Thế giới

Người Mỹ hứng hậu quả Covid-19 vì 'sổ lồng' sớm

Cập nhật lúc 23-09-2021 15:52:20 (GMT+1)
Người Mỹ tụ tập trong một cuộc thi ăn xúc xích ở New York hôm 31/5. Ảnh: Reuters.

 

Đầu mùa hè, nhiều người Mỹ thoải mái tụ tập, hội hè, tin sóng Covid-19 tồi tệ đã qua. Giờ đây, nCoV tấn công 71 triệu người chưa tiêm chủng.


Mỹ từng ghi nhận 3.000 người chết vì Covid-19 mỗi ngày hồi cuối năm ngoái, khi hầu như chưa ai được tiêm chủng. Hiện nay, gần 64% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, nhưng số ca tử vong trung bình mỗi ngày đã tăng 40% trong vòng hai tuần qua, từ 1.387 lên 1.947, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.

Đây là lần đầu tiên số ca tử vong trung bình tại Mỹ tăng lên mức hơn 1.900 một ngày kể từ đầu tháng 3. Theo các chuyên gia y tế, phần lớn ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 đều chưa được tiêm chủng. Một số người đã tiêm vẫn nhiễm virus, hay còn gọi là ca nhiễm đột phá, nhưng họ có xu hướng bị nhẹ.

Các chuyên gia y tế cho rằng đây là cái giá mà người Mỹ đang phải trả khi "sổ lồng" quá sớm, trong lúc độ phủ vaccine chưa đạt được như kỳ vọng. Dù vẫn còn hàng chục triệu người chưa tiêm chủng, các doanh nghiệp Mỹ đã vội vàng nối lại hoạt động, trẻ em dần trở lại trường học và các sân vận động chật kín khán giả.

Hầu hết thống đốc các bang thuộc cả hai đảng đều không yêu cầu đeo khẩu trang. Một số bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo thậm chí ngăn giới chức địa phương áp dụng quy định phòng dịch riêng.

"Tôi muốn tránh áp đặt các quy định bằng mọi giá", Thống đốc Kansas Laura Kelly, thành viên đảng Dân chủ, đề cập đến việc đeo khẩu trang và những biện pháp hạn chế khác, bất chấp thực tế là bang này ghi nhận số ca nhiễm nCoV tăng mạnh từ đầu tháng 7.

Tuy nhiên, tới đầu tháng 9, số ca nhiễm mới trung bình tại Mỹ đã lên đến hơn 160.000 và khoảng 100.000 bệnh nhân Covid-19 nhập viện trên toàn quốc mỗi ngày, khiến các bệnh viện lại tràn ngập bệnh nhân và đội ngũ nhân viên y tế một lần nữa đối mặt áp lực nặng nề.

Tại bang Bắc Dakota, nhân viên y tế được yêu cầu làm tăng ca, dù nhiều người đã kiệt sức sau thời gian dài chống dịch. Tại Wyoming, Thống đốc Mark Gordon phải điều động lực lượng Vệ binh Quốc gia hỗ trợ các bệnh viện. Ở bang Oklahoma, Bennett Geister, giám đốc điều hành bệnh viện Hillcrest South ở thành phố Tulsa, cho biết số ca tử vong tại đây đang ở mức cao chưa từng thấy.

Nhiều viên chức ở Kansas đã buộc phải quay lại với hình thức làm việc từ xa. Tại Arizona, bang áp dụng lệnh cấm bắt buộc đeo khẩu trang, hàng nghìn học sinh và giáo viên phải cách ly, trong khi các trường đại học ở Virginia và Texas chuyển sang dạy trực tuyến. Tình hình phức tạp cũng thúc đẩy Thống đốc Hawaii David Ige kêu gọi du khách ngừng đến.

"Cảm giác như trước khi thực sự được nghỉ ngơi và suy nghĩ về việc trở lại cuộc sống bình thường, bạn lại bị đẩy vào trận chiến", tiến sĩ Michael LeBeau, lãnh đạo bệnh viện Sanford Health ở thành phố Bismarck, bang Bắc Dakota, cho hay.

"Điều trớ trêu là tình hình hồi tháng 5 và phần lớn tháng 6 tốt đẹp đến mức tất cả mọi người, kể cả tôi, đều ngỡ rằng ác mộng đã chấm dứt. Chúng tôi lại bắt đầu tận hưởng cuộc sống. Nhưng trong vòng vài tuần ngắn ngủi, mọi thứ đều sụp đổ", tiến sĩ John Swartzberg, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học California ở Berkeley, cho biết.

Sự xuất hiện của biến chủng Delta và chiến dịch tiêm chủng không đạt mức kỳ vọng, khi nhiều người Mỹ từ chối tiêm vaccine, được cho là đã dập tắt hy vọng trở lại cuộc sống bình thường. Khoảng 71 triệu người Mỹ vẫn chưa tiêm dù đủ điều kiện, khiến chính quyền của Tổng thống Joe Biden chưa thể đạt được mục tiêu 70% dân số tiêm chủng đầy đủ.

Tới nay, 64% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một liều và 55% được tiêm đầy đủ.

Mike Limon, nông dân 65 tuổi tại bang Kansas, nằm trong số những người quyết định không tiêm vaccine do lo ngại phản ứng bất lợi, dù điều này đã được chứng minh là vô cùng hiếm. Với niềm tin đại dịch đã bị đánh bại khi nhiều người khác tiêm vaccine, Limon trở lại làm việc. Ông qua đời tuần trước sau khi nhiễm nCoV.

Tiến sĩ William Moss thuộc Đại học Johns Hopkins giải thích rằng ở nhiều cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, tỷ lệ người mắc các bệnh như béo phì và tiểu đường lại rất cao. Sự kết hợp này đã gây ra hậu quả vô cùng thảm khốc khi chủng Delta tấn công.

"Tôi nghĩ đây là thất bại thực sự của xã hội và là lỗi nghiêm trọng nhất của chúng ta, khi để các bệnh viện và phòng điều trị tích cực quá tải, cùng số người chết mỗi ngày tăng cao đến vậy ở giai đoạn này", Moss nêu ý kiến.

Sự hoành hành của chủng Delta, đi kèm các biện pháp hạn chế được tái áp đặt, khiến nhiều dân Mỹ cảm thấy tức giận và thất vọng, đặc biệt là những người đã tiêm chủng với mong muốn trở lại các hoạt động như trước đại dịch. "Chúng tôi vẫn sống như thể chưa tiêm", Stacey Hopkins, nhà tổ chức cộng đồng đã được tiêm vaccine Covid-19 ở thành phố Atlanta, bang Georgia, phàn nàn.

"Tôi ghét đeo khẩu trang. Tôi nghĩ mọi người nên được phép đi lại tự do mà không cần khẩu trang nếu muốn. Tôi đã được tiêm chủng và vẫn ổn", Sabastien Pavese, điều phối viên giao thông ở thành phố Portland, bang Oregon, cho biết. Chính quyền bang này yêu cầu đeo khẩu trang trong các buổi tụ tập đông người, kể cả ngoài trời.

Mặc dù những người đã được tiêm chủng đầy đủ ít có nguy cơ nhiễm nCoV hoặc phải nhập viện hơn nhiều so với người chưa tiêm, giới chức liên bang cảnh báo họ vẫn có thể lây virus cho người khác nếu bị nhiễm.

Nhân viên y tế kiểm tra bệnh nhân Covid-19 trong phòng điều trị tích cực tại một bệnh viện ở thành phố Boise, bang Idaho, Mỹ, hôm 31/8. Ảnh: AP.

Các nhà dịch tễ học đánh giá tình hình Covid-19 hiện nay tại Mỹ khá phức tạp, chủ yếu do tâm lý bài xích vaccine, khiến quá trình mở cửa trở nên khó khăn. Trong khi đó, ở nhiều nước khác, "ngày tự do" đến một cách nhẹ nhàng hơn và cung cấp cái nhìn đa chiều hơn cho thế giới về một tương lai sống chung với đại dịch.

Anh cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh trở lại sau "ngày tự do", khi nước này dỡ bỏ gần như toàn bộ biện pháp hạn chế ngăn Covid-19. Tuy nhiên, với hơn 68% dân số trưởng thành đã được tiêm vaccine đầy đủ, các mô hình đều cho thấy tỷ lệ nhập viện, trở nặng và tử vong vẫn thấp hơn đáng kể so với thời kỳ đỉnh dịch trước đây. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Israel, nơi khoảng 62% dân số đã tiêm đủ liều vaccine.

Người dân tại Đan Mạch, quốc gia tuyên bố Covid-19 "không còn là mối đe dọa nghiêm trọng với xã hội", về cơ bản đã trở lại cuộc sống bình thường như trước đại dịch, với 75% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke vẫn cảnh báo cần thận trọng, cho biết "chính phủ sẽ không ngần ngại hành động nhanh chóng nếu đại dịch một lần nữa đe dọa xã hội".

Ấn Độ, đất nước phải trải qua làn sóng đại dịch thứ hai thảm khốc, cũng đang trong quá trình tái mở cửa nhờ chiến dịch tiêm chủng được tăng tốc đáng kể. Khoảng 45% dân số nước này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 và 15% được tiêm đầy đủ. Dù số ca nhiễm vẫn ở mức cao, nhiều chuyên gia nhận định bất cứ đợt bùng phát mới nào ở Ấn Độ cũng sẽ bớt chết chóc hơn, dựa trên ước tính khoảng 2/3 dân số đã có kháng thể nhờ tiêm chủng hoặc từng nhiễm virus.

Giới chuyên gia cho rằng với bản chất khó lường của Covid-19, sẽ không có biện pháp giải quyết đại dịch ngay lập tức và không rõ đâu sẽ là làn sóng cuối cùng. Tuy nhiên, với việc ngày càng nhiều địa phương tại Mỹ yêu cầu đeo khẩu trang và thêm nhiều người dân quyết định tiêm chủng, giới chuyên gia hy vọng tình hình sẽ tích cực trở lại như khi mùa hè bắt đầu.

"Tôi hy vọng vào tháng 3 năm sau, câu chuyện của chúng ta sẽ rất khác, khi chúng ta đã vượt qua đại dịch", Cory Mason, thị trưởng thành phố Racine thuộc bang Wisconsin, nơi đã nối lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang, cho hay.

Ánh Ngọc (Theo NY Times, AP)
Nguồn: vnexpress.net

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo