Thế giới

Nguy cơ xung đột khi Trung Quốc dừng đối thoại quân sự với Mỹ

Cập nhật lúc 12-08-2022 14:58:41 (GMT+1)
Một sự kiện trao đổi giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ tại Nam Kinh (Trung Quốc), tháng 11/2018. Ảnh: Reuters.

 

Nguy cơ đụng độ quân sự bất ngờ giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng sau khi Bắc Kinh quyết định dừng các cơ chế đối thoại quân sự để đáp trả chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan.


Các cuộc đối thoại quân sự được coi là một trong những kênh tương tác chủ yếu giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai quốc gia này tiếp tục “nóng”.

“Hoàn toàn có nguy cơ nổ súng bất ngờ”, ông Tống Trung Bình, chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại Hong Kong, nhận định với South China Morning Post. “Quan hệ Trung - Mỹ sẽ tiếp tục xấu đi. Căng thẳng sẽ kéo dài. Vụ việc này chỉ là động thái đầu tiên”, ông nói thêm.

Trung Quốc cứng rắn

Politico hôm 5/8 dẫn các nguồn tin thông thạo sự việc cho biết các quan chức quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc đã không bắt máy khi nhận cuộc gọi của những người đồng cấp Mỹ - bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley.

Cũng trong ngày 5/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố hủy bỏ ba cơ chế đối thoại quốc phòng song phương với Mỹ như động thái đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan trong các ngày 2-3/8.

Các kênh đối thoại phải tạm dừng bao gồm nhóm công tác của Bộ Quốc phòng hai nước, liên lạc giữa lãnh đạo cấp chiến khu và cơ chế tham vấn an toàn quân sự trên biển, Tân Hoa xã đưa tin.

Trước chuyến thăm của bà Pelosi, các quan chức quốc phòng Trung - Mỹ vẫn đối thoại thường xuyên để hạ nhiệt căng thẳng và ngăn ngừa xung đột.

Trong một cuộc điện đàm hồi tháng 7, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Lý Tác Thành nói với người đồng cấp Mỹ Mark Milley rằng hai lực lượng vũ trang cần tôn trọng lẫn nhau và kiểm soát các rủi ro.

Trong khi đó, ông Milley nhận định việc quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm và giữ các kênh liên lạc là điều quan trọng.

Bình luận về tuyên bố ngừng các kênh hợp tác của Trung Quốc hôm 5/8, ông John Kirby, lãnh đạo bộ phận liên lạc chiến lược trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng quan chức quân sự cấp cao hai bên chưa mất hoàn toàn cơ hội đối thoại, nhưng nguy cơ xảy ra sự cố đã gia tăng.

“Các kênh liên lạc thực chất rất quan trọng, giúp giảm nguy cơ tính toán sai lầm hoặc nhận thức sai lệch”, ông nói. “Nhiều trang thiết bị quân sự hiện hoạt động trong một khu vực bó hẹp. Do đó, việc giữ các kênh liên lạc mở là điều tốt, đặc biệt là lúc này”.

“Chúng tôi cho rằng việc đóng các kênh liên lạc quân sự trong thời điểm khủng hoảng - ở bất cứ cấp độ và phạm vi nào - là hành động vô trách nhiệm”, vị quan chức tuyên bố.

Theo giáo sư Nghê Lạc Hùng tại Đại học Chính pháp Thượng Hải, các cuộc đối thoại giữa quan chức quốc phòng cấp cao hai bên vẫn sẽ được tiếp tục. Dù vậy, tuyên bố hôm 5/8 của Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã chuẩn bị cho cuộc đối đầu kéo dài.

“Mục đích của việc đình chỉ là chứng tỏ quân đội sẽ không quy phục. Động thái này gửi đi thông điệp: ‘Chúng tôi không sợ các ngài. Chúng tôi đã chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh quân sự và luôn sẵn sàng chấp nhận các thách thức về quân sự’”, ông Nghê nói.

Nhu cầu đối thoại

Trong những năm qua, quân đội Mỹ và Trung Quốc đã một số lần chạm trán trên biển và trên không ở biển Hoa Đông và Biển Đông, gây ra quan ngại leo thang căng thẳng.

Tháng 10/2018, một tàu khu trục của Trung Quốc di chuyển cách tàu USS Decatur của hải quân Mỹ chỉ 41 m và suýt gây ra va chạm trên Biển Đông. Tháng 3 vừa qua, không quân Mỹ tuyên bố máy bay chiến đấu F-35 của nước này từng chạm mặt máy bay J-20 của Trung Quốc ở biển Hoa Đông.

 

Chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan thúc đẩy Trung Quốc dừng nhiều kênh hợp tác với Mỹ, bao gồm cả hợp tác quốc phòng. Ảnh: AFP.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng tiến hành các “hoạt động tự do hàng hải” (FONOP) gần các thực thể trên Biển Đông - với hai hoạt động gần nhất diễn ra hồi giữa tháng 7.

Nhà nghiên cứu Collin Koh tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược (IDSS - Singapore) cho rằng việc thiếu vắng các kênh đối thoại và các cơ chế xây dựng lòng tin khác sẽ khiến nguy cơ leo thang tăng lên, trong khi cơ hội giảm leo thang mất đi.

“Với việc căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ về Đài Loan sẽ tiếp tục tồn tại sau các sự việc tuần qua, nguy cơ sẽ là việc các cơ chế trên sẽ tiếp tục bị hoãn trong một thời gian”, ông nói. “Trung Quốc đã đưa ra các yêu cầu mới. Trong khi đó, Mỹ ít khả năng Mỹ lật ngược những gì họ đã làm với Đài Loan”.

Tuy vậy, ông nhận định nguy cơ lớn hơn là khả năng căng thẳng liên quan đến Đài Loan khoét thêm hố sâu ngăn cách giữa Trung Quốc và Mỹ - đều có thể tác động tới tình hình Biển Đông.

Trong khi đó, ông Nghê chỉ ra một số cơ chế kiềm chế xung đột từ trước chuyến thăm của bà Pelosi vẫn còn hiệu lực. “Các cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vẫn sẽ tiếp tục”, ông nhận định.

“Các thỏa thuận quản lý và kiểm soát nên được tiếp tục. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập đến việc hủy bỏ các thỏa thuận này. Tuyên bố chỉ nói rằng hai bên không gặp nhau để thảo luận về các vấn đề nữa”, vị chuyên gia nhận xét.

Việt Hà
Nguồn: zingnews.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo