Thế giới

Nhiều người châu Âu lo sợ mất tất cả

Cập nhật lúc 06-09-2022 15:03:12 (GMT+1)
Khoảng 70.000 người dân Cộng hoà Czech xuống đường biểu tình giữa lúc giá năng lượng tăng cao. Ảnh: AP.

 

Một số quốc gia châu Âu đã công bố các gói cứu trợ trị giá hàng chục tỷ USD nhằm đối phó với nguy cơ khủng hoảng năng lượng khi mùa đông cận kề và giảm rủi ro bất ổn chính trị.


Cuộc khủng hoảng năng lượng kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát đã đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia châu Âu, đồng thời khiến chính phủ các nước lo ngại về nguy cơ bất ổn chính trị, theo New York Times.

Trong khi nỗ lực từng bước thoát khỏi phụ thuộc năng lượng Nga, chính phủ các quốc gia châu Âu cũng tung ra nhiều biện pháp hỗ trợ người dân sau khi Nga bất ngờ đóng đường ống dẫn khí đốt và các cuộc biểu tình nổ ra tại nhiều quốc gia do chi phí năng lượng cao.

Tuần trước, một số quốc gia đã công bố gói trợ cấp trị giá hàng chục tỷ USD nhằm giảm lạm phát. Ngay sau đó, các bộ trưởng của Liên minh châu Âu (EU) cũng lên kế hoạch cho một cuộc họp khẩn cấp vào tuần này.

Khủng hoảng năng lượng

Hôm 4/9, Đức, Thụy Điển và Cộng hoà Czech lần lượt công bố kế hoạch hỗ trợ mới nhằm giúp người dân ứng phó với tình trạng chi phí năng lượng và lạm phát tăng cao. Tình trạng này nổi lên sau khi Nga mở chiến sự tại Ukraine và các quốc gia phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Nga để đáp trả.

Cụ thể, chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố gói cứu trợ lớn nhất trị giá 65 tỷ euro (khoảng 64,7 tỷ USD) hôm 3/9.

Động thái của Berlin diễn ra chỉ hai ngày sau khi Gazprom - công ty độc quyền kiểm soát xuất khẩu khí đốt Nga qua Nord Stream 1 - hôm 2/9 cho biết họ không thể khởi động lại dòng chảy một cách an toàn và sẽ đóng đường ống khí đốt vô thời hạn cho đến khi khắc phục sự cố rò rỉ dầu trong một tuabin quan trọng.

Hôm 2/9, các quan chức châu Âu cáo buộc động thái này của Nga nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Cùng ngày, các bộ trưởng tài chính G7 nhất trí áp mức giá trần đối với dầu thô và sản phẩm dầu mỏ có xuất xứ từ Nga nhằm giảm thiểu doanh thu, trong khi vẫn hạn chế tác động của xung đột tới giá cả năng lượng toàn cầu, theo tuyên bố chung.

“Nga không còn là đối tác năng lượng đáng tin cậy nữa”, ông Scholz chia sẻ trong bài phát biểu tại Berlin hôm 4/9.

Thủ tướng Đức cho biết nước này đang phải hứng chịu những hậu quả từ chiến sự của Nga tại Ukraine. Đức là nước đối mặt với rủi ro cao nhất khi Nga cắt giảm nguồn cung.

Đồng thời, nền kinh tế nước này bị đánh giá là sẽ chìm sâu trong suy thoái nếu bị cắt khí đốt hoàn toàn.

Bất ổn chính trị

Không chỉ Đức, nhiều nước ở châu Âu cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro.

Tại Cộng hoà Czech, khoảng 70.000 người đã tham gia biểu tình nhằm kêu gọi liên minh cầm quyền ở Cộng hoà Czech hành động quyết liệt hơn nữa để kiểm soát giá năng lượng tăng cao.

Cuộc biểu tình diễn ra một ngày sau khi chính phủ nước này vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với cáo buộc không hành động trước tình hình lạm phát và giá năng lượng tăng cao.

Các cuộc biểu tình trên đã khiến cho những nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại khủng hoảng năng lượng cùng với lạm phát tăng vọt sẽ dẫn tới bất ổn chính trị.

Nhiều gia đình tại châu Âu đã không còn đủ khả năng để trang trải cuộc sống và lo lắng không thể chi trả cho các hóa đơn năng lượng khi mùa đông đang đến gần.

Những ảnh hưởng kinh tế do chiến sự tại Ukraine đã khiến một số người dân châu Âu nghĩ tới việc “tạm ngừng” việc ủng hộ Kyiv.

Anh James Allcock, 36 tuổi, chủ một quán rượu tại Beverly, miền Đông nước Anh, lo sợ bản thân sẽ mất tất cả nếu không nhận được sự trợ giúp từ chính phủ trong hai đến ba tuần tới.

Anh Allock cho rằng việc châu Âu ủng hộ Ukraine và những nỗ lực thoát phụ thuộc khí đốt của Nga là điều đúng đắn. Tuy nhiên, anh nói trước tiên phải giải quyết được vấn đề chi phí tăng vọt.

Vào hôm 4/9, bà Liz Truss, người đã trở thành thủ tướng Anh một ngày sau đó, cam kết sẽ “hành động ngay lập tức” hạ giá năng lượng đang tăng phi mã nếu đắc cử.

Chính quyền Thụy Điển đã công bố kế hoạch cung cấp 23 tỷ USD đảm bảo thanh khoản cho các công ty điện lực nhằm ngăn chặn các yêu cầu ký quỹ đang gia tăng từ các công ty hoạt động bấp bênh.

Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Mikael Damberg nhận định sự hỗ trợ này sẽ giúp các công ty điện lực thoát khỏi cảnh phá sản.

Trợ giúp Ukraine

Chiến sự tại Ukraine cũng khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là Đức, phải hành động nhanh chóng để thoát phụ thuộc khỏi năng lượng của Nga. Chỉ trong năm nay, Đức đã giảm phụ thuộc đốt Nga từ 55% xuống còn khoảng 10%.

Hiện Đức đang có sự chuẩn bị khá tốt cho mùa đông năm nay khi lượng dự trữ khí đốt đạt hơn 80% và một số biện pháp hỗ trợ đang dần được thực hiện. Tuy nhiên, tình trạng lạm phát tại nước này vẫn tăng cao, gần 8% trong tháng 8, mức cao kỷ lục trong bốn thập kỷ.

Nhiều người dân tại châu Âu đã bắt đầu lo lắng sự ủng hộ của người dân có thể chống lại các chính phủ ủng hộ Ukraine khi chi phí kinh tế hỗ trợ cho Ukraine quá cao.

Các nước thành viên EU tích cực dự trữ khí đốt cho mùa đông năm nay khi dòng chảy Nord Stream 1 bị tạm ngừng. Ảnh: Reuters.

Trong bài phỏng vấn với BBC, bà Olena Zelenska, phu nhân Tổng thống Ukraine, bày tỏ sự cảm thông đối với những quốc gia châu Âu đang phải chịu giá năng lượng cao. Tuy nhiên, bà thúc giục phương Tây nên cân nhắc đến đến chiến sự đang diễn ra tại Ukraine.

“Tôi hiểu được tình hình đang rất khó khăn. Giá cả tại Ukraine cũng đang tăng vọt. Tuy nhiên, người dân Ukraine đang gặp khó”, bà Zelenska chia sẻ với BBC.

Dù những lo ngại về rủi ro kinh tế, EU vẫn không hề lùi bước trong những kế hoạch áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Hôm 4/9, Tổng thống Ukraine cho biết đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von Der Leyen, để phối hợp ngăn chặn Nga thu lời từ hoạt động bán dầu và khí đốt.

Hương Vũ
Nguồn: zingnews.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo