Thế giới

Nhìn lại những biến động và bất đồng của châu Âu năm 2018

Cập nhật lúc 28-12-2018 08:57:39 (GMT+1)
Biểu tình ở Paris 2018. Ảnh: Time magazine.

 

Châu Âu năm 2018 đã trải qua nhiều khó khăn, bất đồng, sự nổi lên của phe cực hữu dân túy...


Nếu như năm 2018 là năm của những sự chia rẽ và bất đồng với những diễn biến ở Trung Đông thì châu Âu cũng đã trải qua một năm đầy khó khăn với cuộc đàm phán chia tay nước Anh, những bất đồng vì chính sách nhập cư, kỷ luật ngân sách trong nội bộ EU, sự thất bại của các đảng chính thống, thì sự nổi lên của phe cực hữu dân túy lại khiến không ít người lo ngại.

Đối với Liên minh châu Âu, năm 2018 tiếp tục là một năm có rất nhiều biến động về chính trị và xã hội, ở cả cấp độ Liên minh lẫn cấp độ quốc gia của từng nước thành viên. Trên quy mô của khối, hồ sơ nóng nhất, mất nhiều công sức và mệt mỏi nhất vẫn là Brexit, khi các cuộc đàm phán từ năm 2017 kéo dài đến tận những ngày cuối cùng của năm 2018 và hiện nay, khi mà thời điểm Brexit chính thức có hiệu lực chỉ là chưa đầy 3 tháng nữa,  tất cả mọi kịch bản đều để ngỏ.

Mặc dù chính phủ Anh và Liên minh châu Âu đã đạt được thoả thuận Brexit nhưng thoả thuận này đã bị hoãn bỏ phiếu tại Hạ viện Anh cho đến giữa tháng 1/2019. Cho đến lúc này, khả năng Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận này vẫn rất cao, tức Brexit hoàn toàn có thể diễn ra trong hỗn loạn.

Tuy nhiên, Brexit không hẳn là nổi bật nhất. Diễn biến đáng chú ý nhất tại châu Âu năm 2018 là sự suy yếu của các chính phủ cầm quyền tại hàng loạt các quốc gia trụ cột của liên minh, từ Đức đến Pháp, Italy, Tây Ban Nha hay Bỉ.

Tại Đức, kỷ nguyên Angela Merkel bắt đầu kết thúc khi bà Merkel không còn giữ chức Chủ tịch đảng Dân chủ Thiên chúa giáo CDU và đã tuyên bố sẽ rút lui sau 3 năm nữa sau các thất bại bầu cử bang của CDU hay CSU, cũng như là các căng thẳng ngày càng gia tăng với các đảng liên minh. Việc bà Merkel suy yếu tại Đức đặt ra rất nhiều dấu hỏi về hướng đi sắp tới của Đức và của cả EU bởi hơn 1 thập kỷ qua thì bà Merkel không chỉ là người đứng đầu nền kinh tế số 1 châu Âu mà trên thực tế, chính là nhà lãnh đạo số 1 của cả khối.

Tiếp đến là tại Pháp, ông Emmanuel Macron đang đối mặt với cuộc khủng hoảng xã hội lớn nhất tại Pháp từ năm 1968 khi phong trào phản kháng “Áo vàng” biến thành bạo loạn và hiện vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Trong lịch sử nền Cộng hoà thứ 5 của Pháp, chưa có vị Tổng thống nào mà vị thế bị thách thức nghiêm trọng chỉ sau hơn 1 năm cầm quyền như ông Macron.

Sự suy yếu đồng thời của cặp Merkel-Macron đã làm bế tắc tất cả các dự án cải tổ tham vọng nhất của châu Âu trong năm qua vì thực tế thì bộ đôi Đức-Pháp là lực đẩy cho mọi bước tiến của EU. Sự suy yếu và bế tắc của bộ đôi này đang đẩy EU vào một khoảng thời gian thiếu vắng một sự lãnh đạo có tầm vóc.

Trong lúc đó thì tại Italy, nền kinh tế số 3 EU, một liên đảng cực hữu và dân tuý lên cầm quyền, giữa đảng của ông Matteo Salvini và đảng “Phong trào 5 sao”. Tại Tây Ban Nha, nền kinh tế số 4 của khối, là sự ra đi bất ngờ của ông Mariano Rajoy và mới đây là tại Bỉ, Thủ tướng Charles Michel, một chính trị gia nổi bật của EU, cũng đã phải từ chức.

Trên phạm vi toàn bộ Liên minh, bất ổn chính trị nội bộ các nước thành viên cũng phổ biến khi một nửa số chính phủ cầm quyền không có được đa số tại các Nghị viện, đồng thời, các đảng cực hữu và dân tuý gia tăng sức nặng chính trị, như tại Italy, Đức, Áo, Đan Mạch, Thuỵ Điển, CH Séc… Đây là các dấu hiệu cảnh báo rất đáng ngại khi chỉ còn 5 tháng nữa là đến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Tất nhiên, không phải mọi thứ đều bi quan. Trong năm 2018, điểm sáng nhất của EU là sự đoàn kết, vững vàng trong hồ sơ Brexit khi thảo thuận Brexit đạt được hầu như mọi yêu sách của khối. Trên khía cạnh ngân sách, dù có chút bất đồng với chính phủ Italy nhưng châu Âu cũng xây dựng được kỷ luật ngân sách chặt chẽ hơn. Liên minh ngân hàng được củng cố và sự tồn tại của khu vực đồng tiền chung eurozone hầu như không còn bị đưa ra tranh luận. Tị nạn cũng không còn là vấn đề nghiêm trọng đe doạ phá vỡ sự đoàn kết của khối. Đó là những điểm tiến bộ, dù còn rất ít.

Hướng đến 2019, Liên minh châu Âu cũng dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, ngay trong những tháng đầu. Trước hết là câu hỏi tiến trình Brexit sẽ đi về đâu sau ngày 30/3/2019. Tiếp đến là bầu cử châu Âu vào tháng 5/2019 với cực kỳ nhiều rủi ro khi mà các đảng dân tuý và cực hữu đang được dự đoán sẽ có số phiếu rất cao. Và một thách thức nữa, đó chính là EU liệu có thể tiếp tục tiến hành các cải tổ cực kỳ tham vọng, như việc lập quân đội chung, ngân sách chung… hay không trong bối cảnh các nhân tố lãnh đạo thì suy yếu mà quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ tiếp tục xấu đi dưới thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump./.

Nguồn: Quang Dũng/VOV-Paris

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo