ được Đài Loan ngay vào lúc này. Họ có thể hình dung điều này có ý nghĩa gì đối với Philippines trong tương lai.

‘Mỹ đã thua’ trong cuộc chiến giành ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương, ông Duterte đã nói như thế hồi năm 2016. “Nếu như Mỹ không thể kiềm chế được tham vọng thống trị của Trung Quốc trong khu vực thìPhilippines có lập trường cứng rắn chống lại Bắc Kinh làm gì?” hãng tin này lập luận.

“Điều này không có nghĩa là tất cả đã mất hết. Mối quan hệ quân sự giữa hai nước vẫn còn nền tảng vững chắc. Tinh thần chống Mỹ của ông Duterte không được nhiều người dân Philippines đồng tình và người kế nhiệm ông gần như chắc chắn sẽ thân thiện hơn với Washington. Hầu hết người Philippines chắc chắn sẽ không thích sống ở khu vực do Trung Quốc kiểm soát,” bài báo viết.

“Nếu Mỹ cho thấy họ nghiêm túc cạnh tranh với Bắc Kinh - bằng cách có những khoản đầu tư quân sự đang hết sức cần thiết, trừng phạt nghiêm khắc hơn các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông, thúc đẩy các lựa chọn thay thế tốt hơn để các nước trong khu vực không phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế thì Manila có thể quay trở lại phía Mỹ.”

Tuy nhiên, cũng theo hãng tin này thì mọi việc đã khá muộn. Nếu Mỹ không nhanh chóng nâng cao vị thế của mình ở châu Á-Thái Bình Dương, họ sẽ thấy các nước trong khu vực sẽ ‘phòng ngừa’ nhiều hơn chứ không chỉ có mỗi Philippines.

“Duterte giống như Trump: hành vi quá đáng của ông có thể khiến chúng ta mất tập trung khỏi những gì ông thực sự đại diện. Nếu Mỹ không thuyết phục được các quốc gia trong khu vực rằng họ có thể chống lại Trung Quốc thì có lẽ tương lai sẽ có những Duterte như thế,” bài báo viết.

(Bloomberg)
Nguồn: VOA

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo