Thế giới

Tung đòn “ngàn cân” đáp trả lẫn nhau, Mỹ - Trung được gì và mất gì?

Cập nhật lúc 24-08-2019 18:31:10 (GMT+1)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

 

Những màn đáp trả thuế quan của Mỹ và Trung Quốc đang khiến căng thẳng hai nước "nóng" lên và đe dọa đến sự ổn định của kinh tế toàn cầu.


Mỹ - Trung tung đòn “ngàn cân” đáp trả lẫn nhau

Ngay sau khi Trung Quốc thông báo áp thuế 5% và 10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/8 tuyên bố sẽ tăng thuế đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ông Trump cho biết Nhà Trắng sẽ nâng mức thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 25% lên 30% bắt đầu từ ngày 1/10 và nâng thuế từ 10% lên 15% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ 1/9.

Việc Mỹ và Trung Quốc đáp trả thuế quan lẫn nhau ngày 23/8 vừa qua là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến thương mại giữa 2 quốc gia vốn bắt đầu cách đây hơn 1 năm khi Mỹ áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh thực hiện các hoạt động thương mại bất bình đẳng. Tổng thống Trump cũng chỉ trích Trung Quốc đã lợi dụng Mỹ trong hàng thập kỷ.

Ngoài ra, một loạt các tuyên bố đáp trả mạnh mẽ của Mỹ và Trung Quốc mới đây đã đẩy cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này sang một giai đoạn nguy hiểm mới. Một số quốc gia phát triển dường như đang rơi vào suy thoái trong khi nhiều chính phủ và các công ty đều bày tỏ mong muốn những dấu hiệu về sự suy thoái trong nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc sẽ đẩy 2 bên bước vào bàn đàm phán.

Ngay sau đó không lâu, Tổng thống Trump đã yêu các công ty Mỹ cắt đứt quan hệ làm ăn với Trung Quốc.

"Tôi yêu cầu các công ty Mỹ của chúng ta cần ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm giải pháp thay thế Trung Quốc, trong đó bao gồm cả việc đưa công ty về quê hương và sản xuất tại Mỹ", Tổng thống Trump viết trên Twitter.

Nhà Trắng không có thẩm quyền buộc các công ty phải thực hiện theo các chỉ dẫn như vậy và tuyên bố của ông Trump đã vấp phải sự chỉ trích sâu sắc từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

"Tổng thống Trump có thể giận dữ với Trung Quốc nhưng câu trả lời không phải là buộc các công ty Mỹ phải bỏ qua một thị trường với 1,4 tỷ người tiêu dùng", ông Myron Brilliant - phó Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ nhận định, đồng thời cho biết việc dừng hoạt động làm ăn với đối tác thương mại lớn như Trung Quốc sẽ khiến các công ty Mỹ tổn thất và rộng hơn là toàn bộ nền kinh tế nước này.

"Leo thang căng thẳng không phải là một tín hiệu tốt cho sự ổn định thị trường, niềm tin của các nhà đầu tư hay các công việc cho người Mỹ", ông Brilliant nhận định.

Quyết định bất ngờ của Tổng thống Trump khi yêu cầu các công ty Mỹ chấm dứt làm ăn với Trung Quốc đã cho thấy một mối đe dọa mới đối với sự hợp tác đa phương của Mỹ khi các doanh nghiệp nước này đã dành nhiều năm để đầu tư vào thị trường tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng tăng lên.

"Tôi không biết Tổng thống nghĩ gì khi ông ấy yêu cầu các công ty dừng hợp tác với Trung Quốc. Thật không thể hiểu nổi", chuyên gia tài chính tại Viện Manhattan Brian Riedl nhận định.

Các nhóm bảo thủ cũng bất ngờ trước yêu cầu của ông Trump khi cho rằng họ không nghĩ Tổng thống sẽ đưa ra một hành động leo thang căng thẳng đáng kể như vậy.

Đằng sau những diễn biến mới đây đã tiết lộ về một thực tế rằng cuộc chiến thương mại mà ông Trump cho là "dễ dàng giành chiến thắng" sẽ là một hành trình dài khó khăn hơn nhiều và có thể gây ra những tổn thất về kinh tế nhiều hơn là những gì Tổng thống Trump tính toán.

Hậu quả của cuộc thương chiến không hồi kết

Thực tế là nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc nói riêng đều đang chịu các tác động trực tiếp từ cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 27 năm khi sản lượng của các nhà máy giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Các lãnh đạo của các ngân hàng Trung ương tại châu Âu, châu Á và Australia đều cắt giảm lãi suất trong những tuần gần đây. Doanh thu của xuất khẩu Mỹ cũng giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 8/2009. Khi xuất khẩu giảm, các nhà sản xuất sẽ phải đối phó bằng cách cắt giảm sản xuất và dẫn tới việc giảm số lượng các công việc.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Powell cũng thừa nhận căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu.

"Tăng trưởng toàn cầu đã sụt giảm từ giữa năm ngoái. Sự biến động trong chính sách thương mại dường như là nguyên nhân gây nên sự sụt giảm kinh tế toàn cầu cũng như làm suy yếu việc sản xuất và dự trữ vốn tại Mỹ", ông Powell cho biết.

Những nông dân - đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc đáp trả của Trung Quốc đã nhận định các động thái của Tổng thống Trump chỉ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Những dòng tweet của Tổng thống Trump hôm 23/8 đã khiến hầu hết các cố vấn và nhân viên của ông ngạc nhiên. Một số cố vấn Nhà Trắng đã kín đáo bày tỏ sự quan ngại rằng những tuyên bố của Tổng thống Mỹ có thể phá hủy hoàn toàn tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung và tác động đến những người ủng hộ ông khi cuộc bầu cử đang gần kề.

Michael Pillsbury, một học giả Trung Quốc tại Viện Hudson nhận định Tổng thống Trump dường như đang cân nhắc đến nhiều lựa chọn cứng rắn hơn với hy vọng rằng những mức thuế cao hơn sẽ khiến tiến trình đàm phán với Trung Quốc có tiến triển.

Thượng nghị sĩ Charles E. Grassley đến từ bang Iowa và cũng là Chủ tịch Ủy ban Tài chính cho rằng Tổng thống Trump đã đúng khi thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc song cũng nhận định ông không tán thành với cách làm của ông Trump khi áp thuế với Bắc Kinh, đồng thời cảnh báo điều này có thể làm tổn hại đến chính người dân Mỹ.

"Nền kinh tế Trung Quốc đang chịu tổn thất nhưng người tiêu dùng Mỹ và nhiều ngành khác của nền kinh tế Mỹ cũng vậy. Những người nông dân bang Iowa đang phải chịu những tác động mạnh mẽ và có nguy cơ vĩnh viễn mất đi 1 thị trường xuất khẩu", ông Grassley cho biết.

Trung Quốc sẽ áp 5% thuế bổ sung lên đậu nành Mỹ và nhập khẩu dầu thô bắt đầu từ tháng sau. Bắc Kinh cũng áp thuế 25% lên ô tô Mỹ từ ngày 15/12 và áp thuế 10% với một số phương tiện. Với các mức thuế chung hiện nay đối với hàng hóa tự động, tổng mức thuế mà ô tô Mỹ phải chịu có thể cao tới 50%.

Phòng Thương mại Mỹ đã gọi động thái của Trung Quốc là "đáng tiếc nhưng không mấy ngạc nhiên".

"Sự thật là không ai chiến thắng trong cuộc thương chiến này và sự leo thang đáp trả lẫn nhau tiếp diễn giữa Mỹ và Trung Quốc đang đặt sức ép đáng kể lên nền kinh tế, tăng giá cả, làm giảm đầu tư và khiến thị trường bất ổn", ông Myron Brilliant nhận định.

Tổng thống Trump vẫn tiếp tục sử dụng thuế quan để đối phó với Trung Quốc với lý lẽ rằng Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu hơn Mỹ và nước này sẽ "mất" nhiều hơn trong cuộc chiến thương mại. Trong khi đó, Bắc Kinh lại tính toán rằng Tổng thống Trump có nhiều thứ để "mất" trong cuộc thương chiến này bởi ông phải đối mặt với kỳ Bầu cử Tổng thống Mỹ đang cận kề. Nói cách khác, trong cuộc chiến này, cả hai đều tận dụng tối đa quân bài của mình để mặc cả. Với Tổng thống Trump, đó là thuế quan. Với Trung Quốc, đó là thời gian.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung Quốc Craig Allen: "Điều này đã trở thành một dây chuyền không có mục tiêu, không có chiến lược rõ ràng, cũng như không có điểm kết thúc. Nó đang khiến tình hình kinh tế toàn cầu trở nên tồi tệ hơn và gia tăng bất ổn với những điều không chắc chắn hiện nay"./.

Nguồn: Kiều Anh/ VOV

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo