Thế giới

Ukraine gia nhập EU sẽ là một phép thử lớn đối với liên minh

Cập nhật lúc 18-06-2022 15:13:15 (GMT+1)
Ảnh: AP.

 

Việc xem xét tư cách ứng cử viên EU của Ukraine một cách nhanh chóng có thể là phép thử đối với khối này khi vừa thể hiện sự ủng hộ với Kiev, vừa trấn an những ứng cử viên tham vọng khác.


Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra ý kiến về tư cách thành viên của Ukraine vào ngày 17/6. Trước đó, EC cho rằng Ukraine xứng đáng nhận được tư cách ứng cử viên của khối gồm 27 thành viên.

Sự chấp thuận của EC, dù chỉ là một quá trình nhỏ trên con đường có thể mất nhiều thập kỷ để hoàn thành, sẽ thể hiện tinh thần đoàn kết mạnh mẽ với Ukraine và cũng là phép thử đối với sự thống nhất của EU trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.

EU tìm kiếm sự cân bằng

Chưa đầy một tuần sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng các lãnh đạo Ukraine đã ký đơn xin gia nhập EU.

Tình huống cấp bách do chiến tranh tạo ra và yêu cầu của Ukraine về việc xem xét nhanh chóng tư cách ứng cử viên có thể làm thay đổi cách tiếp cận chậm chạp của EU trong việc mở rộng khối. 

Ngày 16/6, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Italy và Romania đã đến thăm Ukraine và cam kết sẽ ủng hộ nỗ lực của Kiev để trở thành ứng cử viên chính thức. Thủ tướng Italy Mario Draghi cho rằng việc Ukraine trở thành ứng cử viên EU là “một bước đi rất quan trọng” và lưu ý rằng Ukraine sẽ đi trước các nước Balkan nếu được trao tư cách ứng cử viên. Tuy nhiên, ông Draghi nói thêm rằng tình hình đối với Ukraine hiện giờ “rất khó khăn”.

“Cả 4 chúng tôi đều ủng hộ lập tức trao tư cách ứng viên thành viên EU cho Ukraine”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Kiev với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Italy Mario Draghi, Tổng thống Romania Klaus Iohannis và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Việc trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên sẽ thách thức cách tiếp cận thông thường của EU về việc kết nạp thêm thành viên. Các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên EU dự kiến sẽ xem xét khuyến nghị của EC về tư cách ứng viên của Ukraine vào tuần tới.

Các nhà lãnh đạo EU phải đối mặt với một hành động cân bằng với việc báo hiệu cho Ukraine rằng cánh cửa EU đã mở trong khi trấn an các nước ứng cử viên tham vọng khác và một số thành viên của khối rằng họ thể hiện sự thiên vị đối với Kiev.

Thay đổi cách tiếp cận của EU

EU ra đời vào những năm 1950 nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh khác giữa Đức và Pháp. 6 thành viên sáng lập của EU là Bỉ, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan và Luxembourg.

Kể từ đó, EU không ngừng mở rộng liên minh đồng thời tán thành ý tưởng rằng hội nhập kinh tế và chính trị giữa các quốc gia là cách tốt nhất để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng chung. Cách tiếp cận này đã mở đường cho sự ra đời của đồng tiền chung euro vào năm 1999 và việc kết nạp thêm 10 quốc gia thành viên mới vào năm 2004.

Đồng euro, được 11 quốc gia ban đầu chấp nhận làm đơn vị tiền tệ chính thức, nêu bật khả năng của EU trong việc tăng cường hội nhập kinh tế và chính trị giữa các quốc gia EU.

Khi cuộc xung đột quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra ở biên giới phía Đông của EU, liên minh đã “đau đầu” trước những câu hỏi về khả năng mở rộng khối hơn nữa.

Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vào năm 2010, làn sóng di cư vào năm 2015 và việc người Anh bỏ phiếu thuận cho việc rời EU vào năm 2016, là những lý do góp phần khiến EU muốn nhanh chóng mở rộng liên minh. 

Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Italy và Romania với Tổng thống Volodymyr Zelensky và việc bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine diễn ra đồng thời với các cuộc đàm phán của EC về việc Ukraine có xứng đáng với tư cách ứng cử viên hay không.

Một nhóm các nước EU, trong đó có Ba Lan, muốn có sự ủng hộ tối đa cho Ukraine, trong khi những nước khác, chẳng hạn như Hà Lan, lại đưa ra lập trường ủng hộ thận trọng hơn.

EC cũng có kế hoạch xem xét tư cách ứng cử viên của Gruzia và Moldova, hai nước đều đã nộp đơn xin gia nhập EU vào tháng 3.

Việc Ukraine yêu cầu gia nhập EU nhanh chóng có thể sẽ thay đổi quy trình hoạt động tiêu chuẩn của liên minh.

Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 1987 và nhận được tư cách ứng cử viên vào năm 1999. Tuy nhiên, nước này phải đợi đến năm 2005 để bắt đầu các cuộc đàm phán xem xét việc gia nhập EU. Chỉ 1 trong số hơn 30 vấn đề đàm phán đã được hoàn thành trong nhiều năm kể từ đó. Toàn bộ quá trình đàm phán sau đó bị đình trệ do các tranh chấp giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những ứng cử viên tham vọng khác

6 quốc gia ở Tây Balkan đã phải chờ đợi rất lâu trên hành trình trở thành thành viên EU. Bắc Macedonia thậm chí đã đổi tên nước nhằm tăng cường cơ hội gia nhập EU.

Nhưng ngay cả sau khi đổi tên để giải quyết tranh chấp kéo dài với thành viên EU là Hy Lạp, quốc gia này vẫn đang chờ các cuộc đàm phán để nhận được sự đồng ý từ Bulgaria.

Khu vực Tây Balkan bao gồm 6 quốc gia ở Nam Âu và Đông Âu là Albania, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Kosovo, Bắc Macedonia và Serbia.

Việc bắt đầu các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU của một quốc gia cần có sự đồng thuận của tất cả 27 nước thành viên.

Một quốc gia khác ở Tây Balkan là Serbia, nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 2009, đã trở thành ứng cử viên vào năm 2012 và bắt đầu đàm phán gia nhập vào năm 2014. Cho đến nay, nước này mới chỉ hoàn thành 2 trong số 35 vấn đề đàm phán.

Mai Trang (Tổng hợp)
Nguồn: vov.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo