Thế giới

Trung Quốc không còn nhượng bộ EU

Cập nhật lúc 16-09-2020 18:56:55 (GMT+1)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi hội nghị trực tuyến với lãnh đạo EU hôm 14/9. Ảnh: Xinhua

 

Với sức mạnh kinh tế đang lên, Trung Quốc không còn nhượng bộ châu Âu đáng kể trong thương mại và các vấn đề khác.


Một thỏa thuận giữa EU và Trung Quốc nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng và gỡ bỏ các rào cản tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư châu Âu tại Trung Quốc dự kiến sẽ được ký kết trong năm nay. Ông Tập đồng ý xúc tiến đàm phán để thỏa thuận hoàn thành đúng hạn. Bà Von der Leyen xác nhận các tiến bộ đã đạt được trên một số mặt, bao gồm trợ cấp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

"Tiến triển của hiệp định đầu tư toàn diện - mặc dù vẫn còn những trở ngại lớn để đạt được, là một trong những bước phát triển mang tính xây dựng hữu hình duy nhất giữa hai bên trong vài năm qua", Andrew Small, Chuyên gia EU-Trung Quốc của German Marshall Fund tại Mỹ, cho biết.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, điều đó ngày càng ít ý nghĩa trong bối cảnh động lực chính trị giữa hai bên có nhiều thay đổi. Ngôn ngữ và giọng điệu từ phía châu Âu đang tiếp tục chuyển sang một kỷ nguyên mới, trong tư thế cạnh tranh và xem nhau là đối thủ. Cùng với đó, các lĩnh vực hợp tác có vẻ hạn chế và khó khăn.

Ngoại lệ là Thủ tướng Đức Angela Merkel, người cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, còn "nuôi hy vọng tiến bộ". "Nhìn chung, hợp tác với Trung Quốc phải dựa trên những nguyên tắc nhất định - có đi có lại, cạnh tranh bình đẳng", bà nói.

Bà Merkel thừa nhận trong 15 năm qua, Trung Quốc đã trở nên mạnh mẽ hơn nhiều về kinh tế và điều này có nghĩa là ngày nay nhu cầu về sự "có đi có lại" cùng một sân chơi bình đẳng là rất chính đáng. "Chúng ta là những hệ thống xã hội khác nhau, trong khi chúng ta cam kết theo chủ nghĩa đa phương, nó phải dựa trên các quy tắc", bà nói.

Mikko Huotari, CEO Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Berlin, cảnh báo các quan chức châu Âu không nên tập trung hoàn toàn vào thương mại và đầu tư trong khi xử lý quan hệ với Trung Quốc.

"Tôi không nghĩ là đủ để tự hào về thực tế rằng EU đang nói to về những gì họ muốn từ Trung Quốc. Điều họ thiếu là các kế hoạch hành động", ông nói. "Đặt trọng tâm vào thương mại và đầu tư là không đủ. EU cần phải thức tỉnh", ông khuyến nghị.

Không đề cập đến Mỹ nhưng ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi EU tôn trọng "sự chung sống hòa bình" của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, vốn là nguyên tắc đầu tiên trong bốn nguyên tắc của ông đối với EU.

Bên cạnh việc kêu gọi chủ nghĩa đa phương và đối thoại, ông cũng yêu cầu EU duy trì sự cởi mở khi giao dịch với Trung Quốc. Ông nhắc nhở khối này về các chính sách gần đây trong việc sàng lọc đầu tư nước ngoài, công nghệ 5G và việc hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc được hậu thuẫn bởi nhà nước tiến hành thâu tóm tài sản và kinh doanh tại châu Âu.

Liên quan vấn đề nhân quyền, ông Tập phản pháo lại cáo buộc của 3 lãnh đạo EU về tình hình Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng, cũng như đề cập chủ nghĩa bài Do Thái ở EU. Ông cho rằng các nước nên dành sự quan tâm hàng đầu với việc của chính mình.

Noah Barkin, Chuyên gia EU-Trung Quốc tại Rhodium Group, cho biết việc EU tập trung vào Hong Kong và Tân Cương cho thấy các giá trị đang đóng vai trò lớn trong quan hệ của họ với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang đối mặt áp lực ngày càng tăng trong việc kêu gọi Bắc Kinh nhượng bộ.

"Trước đây, những vấn đề nhân quyền như thế này được thảo luận sau những cánh cửa đóng kín. Đường lối của châu Âu về Trung Quốc đang trở nên khó khăn hơn", vị chuyên gia nói.

Phiên An (theo SCMP)
Nguồn: vnexpress.net

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo