Thế giới

Nhiều người gốc Á bị đuổi đánh, tấn công ở Australia vì dịch bệnh

Cập nhật lúc 31-05-2020 11:31:00 (GMT+1)
Sophie Do và Rosa Do bỗng bị thiếu niên hung hăng chửi rủa, miệt thị khi đang đi trên phố. Ảnh: SCMP.

 

Sau sự việc hai chị em gốc Việt bị tấn công vì phân biệt chủng tộc, nhiều nạn nhân đã mạnh dạn trình báo các vụ vi phạm tương tự và cùng giúp đỡ lẫn nhau thoát khỏi vấn nạn này.


Sau khi bị thiếu niên da trắng tấn công và chửi rủa là nguồn mang virus, phải mất vài tuần để hai chị em người gốc Việt Sophie Do và Rosa Do cảm thấy thoải mái khi đi dạo trên đường.

Vụ việc xảy ra ở New South Wales vào cuối tháng 3, khi Sophie và Rosa đang đứng chờ để băng qua đường Petersham ở Marrickville thì bị tấn công bởi một thiếu nữ 17 tuổi.

Cô gái này liên tục thóa mạ hai chị em bằng từ ngữ phân biệt chủng tộc liên quan tới dịch Covid-19, đe dọa bằng dao, đá và nhổ nước bọt lên mặt, đánh vào mắt Rosa Do. “Đám người châu Á tụi mày đã mang virus corona đến đây. Cút về ăn dơi tiếp đi”, kẻ tấn công nói trong clip được nạn nhân Sophie Do chia sẻ trên trang cá nhân.

“Khi nghĩ lại, tôi thấy việc nhổ nước bọt lên mặt còn tệ hại hơn việc đấm vào mặt một ai đó vì virus có thể lây truyền qua giọt bắn”, Rosa nói với SCMP. Sau đó, cô phải đến gặp bác sĩ để xét nghiệm không chỉ Covid-19 mà còn cả HIV, Viêm gan B và C.

Nhờ vào sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông, cảnh sát đã nhanh chóng vào cuộc và bắt được kẻ tấn công. Cô gái này bị buộc 6 tội danh, bao gồm hành động bạo lực và dùng lời lẽ xúc phạm, khiếm nhã.

“Tôi rất thất vọng. Làm thế nào điều này có thể xảy ra ngay tại một quốc gia thuộc hàng đầu thế giới, nơi đa văn hóa được chào đón? Mọi người thường mặc định đây là người Trung Quốc khi bắt gặp bất kỳ người châu Á nào. Họ thậm chí còn không xem xét lại người này có phải đến từ Trung Quốc không. Đó là sự phân biệt chủng tộc”, Rosa bày tỏ.

Phân biệt chủng tộc tăng cao do nỗi sợ dịch bệnh

Theo Ủy ban Nhân quyền Australia và tổ chức Liên minh vì cộng đồng người Australia gốc Á, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, hàng trăm cư dân gốc Á trên khắp đất nước đã báo cáo về các vụ việc liên quan đến phân biệt chủng tộc, bao gồm bị tấn công bằng lời nói và thể xác.

Uỷ ban này cho biết số lượng khiếu nại theo Luật phân biệt chủng tộc đã tăng đến mức cao nhất trong 12 tháng vào tháng 2/2020. Mặc dù không nêu rõ số liệu cụ thể nhưng AHRC cũng cho thấy 1/3 các khiếu nại từ đầu tháng 2 có liên quan tới Covid-19.

Nhiều nạn nhân bày tỏ nỗi sợ hãi khi trở lại những nơi công cộng. Ảnh: The New York Times.

Ông Greg Barns SC, phát ngôn viên của Liên đoàn Luật sư Australia, nói rằng những nỗi sợ hãi và chấn thương này cho thấy sự tự do và quyền của nạn nhân đã bị vi phạm.

“Australia bảo vệ rất kém các quyền cơ bản của con người. Không giống như mọi nền dân chủ khác, không có luật nhân quyền được ghi trong hiến pháp hoặc thậm chí là một đạo luật thông thường của quốc hội”, ông nói.

Ở Australia, nơi có dân số châu Á chiếm khoảng 13-14% trong tổng số 25,7 triệu dân, không có luật nhân quyền ở cấp liên bang để đối phó với nạn phân biệt chủng tộc. Điều này không giống như Hoa Kỳ, Canada, New Zealand, Anh và các nước châu Âu khác, nơi có luật pháp quốc gia trừng phạt những kẻ phân biệt chủng tộc như một tội phạm.

Thay vào đó, những nạn nhân ở đất nước này chỉ có thể nhận được lời xin lỗi và đền bù thiệt hại theo luật của tiểu bang và từng khu vực.

Chính phủ cần phải cứng rắn hơn

Tim Usman, một nạn nhân khác của phân biệt chủng tộc, hiện là giáo viên dạy lái xe người Australia gốc Trung, đồng ý với quan điểm của của Barns.

“Phải có một điều luật cho vấn đề này bởi mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Phân biệt chủng tộc phải được coi như một tội phạm hình sự như tất cả mọi vi phạm pháp luật khác, nếu không người gốc Á sẽ không thoát khỏi nó. Tôi rất tức giận vì những câu hỏi phân biệt chủng tộc liên quan đến danh tính của tôi”, Tim Usman chia sẻ.

Barns và một số nhà lãnh đạo cộng đồng cùng các nhóm hỗ trợ trên khắp xứ sở chuột túi đang kêu gọi một chiến dịch chống phân biệt chủng tộc. Đã có một vài sự kiện như vậy được tổ chức ở nước này, chiến dịch cuối cùng là “Racism. It Stops With Me”, bắt đầu từ năm 2012 và kết thúc vào năm 2018.

Tim Soutphommasane, cựu giám sát chiến dịch và hiện là giáo sư tại Đại học Sydney, cho hay “Racism. It Stops With Me” đã có hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức để chống lại định kiến ​​về chủng tộc nhưng nó không thể tiếp tục vì chính phủ từ chối tiếp tục tài trợ.

Trước những lời cáo buộc ngày càng tăng và sự thúc đẩy của các tổ chức, người dân, chính phủ và cơ quan nhân quyền nước này cho biết họ đang thực hiện trách nhiệm của mình. Ảnh: ABC.

“Kể từ khi đại dịch bùng nổ, chúng tôi đã nghe nói về hàng nghìn hành vi phân biệt chủng tộc nhắm vào người gốc Á”, ông Mohammad Al-Khafaji, giám đốc điều hành của Liên đoàn các cộng đồng dân tộc Australia (Fecca) cho biết.

Thủ tướng Scott Morrison và các nhà lãnh đạo liên bang cũng có lên án về những vụ phân biệt chủng tộc, nhưng phải đến khi một số vụ được báo chí đưa tin, ông Morrison mới có hành động kiên quyết hơn.

Nạn nhân tự bảo vệ mình

Bên cạnh nỗ lực của chính phủ và các tổ chức khác, những người châu Á ở Australia đã chủ động hơn trong việc trình báo các vụ vi phạm vào đầu tháng 4, khuyến khích mọi người hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Trong một cuộc khảo sát với khoảng 240 người trình báo vi phạm, hơn 80% cho biết họ từng trải qua nạn phân biệt chủng tộc ở những nơi công cộng. Các hình thức tấn công bao gồm dùng những lời sỉ vả như ăn thịt dơi và chó, bạo lực, bị nhổ hoặc hắt hơi vào cơ thể và tẩy chay khỏi các nhóm chung.

Các nạn nhân chủ động hơn trong việc trình bày. Nhiều chiến dịch được thành lập để bảo vệ người châu Á ở phương Tây. Ảnh: PBS.

Vào tháng 2, một kế toán gốc Hoa tên là James Lin đã bị nhóm người da trắng bàn tán về mình khi đang đi trên một chuyến tàu để trở về nhà. Họ cho rằng chắc chắn anh đã nhiễm virus vì “rõ ràng trông anh ta chẳng giống người Australia”. Những hành khách khác cũng hùa theo cười nhạo anh nhưng có một phụ nữ bản địa khoảng 50 tuổi đã đứng lên bảo vệ anh.

“Tôi cảm thấy hoàn toàn bị xúc phạm. Những lời lẽ cay nghiệt này sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn và sức khỏe tâm lý của một người. Điều đó sẽ trở thành chấn thương cho nạn nhân”, James Lin nói với SCMP.

Lin cho rằng không phải hầu hết người Australia đều phân biệt chủng tộc nhưng yêu cầu chính phủ cần có lập trường cứng rắn hơn.

“Tôi đóng thuế và có đóng góp cho đất nước này. Nhưng có vẻ lời nói của tôi không có trọng lượng như những người sinh ra ở đây. Người Australia gốc Trung chỉ chiếm 5% trong tổng số quyền bầu cử của quốc gia, đó là lý do tại sao các chính trị gia không quan tâm đến họ”, Lin bày tỏ.

Liên minh vì cộng đồng người Australia gốc Á cho rằng sự thay đổi thế hệ có thể mang lại một bước ngoặt mới khi số người gốc Á tăng lên và mọi người trở nên tự tin hơn khi nói ra gốc gác của mình.

“Mặc dù phân biệt chủng tộc liên quan đến Covid-19 không phải là nguyên nhân cốt lõi của vấn nạn này, nhưng nó đã mang lại sự can đảm cho người châu Á và thúc đẩy họ chống lại nó”, người ủng hộ Liên minh vì cộng đồng người Australia gốc Á Erin Chew, chia sẻ.

Nguồn: Thảo Ngân/ Zing.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo