Thế giới

Phương Tây băn khoăn: Nga tìm gì ở Trung Đông?

Cập nhật lúc 26-05-2018 07:06:31 (GMT+1)
Tổng thống Nga V. Putin đến thăm căn cứ Hmeimim ở Syria hồi tháng 12/2017

 

Giới phân tích phương Tây tin rằng Nga can thiệp vào Syria trên cơ sở tham khảo trường hợp Libya, Iraq và không ảo tưởng về mục tiêu tại Syria.


Giúp người, giúp mình

Quyết định của Nga can thiệp quân sự ở Syria từ tháng 9/2015 tiếp tục là chủ đề khiến giới phân tích phương Tây tốn nhiều giấy mực. Không thể phủ nhận thành công của Moscow khi giúp chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad trụ vững và giành lại phần lớn lãnh thổ đã mất.

Nga hiện nghiêng về giải quyết cuộc chiến bằng con đường chính trị khi duy trì một sự cân bằng trong mối quan hệ với tất cả các nước có liên quan trong vấn đề Syria, như các nước phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Saudi Arabia và Iran.

Tờ Le Monde của Pháp trong bài phân tích mới đây về vai trò của Nga tại Syria đã đặt ra câu hỏi "Nga đang tìm kiếm điều gì ở Trung Đông?".

Theo tờ báo này, Nga đưa ra quyết định can thiệp vào Syria trên cơ sở tham khảo trường hợp của Libya và Iraq trước đây. Giới lãnh đạo Nga cho rằng sự sụp đổ của chế độ Libya và Iraq đã không mang lại bất cứ điều gì tốt đẹp, và Syria không nên trở thành một trung tâm thánh chiến mới trong khu vực.

Trước tháng 9/2015, Điện Kremlin đã cảnh báo cộng đồng quốc tế về rủi ro có thể xảy ra với chế độ Syria và mối đe dọa đã trở thành hiện thực khi một số lượng lớn các tay súng nước ngoài đến từ châu Âu, Nga, Caucasus và Trung Á gia nhập hàng ngũ Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm Hồi giáo khác ở Syria và Iraq.

Theo các cơ quan an ninh Nga và các nhà phân tích độc lập, vào năm 2015, khoảng 12.000 chiến binh nói tiếng Nga đến từ Bắc Caucasus, từ phần còn lại của nước Nga và các cộng đồng người Chechnya ở nước ngoài đã tham chiến ở Syria bên cạnh các nhóm Hồi giáo khác nhau, như Mặt trận al-Nusra và nhóm Hồi giáo Ahrar al-Sham.

Bên cạnh đó, các nhóm vũ trang này bao gồm cả hàng trăm người từ Azerbaijan và các nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô trước đây, như Tajikistan và Uzbekistan. Một số chiến binh từng cho rằng cuộc chiến ở Syria là một sự chuẩn bị cho các cuộc chiến đấu được tiến hành trên đất nước họ.

Theo Le Monde, một trong những mục tiêu chính của Nga là khôi phục các khả năng quân sự và chính trị của chế độ Syria. Do vậy, mục tiêu trực tiếp của các vụ ném bom đường không là nhằm vào các nhóm có mối đe dọa nghiêm trọng đối với Damascus, kể cả những đối tượng không phải là phần tử Hồi giáo cực đoan hay những nhóm không bị phương Tây xem là "các phần tử khủng bố".

Dù tìm kiếm điều gì thì Nga cũng đang thể hiện sức mạnh và tính hợp pháp của mình tại Syria

Tuy nhiên, Moscow luôn phủ nhận cáo buộc này và hiện vẫn giữ quan điểm rằng Nga chỉ nhắm vào "những phần tử khủng bố", trong đó có những kẻ khủng bố thuộc IS.

Lực lượng không quân của Nga tại Syria không chỉ yểm trợ cho các lực lượng chính phủ Syria mà còn khiến cho lực lượng quân sự của các nước phương Tây không thể thiết lập một vùng cấm bay. Điều này có ý nghĩa sống còn bởi Nga đã giúp ngăn chặn bàn tay của phương Tây can thiệp trực tiếp trên thực địa chống lại quân chính phủ Syria.

Bằng cách triển khai các lực lượng không quân từ căn cứ Hmeimim ở phía Đông Nam thành phố Latakia, Nga cũng củng cố lập trường ngoại giao của mình và chỉ rõ rằng không có quyết định nào liên quan đến Syria có thể được đưa ra nếu như bỏ qua ý kiến của Nga.

Nga không ảo tưởng

Le Monde cho rằng Nga theo đuổi một mục tiêu tham vọng hơn nhiều so với việc cứu vãn chế độ Syria. Nga mong muốn chấm dứt chiến tranh bằng cách tổ chức một cuộc đối thoại giữa chính phủ Syria và các lực lượng đối lập (trừ các phần tử Hồi giáo cực đoan và các nhóm chiến binh nước ngoài).

Nga tìm cách khởi động quá trình hòa giải theo các điều kiện riêng của mình, trong đó có điều kiện duy trì sự toàn vẹn của lãnh thổ Syria và việc hình thành một liên minh chống lại IS, như Tổng thống Putin đã khẳng định tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9/2015.

Moscow cũng yêu cầu duy trì các cấu trúc nhà nước Syria và chỉ thực hiện việc chuyển đổi chế độ trong khuôn khổ các cơ chế lập hiến hiện có.

Theo tờ báo Pháp, sự sụp đổ của Aleppo hồi tháng 12/2016 đã mang lại cho Nga sự đảm bảo rằng Nga có thể kiểm soát và định hướng các sự kiện ở Syria và khu vực. Năm 2017, Moscow đánh giá đã đạt được một trong những mục tiêu chính là giúp chính phủ Syria trụ vững, đồng thời giành lại một số vùng lãnh thổ.

Giới phân tích phương Tây dự đoán Nga sẽ không dừng lại ở đó và chỉ rút quân sau khi kết thúc một tiến trình đàm phán chính trị mà hiện vẫn không có gì chắc chắn.

Máy bay Tu-22M3 của Nga cất cánh từ Iran tấn công các mục tiêu của khủng bố ở Syria

Chiến lược của Nga đã thay đổi khi các thành trì chính của IS bị phá hủy vào cuối năm 2017. Thậm chí, vào tháng 12/2017, Tổng thống Putin còn ra lệnh rút thêm một phần quân đội Nga ra khỏi Syria.

Tuy vậy, Nga không nuôi ảo tưởng, bởi họ biết rằng IS bị tấn công nhưng không hoàn toàn bị đánh bại, rằng cuộc nội chiến tại Syria vẫn chưa kết thúc.

Theo suy đoán của phương Tây, nếu như một bộ phận binh sĩ Nga được rút về nước, thì đó là một sự luân chuyển quân nhằm điều chỉnh quân số cho phù hợp với những yêu cầu thực tế. Ngoài ra, những thông báo rút quân trước đó đã chỉ ra rằng quân đội Nga luôn có thể tăng cường quân số nếu tình hình yêu cầu.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã khẳng định tính chính đáng của sự hiện diện quân sự của Iran ở Syria. Đây được coi là tín hiệu cho Tehran thấy rằng Moscow coi trọng sự hợp tác với Iran cũng giống như sự hợp tác mà Moscow duy trì với Israel.

Bất chấp vụ tấn công của Mỹ, Anh và Pháp hồi tháng 4 vừa qua, Nga vẫn không coi Mỹ và Liên minh châu Âu có vai trò quyết định tại Syria. Các nhà chiến lược Nga nhận định rằng các chủ thể này đã không thể hiện mong muốn thực sự tham gia giải quyết các vấn đề Syria trên thực địa.

Tổng thống Nga V. Putin tiếp Tổng thống Syria B. al-Assad tại Sochi hôm 17/5

Tuy nhiên, tờ báo Pháp đã nhắc lại những sự kiện trong lịch sử như lời cảnh báo đối với Nga khi đặt niềm tin vào Tổng thống Syria.

Theo Le Monde, vào năm 2000, sau khi lên nắm quyền, ông Assad đã nỗ lực xích lại gần châu Âu, đặc biệt với Pháp. Chỉ khi nỗ lực này thất bại, đặc biệt do sự hiện diện của Syria ở Lebanon, ông Assad mới quay sang bắt tay với Nga.

Trước đó, vào những năm 1990 và 2000, Damascus đã phớt lờ những yêu cầu của Moscow liên quan tới các phiến quân Chechnya chạy trốn sang Syria sau khi đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các binh sĩ và dân thường Nga.

Tờ Le Monde đã liên hệ thái độ của Nga với Syria khi nhắc lại bài phát biểu hồi tháng 7/2016, trong đó Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng ông không muốn đặt niềm tin vào một chế độ có thể thay đổi đồng minh một sớm một chiều để tránh lặp lại sai lầm mà Liên Xô từng mắc với Ai Cập (Vào tháng 7/1972, Anwar Al-Sadat đã trục xuất hàng nghìn cố vấn Liên Xô và cắt đứt quan hệ với Liên Xô).

Nguồn: Đông Triều/ Baodatviet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo