Thế giới

Nước Nga trước ‘sóng gió’ tình báo từ phương Tây

Cập nhật lúc 27-01-2016 16:37:51 (GMT+1)
Ông Putin liên tiếp đối mặt với nhiều cáo buộc do những thông tin tình báo được phương Tây thu thập. Ảnh: REUTERS

 

Trong vòng một tháng qua, đã có nhiều hoạt động tình báo phương Tây nhắm đến nước Nga và cá nhân Putin.


Theo tờ The Telegraph, các cơ quan tình báo Mỹ đang chuẩn bị tiến hành một cuộc điều tra quy mô lớn về cách thức mà Điện Kremlin thâm nhập vào các đảng phái tại châu Âu.

Điều tra “loại bỏ” Nga khỏi châu Âu

James Clapper, Giám đốc Ủy ban Tình báo Quốc gia Mỹ, đã được Quốc hội Mỹ chỉ thị tiến hành một cuộc rà soát quy mô lớn vào các quỹ đầu tư bí mật của Nga cho các đảng phái của châu Âu trong suốt một thập niên qua. Cuộc rà soát này đã phần nào phản ánh các mối quan ngại của Washington trước ý định của Nga muốn lợi dụng sự bất đồng quan điểm trong nội bộ châu Âu. Phương Tây lo ngại bằng cách gia tăng sự bất đồng, Nga có thể làm suy yếu khối NATO, ngăn chặn tiến hành các chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ và kích động việc xét lại những cấm vận kinh tế đang áp đặt lên Nga sau sự kiện sáp nhập Crimea.

The Telegraph cho biết Washington đã quyết định hành động sau khi một số quan chức cấp cao trong chính phủ Anh tiết lộ với tờ Telegraph những lo ngại về một “cuộc chiến tranh lạnh mới” đang nhen nhóm trở lại trong lòng châu Âu. Những người này cho rằng Nga đang sẵn sàng tạo ra một sức ảnh hưởng với quy mô, phạm vi và mức độ lớn hơn mức mọi người tưởng tượng. Nguồn tin của tờ Telegraph cho biết: “Trên khắp châu Âu, chúng tôi tìm thấy các bằng chứng ở mức độ đáng báo động rằng Nga đang cố chia rẽ châu Âu ở quy mô chiến lược”. Theo tờ Telegraph, các chiến dịch tạo ảnh hưởng của Nga được xác định có tiến hành tại Pháp, Hà Lan, Hungary, Áo và Cộng hòa Czech. Các gián điệp Nga xem những quốc gia này là cánh cửa để bước vào khối tự do đi lại Schengen.
Cuộc rà soát sắp tới đây của các cơ quan tình báo Mỹ sẽ kiểm tra xem liệu có đúng các cơ quan an ninh Nga đang tài trợ cho những đảng phái châu Âu với ý định “làm suy yếu đoàn kết chính trị” hay không. Cuộc rà soát cũng đồng thời đánh giá tác động sức ảnh hưởng của Nga lên các đảng phái nhằm chống lại các chương trình phòng thủ tên lửa của NATO và các nỗ lực tìm kiếm nguồn cung năng lượng ngoài nước Nga cho châu Âu. Các quan chức tình báo Mỹ từ chối tiết lộ những đảng phái nào tại châu Âu có thể bị rà soát.

Tuy nhiên, tờ Telegraph cho rằng các đối tượng điều tra có thể gồm những nhóm thiên hữu như đảng “Jobbik” của Hungary, “Bình minh Vàng” của Hy Lạp, “Bắc Hội” của Ý hay đảng “Mặt trận Quốc gia” của Pháp. Những đảng phái này đã nhận tổng cộng gần 9 triệu euro vay từ một ngân hàng Nga vào năm 2014. Nhiều trường hợp khác có dấu hiệu được “chống lưng” bởi chính phủ Nga cũng được xác định tại Áo. Theo tờ Telegraph, các cơ quan tình báo Mỹ đang giám sát những nghị sĩ Áo đã từng viếng thăm bán đảo Crimea để bày tỏ lòng ủng hộ việc tái sáp nhập vào Nga, cũng như nhiều trường hợp điệp viên Nga bị phát hiện sử dụng giấy tờ của Áo.

Kênh truyền hình Russia Today của Nga cũng bị liệt vào danh sách cần giám sát khi sức ảnh hưởng của truyền thông Nga ngày một lớn tại Hà Lan và Anh. Tháng 4-2015, trong thời gian diễn ra một cuộc trưng cầu dân ý về quan hệ EU-Ukraine, các lập luận đưa ra được tình báo Mỹ ghi nhận là có sự “tương đồng rất lớn” đối với các lập luận trong những chiến dịch tuyên truyền của Nga.

Kênh truyền hình Russia Today, được đầu tư bởi ngân sách của Kremlin, cũng đặc biệt quan tâm “chăm sóc” chiếu các bài phát biểu và các cuộc mít-tinh của lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn tại Anh, người có tư tưởng chủ trương nước Anh cần rút khỏi Liên minh châu Âu. Ngay cả đại sứ Nga tại Anh, ông Alexander Yakovenko, cũng bất ngờ lên tiếng ca ngợi ông Corbyn là một “đột phá cấp tiến” của nước Anh, một hành động chưa từng có tiền lệ của các nhà ngoại giao Nga tại Anh. Theo Igor Sutyagin, chuyên gia về Nga tại Viện Nghiên cứu hoàng gia về an ninh và quốc phòng (Anh), bộ máy truyền thông của Nga đang vận động cực kỳ tích cực, làm “suy yếu tinh thần chiến đấu của phương Tây, gây ra sự hoài nghi về NATO, EU và các cấm vận kinh tế”.


Ông Putin bị nghi ngờ là người trực tiếp ra lệnh đầu độc phóng xạ cựu gián điệp Nga Litvinenko. Ảnh: AFP

Putin trước liên tiếp nhiều cáo buộc

Không chỉ có truyền thông và các quỹ tài trợ của Nga bị đặt vào diện “cần chú ý” của các cơ quan tình báo phương Tây, cá nhân nhà lãnh đạo nước Nga - ông Putin cũng liên tiếp đối mặt với các cáo buộc liên quan đến vấn đề tình báo. Đầu tiên là cáo buộc tổng thống Nga có thể là người trực tiếp ra lệnh cho các điệp viên Nga thuộc Cục Tình báo Liên bang (FSB) gây ra cái chết của cựu gián điệp Nga Alexander Litvinenko. Cựu điệp viên của Nga đã qua đời trong BV London vì ngộ độc phóng xạ vào năm 2006. Theo tờ The Guardian, kết quả điều tra của phía Anh khẳng định có nhiều bằng chứng cho thấy thủ phạm gây nên cái chết của Litvinenko chính là hai điệp viên Nga Andrei Lugovoi và Dmitry Kovtun, dưới chỉ thị của FSB.

Tuy nhiên, người chủ trì cuộc điều tra, ông Robert Owen, cũng khẳng định có nhiều bằng chứng cho thấy vụ ám sát Litvinenko đã nhận được sự thông qua của cả cựu lãnh đạo FSB Nikolai Patrushev và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2006. Ông Robert Owen đưa ra kết luận trên sau khi được tiếp cận với một lượng lớn thông tin tình báo mật không thể được phát trực tiếp tại phiên tòa. Bà Marina Litvinenko, vợ của cựu điệp viên Nga quá cố, đã kêu gọi chính phủ Anh cần đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga và cấm những cá nhân có liên quan đến vụ việc được đến Anh, trong đó có ông Putin.

Theo tờ The Guardian, cuộc điều tra cũng phát hiện nhiều tổ chức và cá nhân trong chính phủ Nga có động cơ để thủ tiêu Litvinenko. Một trong các động cơ đó có yếu tố “thù địch cá nhân” giữa Litvinenko và ông Putin. Tuy nhiên, đáp lại kết quả được công bố của cuộc điều tra, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga bình luận: “Chúng tôi rất tiếc khi một vụ án hình sự đã bị chính trị hóa và làm tối đi mối quan hệ song phương giữa hai nước”. Chính quyền Anh cũng đã quyết định đóng băng tài sản của nghi phạm Andrei Lugovoi, tuy nhiên tuyên bố sẽ cân nhắc thêm trước khi đưa ra bất kỳ hình thức trừng phạt nào khác nhằm tránh căng thẳng.

Mới đây, ông Putin còn phải đối diện với cáo buộc tham nhũng. Quyền Thứ trưởng phụ trách về khủng bố và tài chính tình báo Bộ Tài chính Mỹ Adam Szubin tuyên bố Tổng thống Nga Vladimir Putin tham nhũng và chính quyền Mỹ đã biết được vấn đề này đã “nhiều và nhiều năm nay”. “Chúng tôi đã chứng kiến ông Putin làm giàu cho bạn bè, đồng minh thân cận của mình và cho ra rìa những ai mà ông ta không xem là bạn bằng việc sử dụng tài sản nhà nước”.

“Dù là tài sản năng lượng của nước Nga hay là những hợp đồng quốc gia khác, ông Putin đã chỉ định những người mà ông ta tin tưởng phục vụ mình và loại trừ những ai “bất tuân” ông. Ông Putin là “bức tranh của tham nhũng” - ông Szubin cáo buộc. Theo ông Szubin, có lẽ nhà lãnh đạo Nga còn có nhiều tiền hơn so với mức lương của một tổng thống: “Ông ấy có mức lương khoảng 110.000 USD/năm. Đó không phải là thông báo chính xác về tài sản của Putin. Ông ấy từ lâu đã được đào tạo và thực hành cách che giấu tài sản thực sự”.

Những người đã từng trong nội bộ chính quyền Nga nói rằng họ là người nắm rõ tình hình tài chính cá nhân của Tổng thống Putin. Dmitry Skarga, người từng quản lý công ty vận tải thủy Sovcomflot (Nga), nói rằng ông là người giám sát việc chuyển giao chiếc du thuyền trị giá 35 triệu USD tới cho ông Putin. Người này cho hay chiếc du thuyền Olympia dài 57 m là món quà từ nhà tỉ phú đồng thời là chủ tịch CLB bóng đá Chelsea Roman Abramovich dành tặng cho nhà lãnh đạo Nga. Ông này nói thêm chiếc du thuyền Olympia được vận hành và bảo dưỡng bằng kinh phí nhà nước mặc dù chủ sở hữu là ông Putin.

Ngoài ra, Bill Browder, một nhà quản lý quỹ đầu cơ, tuyên bố rằng nhà lãnh đạo Nga nắm trong tay số tài sản là 200 tỉ USD, một số tiền có thể biến ông Putin thành một trong những người giàu nhất thế giới. Browder nói trong cuộc phỏng vấn với CBC News: “Ông ta đã “ăn gian” rất nhiều tiền trong hơn 14 năm qua”. Trước những cáo buộc trên, BBC đã liên hệ với phát ngôn viên của Tổng thống Putin, chính phủ Nga bác bỏ những cáo buộc. Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Putin, nói: “Không có câu hỏi hay vấn đề nào cần phải trả lời bởi chúng hoàn toàn là sự bịa đặt”. Chính phủ Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nhiều quan chức trong Điện Kremlin vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea nhưng không cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có liên quan trực tiếp đến tham nhũng.

Nguồn: Trung Nhân/ Phapluattp.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo