Thế giới

Thượng đỉnh Trump-Putin: Những tính toán khó đoán định

Cập nhật lúc 16-07-2018 08:02:15 (GMT+1)
Việc gặp Putin được tổ chức được cho là do những căng thẳng chính trị nội bộ của Mĩ chứ không phải do tính toán của Trump.

 

Việc gặp Putin được tổ chức sau hai năm nắm quyền được cho là do những căng thẳng chính trị nội bộ của Mĩ chứ không phải do tính toán của ông Trump. Tuy nhiên việc Trump gặp Putin sau khi gặp các đồng minh NATO và Anh cho thấy tính hợp lí cho việc chuẩn bị cuộc gặp tay đôi này.


Tình hình Mĩ, quan hệ Mĩ – đồng minh và những tính toán của Trump

Những chính sách của Trump tại thời điểm này cần phải được cân nhắc kĩ vì chỉ còn bốn tháng nữa là tới cuộc bầu cử giữa kì. Vào ngày 6/11 tới, cuộc bầu cử thay toàn bộ 435 ghế Hạ viện, một phần ba số ghế Thượng viện (36/100) và 87/99 cơ quan lập pháp bang. Nếu đảng Dân chủ chiếm ưu thế tại nghị viện, rất có thể các chính sách và đề cử nhân sự của Trump sẽ bị hạn chế. Ngoài ra, nếu để thua tại cuộc bầu cử giữa kì này, khả năng tái cử của Trump vào 2020 sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo một số thăm dò dư luận, hiện tại đảng Dân chủ đang có ưu thế hơn để giành đa số tại Hạ viện. Vì thế, các chính sách của Trump trong thời gian này cần phải hướng tới nhóm cử tri ủng hộ Trump và đảng Cộng hòa, cũng như tìm kiếm phiếu bầu từ những cử tri chưa rõ ràng trong quyết định bỏ phiếu. Việc Trump gặp Putin, hay rộng hơn là chính sách của Trump đối với Nga, chắc chắn được nhiều người quan tâm. Theo một số thăm dò dư luận gần đây thì đa số người Mĩ có ý kiến tiêu cực về tổng thống Nga Putin, về sự đe dọa từ sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Nga.

Trump tuyên bố muốn gặp tổng thống Nga Putin ngay khi tranh cử. Đối với các vấn đề quan hệ quốc tế, Trump cũng áp dụng phong cách kinh doanh như yêu cầu đàm phán, đặt yêu cầu cao ngay từ đầu, tỏ ra cứng rắn trước khi đàm phán. Cũng như cuộc gặp với Kim Jong Un, Trump cũng yêu cầu có cuộc gặp trực tiếp, chỉ giữa hai nhà lãnh đạo và phiên dịch, nhằm tự mình ước lượng năng lực và phong cách người đối diện.

Trump được cho là không có kinh nghiệm trong quan hệ quốc tế, không có năng lực và tầm nhìn về chiến lược quốc tế và không hiểu về Nga, về Putin. Việc gặp Putin được tổ chức sau hai năm nắm quyền được cho là do những căng thẳng chính trị nội bộ của Mĩ chứ không phải do tính toán của Trump. Tuy nhiên việc Trump gặp Putin sau khi gặp các đồng minh NATO và Anh cho thấy tính hợp lí cho việc chuẩn bị cuộc gặp tay đôi này. Không kể trước đó, việc trao đổi với Hàn Quốc và Nhật Bản giải quyết vấn đề Triều Tiên cho thấy Mĩ không vô nguyên tắc trong giải quyết các vấn đề chiến lược. 

Một trong những vấn đề quan trọng mà NATO gần đây đạt được là việc châu Âu thống nhất tăng cường năng lực chiến đấu, khả năng cơ động lực lượng và tổ chức đủ lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Ngày 28/3/2018, chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker và Cao ủy châu Âu Mogherini đã tuyên bố Kế hoạch hành động về cơ động quân sự. Mục đích là tổ chức lại hệ thống hạ tầng đường bộ, đường sắt thích ứng cho vận tải quân sự và giảm nhẹ các vấn đề kiểm tra hành chính tại biên giới quốc gia.

Tại thượng đỉnh NATO ngày 10 và 11/7 vừa rồi, bộ trưởng quốc phòng Mĩ hối thúc các quốc gia NATO tổ chức thường trực 30 tiểu đoàn bộ binh (mỗi tiểu đoàn bao gồm từ 600 đến 1000 quân), 30 phi đội máy bay chiến đấu và 30 tàu khu trục có thể sử dụng trong 30 ngày.

Trái với các ồn ào truyền thông về sự chia rẽ giữa Trump và các lãnh đạo thành viên NATO, Trump và phái đoàn Mĩ vẫn kí tuyên bố chung 79 điểm của thượng đỉnh NATO trong đó có cam kết bảo vệ đồng minh và lên án Nga trên các phương diện: sát nhập trái phép Crimea, quân sự hóa Crimea, gây mất ổn định ở miền đông Ukraina, khiêu kích quân sự với các nước NATO, xâm nhập vùng trời các nước NATO, v.v… Các nước châu Âu vẫn tuyên bố đảm bảo mục tiêu tăng chi tiêu quân sự đến 2% tổng sản phẩm quốc dân (trừ Đức, tuy nhiên việc Đức không tăng mức độ chi tiêu quốc phòng lại là vấn đề cân bằng lực lượng tại châu Âu lục địa!). Pháp còn thông báo sẽ chú trọng tăng cường các hoạt động mua bán trang bị quốc phòng với các thành viên NATO. 

Tình hình Nga và những tính toán của Putin

Tình hình Nga trong thời gian gần đây có những yếu tố trái ngược. Về chính trị, tổng thống Putin tái cử, tiếp tục củng cố vị thế và nâng cao khả năng tập trung kiểm soát tình hình nội địa. Tuy nhiên, lần đầu tiên sau 20 năm, theo đài Nước Nga ngày nay (RT), tổng thống Nga tuyên bố cắt giảm chi tiêu quân sự xuống còn 2,8% GDP và có thể còn xuống thấp hơn. Ông Putin thừa nhận rằng một cuộc chạy đua vũ trang sẽ làm tiêu tan nền kinh tế Nga. Theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI), năm vừa rồi Nga cắt giảm đến 20% ngân sách dành cho quốc phòng về dưới mức 2013, trong khi Trung Quốc tăng 5,6% ngân sách và ngay cả các nước Đông Âu và Tây Âu đều tăng ngân sách quốc phòng.

Có thể giải thích việc giảm ngân sách này là do việc can thiệp của Nga ở Syria đã giảm cường độ và các đầu tư cho nghiên cứu phát triển, sản xuất các hệ thống trang bị quốc phòng mới đã đạt ở mức độ hoàn thiện nhất định. Tuy nhiên, tốc độ tăng chi tiêu quân sự của Nga trong 10 năm gần đây là đều và không có nhiều đột biến. Ngoài ra, theo The Diplomat, ngày 2/7, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, ông Yuri Borisov tuyên bố trên truyền hình Nga rằng sẽ không sản xuất hàng loạt máy bay được cho là thế hệ thứ 5, Sukhoi Su-57.

Việc tuyên bố này cho thấy việc cắt giảm ngân sách hoặc các khó khăn kĩ thuật đã trở nên nghiêm trọng tới mức Nga chấp nhận sử dụng rất hạn chế máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, một trong những trang bị chiến lược trong cân bằng sức mạnh. Cần lưu ý là máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Mĩ, F-35, dù phải chịu những cắt giảm nghiêm trọng do giá thành cao, cũng đã giao được 265 chiếc cho Mĩ và đồng minh. Thậm chí, loại máy bay thế hệ 5 F-22 đã bị dừng sản xuất năm 2012 cũng đã sản xuất được 195 chiếc. Việc Nga chỉ có 12 chiếc Su-57 sản xuất thử và không có kế hoạch sản xuất hàng loạt để trang bị cho đội hình chiến đấu cho thấy khả năng tụt hậu về năng lực không quân thế hệ 5 là rõ ràng.    

Ông Kim Jong Un gặp ông Donald Trump tại Singapore tháng 6 vừa qua. Ảnh: The Straits Times

Gần đây, tổng thống Nga tuyên bố về các loại vũ khí chiến lược mới. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng sức mạnh quân sự ngoài hệ thống răn đe còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng của quân đội thường trực, khả năng của hệ thống trang bị thông thường và năng lực sẵn sàng chiến đấu trong mọi hoàn cảnh. Theo như tổng thống Putin, đầu tư cho quốc phòng trong thời gian tới tập trung vào hệ thống tình báo, khả năng chỉ huy, kỉ luật và tổ chức quân đội. Quan trọng hơn, nếu như tổng thống Putin nói rằng “Nga sẽ không làm cảnh sát thế giới” là đúng thì khả năng can thiệp ở nước ngoài của Nga sẽ giảm so với hiện nay. Tuy nhiên, góc nhìn lo ngại từ Mĩ và châu Âu là khả năng can thiệp sử dụng các lực lượng ngầm của Nga, như cách mà các nước này cho là Nga đã làm tại Crimea và Ukraina.

Kết quả nào cho gặp gỡ Trump – Putin?

Trước cuộc gặp Trump – Kim vào tháng 6 vừa rồi, cả hai bên đều tuyên bố về mong muốn của mình. Với Trump, đó là giải trừ vũ khí hạt nhân toàn diện. Với Kim, đó là sự đảm bảo về an ninh, chấm dứt thái độ thù địch. Đó là một trong những mục tiêu mà cuộc gặp gỡ hướng tới.

Cuộc gặp Trump – Putin, ngược lại, lại không có một mục tiêu nào được công bố, đặc biệt là từ phía Nga. Cũng giống như các lần họp trước đây của các tổng thống Mĩ và Liên Xô và sau là Nga, địa điểm họp sẽ là dinh Tổng thống Phần Lan. Nhưng đối mặt với một Trump doanh nhân – tổng thống là một Putin dày dạn kinh nghiệm chính trị và có thói quen sử dụng sức mạnh thì đây là cuộc gặp khó đoán nhất từ trước tới nay, ngay cả khi ngoại trưởng Mĩ Pompeo khẳng định cuộc gặp này sẽ “giúp đặt Mĩ vào vị thế tốt hơn”!

Nguồn: Trần Bình/ Vietnamnet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo