Thế giới

Tưởng thoát "ác mộng" Brexit, Eu và Anh lại ngay lập tức rơi thế đối đầu

Cập nhật lúc 04-02-2020 09:24:45 (GMT+1)
Thủ tướng Boris Johnson phát biểu tại Trường Lục quân Hoàng gia ở London (ảnh: getty)

 

Chỉ 3 ngày sau khi chính thức nói lời chia tay, hôm thứ Hai (3/2), Anh và Liên minh châu Âu (EU) lại vào rơi vào thế "đối đầu" trên bàn đàm phán cho một thỏa thuận thương mại trong tương lai.


Trong khi nhiều người Anh thở phào và cho rằng cơn ác mộng mang tên Brexit đã chính thức chấm dứt vào tối ngày 31/1, thì thái độ của phái đoàn đàm phán hai bên ngày 3/2 lại thể hiện điều ngược lại.

Phát biểu tại Brussles, trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier kiên quyết nhấn mạnh, Anh phải cam kết ngăn cản cạnh tranh không lành mạnh nếu muốn tiếp cận với thị trường 450 triệu người châu Âu mà không có thuế quan và hạn ngạch.

Đáp trả từ London, Thủ tướng Boris Johnson đe dọa sẽ rời khỏi đàm phán nếu EU cố gắng trói chặt nước Anh với các quy định của mình và coi đó là một cái giá phải trả cho hiệp định thương mại. Ông Johnson cũng kêu gọi chấm dứt những sợ hãi "mang tính kích động" về việc thực phẩm Mỹ tiến vào Anh. Đây cũng được coi như một lời cảnh báo với châu Âu rằng, London cũng đang muốn có được thỏa thuận thương mại hậu Brexit với cả Mỹ.

Giới phân tích từng dự đoán về lập trường mào đầu cứng rắn từ cả hai phía. Sau nhiều thập kỷ thành viên, giờ đây Anh đang trở thành một đối thủ của EU. Những động thái hôm thứ hai là dấu hiệu cho thấy, quá trình đàm phán sẽ khó khăn và không khoan nhượng.

"Đây là giai đoạn sớm và là giai đoạn 'thể hiện thái độ' của đàm phán", học giả cấp cao Sam Lowe của Trung tâm Cải cách châu Âu tại London nhận định. "Trong một vài tháng tới, chúng ta sẽ thấy cả hai bên kiên quyết và cố gắng lôi kéo 'khán giả trong nước".

Theo ông, diễn biến hôm thứ hai không bất ngờ; ngoài ra, đàm phán gần như chắc chắn sẽ không có tiến triển thật sự trước mùa thu. Để hoàn thành thỏa thuận trong năm nay, "nước Anh sẽ phải thay đổi rất nhiều và EU sẽ phải thay đổi chút xíu", ông Lowe nói.

Lý tưởng là Anh và EU không chỉ đạt được một hiệp định thương mại tự do mà còn ký kết các thỏa thuận về nhiều vấn đề liên quan tới an ninh và chính sách đối ngoại. Nhưng thời gian khá ngắn do Anh muốn hoàn tất mọi thứ vào trước cuối năm – một thời hạn được nhiều chuyên gia đánh giá là quá lạc quan.

Bài phát biểu của Thủ tướng Johnson trước giới ngoại giao, doanh nhân… tại Trường Lục quân Hoàng gia ở London đưa ra một viễn cảnh tươi sáng và mang tính chính trị hơn là cuộc họp báo của ông Barnier từ Brussels.

"Nước Anh đã sẵn sàng để có màn trình diễn Clark Kent của mình" và nổi lên như một siêu nhân của thương mại tự do toàn cầu, ông Johnson ví von Anh với nhân vật siêu nhân có tên thật là Clark Kent.

Ông cũng tránh đề cập tới chủ đề Brexit, thậm chí còn gọi đó là một thuật ngữ từ quá khứ. Tuy nhiên, thái độ không khoan nhượng của ông trong vấn đề thương mại tiết lộ những thách thức không nhỏ mà London sắp phải đối mặt.

Còn tại Brussels, giới chức cấp cao EU cảnh báo, nếu hai bên không thống nhất được một mối quan hệ mới thì nó một lần nữa đồng nghĩa với một Brexit không thỏa thuận. Sự thay đổi bất chợt trong các quy định thương mại có thể phá hoại kinh doanh ở cả hai phía, nhưng Anh sẽ bị tác động nhiều hơn.

Một trong những yêu cầu chủ chốt từ châu Âu là một hiệp ước cho phép các tàu đánh cá châu Âu được tiếp cận vùng lãnh hải rộng lớn của Anh. Mặc dù không có nhiều ý nghĩa kinh tế, nhưng đánh bắt cá lại có tầm quan trọng mang tính biểu tượng và cả cảm xúc tại cả Anh và lục địa châu Âu.

 

Châu Âu muốn được đánh bắt cá tại vùng lãnh hải Anh (ảnh: getty)

Tuy nhiên, yếu tố trọng tâm của bất kỳ hiệp định thương mại nào sẽ là mức độ mà Anh tiếp tục tuân theo các quy định của EU trong nhiều lĩnh vực như quyền người lao động, tiêu chuẩn môi trường và quy định chống độc quyền…

Nếu Anh "muốn vào thị trường 450 triệu người tiêu dùng, không thuế quan, không hạn ngạch, điều đó sẽ không xảy ra mà không có điều kiện gì đi kèm", ông Barnier nói với báo giới. "Chúng tôi ủng hộ thương mại tự do nhưng chúng tôi không ngây thơ".

Ông cũng bổ sung, trong một tuyên bố chính trị vào năm ngoái, Anh đã đồng ý thiết lập "một sân chơi công bằng".

EU cho rằng, đây là điều thiết yếu để ngăn ngừa Anh – một nền kinh tế cạnh tranh lớn ngay tại cửa ngõ châu Âu khỏi việc giảm bớt các tiêu chuẩn về lao động và môi trường, từ đó làm giảm giá thành hàng hóa và dịch vụ. Người Anh phản đối và chỉ ra, các điều kiện như vậy không được áp dụng lên Canada để đổi lấy một hiệp định thương mại tự do với châu Âu.

"Không cần phải có một hiệp định thương mại tự do liên quan tới chấp nhận các quy định của EU về chính sách cạnh tranh, trợ cấp, bảo hộ xã hội, môi trường hoặc bất kỳ thứ gì tương tự hơn là EU nên có nghĩa vụ chấp nhận các quy định của Anh", Thủ tướng Johnson tuyên bố.

Mặc dù ông Johnson lưu ý rằng, trong nhiều lĩnh vực Anh thậm chí còn đề ra các tiêu chuẩn cao hơn so với các nước EU, giới chức Brussels muốn những điều đó được đề cập trong văn bản cùng với các quy trình phân xử trong trường hợp tranh chấp. Nếu vậy, London sẽ phải chấp nhận tuân theo một số quy định của châu Âu cho dù đã rời khỏi EU – một bước đi mà chắc chắn London sẽ phản đổi.

Giờ đây, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh, thay vì phải tuân theo các quy định của châu Âu, ông muốn một mối quan hệ thương mại giống như với nước Áo – vốn đang không có có hiệp định thương mại tự do với EU.

Tuy nhiên dường như các doanh nghiệp Anh lại rất khát khao đạt được một thỏa thuận. Sau bài phát biểu của ông Johnson, đồng bảng Anh đã sụt giá khoảng 1%.

EU cho biết, họ sẽ đàm phán với Anh song song trên 12 chủ đề khác nhau từ đó tiến tới một thỏa thuận chung. Một nước trong 27 thành viên còn lại của EU đều có quyền phủ quyết tước hiệp định mới với nước Anh. Mặc dù EU từng thể hiện một lập trường thống nhất trong vấn đề Brexit, nhưng điều đó có thể thay đổi trong tương lai do mỗi nước sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác nhau của thỏa thuận thương mại.

Ngay cả khi nếu EU và Anh thực sự ký kết được một hiệp định, ông Lowe vẫn cảnh báo, các nhà xuất nhập khẩu vốn đã quen với việc các nước là thành viên của một thị trường kinh tế chung, sẽ phải thực hiện các hoạt động khai hải quan mới và tuân thủ các quy định bổ sung. Do vậy, một thỏa thuận thương mại tự do sẽ chỉ có giá trị giới hạn.

"Điều tốt nhất là nó dỡ bỏ thuế quan và hạn ngạch", ông nói. "Còn nó hầu như không giúp làm giảm các phát sinh khác trong thương mại".

Nguồn: Minh Đức/ toquoc.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo