Thế giới

Người di cư và thỏa thuận mạo hiểm của châu Âu

Cập nhật lúc 27-11-2015 13:51:11 (GMT+1)
Người di cư đang ngập tràn khắp châu Âu

 

Trong khi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã thách thức tương lai của liên minh này, nó vẫn chưa phá hủy liên minh. Giờ đây, với cuộc di cư vĩ đại, châu Âu phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thậm chí còn lớn hơn – một cuộc khủng hoảng với những tác động sâu sắc đối với văn hóa và kinh tế của châu lục. Vấn đề người di cư giờ đây giống như một canh bạc mạo hiểm của châu Âu.


Thách thức và lợi ích

Quyết định của Đức tiếp nhận hàng trăm nghìn người nhập cư đã đem lại những thách thức khổng lồ, và cả những lợi ích. Tăng trưởng kinh tế về cơ bản là năng suất kết hợp với nhân công – khi các con số cho hai yếu tố này tăng lên đều đặn, các quốc gia sẽ trở nên thịnh vượng. Châu Âu, vốn đã vật lộn để đạt được thậm chí 1 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế mỗi năm, đang không làm tốt ở cả hai mặt trận. Châu lục này có tỷ lệ sinh vào hàng thấp nhất thế giới. Tại Đức, động cơ kinh tế của châu Âu, dân số được dự báo sẽ giảm từ mức 81,3 triệu người hiện nay xuống còn 70,8 triệu người vào năm 2060. Nếu không được kiềm chế, xu hướng này sẽ tàn phá phúc lợi và tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Đức. Các nước khác như Pháp và Tây Ban Nha cũng ở tình thế khó khăn tương tự. Khi xét tới việc phụ nữ tại các nước giàu thường có ít con cái hơn, cách duy nhất để đạt được nhân khẩu học tốt hơn là nhập cư.

 Thế nhưng ý tưởng người di cư có thể đem lại lợi ích kinh tế lâu dài lại đang bị phản đối quyết liệt bởi các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy trên khắp châu Âu, những người đang cố gắng làm hài lòng các cử tri ngày càng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa sau cuộc khủng hoảng tài chính. Ví dụ, chính trị gia cực hữu Marine Le Pen của Pháp mới đây đã miêu tả thách thức này theo cách sau: “Đức có lẽ nghĩ rằng dân số của họ đang suy giảm, và nước này có lẽ đang tìm cách hạ thấp lương và tiếp tục tuyển người lao động thông qua nhập cư trên quy mô lớn”.

 Nhưng lịch sử đầy vấn đề của Đức thực ra mới là lý do chính cho việc nước này có một trong số các chính sách tị nạn tự do nhất. Đại sứ Đức tại Mỹ, Peter Wittig, cho biết: “Chúng tôi đã tạo ra điều kiện hội nhập cho rất nhiều người di cư trong quá khứ, và luật pháp của chúng tôi là một di sản của điều này”. Quả thực, các nhà lãnh đạo Đức đã thực hiện bước đi gây tranh cãi là đình chỉ Luật Dublin, một đạo luật của EU quy định rằng những người xin tị nạn phải ở lại quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân tới, tạo điều kiện cho người di cư tiếp tục hành trình từ các quốc gia cửa khẩu như Hy Lạp tới Đức, nơi họ có nhiều khả năng tìm được việc làm hơn.

 Người Đức bị chỉ trích vì đã tạo ra “rủi ro đạo đức,” có khả năng khuyến khích thêm nhiều người hơn nữa tham gia hành trình di cư và cũng vì đã kêu gọi các quốc gia khác chia sẻ gánh nặng nhà ở, giáo dục và đào tạo cho người di cư. Hành động sau cũng phản ánh mong muốn của Đức muốn đưa vấn đề di cư thành một vấn về chung của toàn EU. Wittig cho biết: “Đây là một phép thử chính trị khổng lồ đối với tình đoàn kết của châu Âu.”

 Thách thức là thuyết phục các quốc gia EU khác chấp nhận rằng người di cư, đặc biệt là những người đến từ các nền văn hóa không thuộc châu Âu, có thể là một điều gì đó có ích hơn là một gánh nặng kinh tế và xã hội. Bất chấp rất nhiều dữ liệu cho thấy di cư toàn cầu là một yếu tố tích cực có thực về kinh tế, nhập cư thường là một vấn đề mang nhiều cảm xúc hơn là dựa trên lý trí – một vấn đề nơi các nền văn hóa xung đột, đôi khi mãnh liệt, với thực tế kinh tế.

 Bức tranh được vẽ nên bởi những người phản đối di cư cho thấy một đám người tị nạn nhìn chung không có kỹ năng, làm tăng chi phí an sinh xã hội và hạ thấp mức lương bằng cách làm việc với mức lương thấp hơn so với các công dân bản địa được trả lương cao hơn trong lực lượng lao động. Điều đầu tiên có thể đúng trong ngắn hạn; Đức đã phải thuê thêm 3.000 nhân viên cảnh sát để ứng phó với những người di cư mới tới. Nước này cũng đã dành ra 6,7 tỷ USD để chăm sóc cho dòng người tràn vào, bao gồm nơi ở, các lớp học ngôn ngữ miễn phí, giáo dục và đào tạo việc làm cho tất cả những người di cư ở lại. Theo Wittig, kinh nghiệm với các nhóm như người lao động di cư Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm 1960 (những người không được hưởng những lợi ích như vậy) cho thấy điều này là cần thiết cho sự hội nhập thành công.

Nhưng có rất ít, nếu không muốn nói là không có bằng chứng cho thấy di cư tạo ra một cuộc đua kinh tế xuống đáy. Có rất ít nghiên cứu về tác động kinh tế của di cư đối với châu Âu lục địa, trên thực tế phần lớn là do cho tới gần đây người di cư mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong dân số của các quốc gia châu Âu chính. Nhưng nghiên cứu tại Mỹ và Anh cho thấy người di cư không lấy đi việc làm của lao động địa phương vì họ thường làm các công việc ở đáy thang kinh tế. Điều này tạo điều kiện cho người bản địa đảm nhận các công việc ở cấp độ cao hơn. 

Một thỏa thuận yếu ớt

 Vào ngày 22/9, đa số các bộ trưởng của EU đã bỏ phiếu thông qua một thỏa thuận về cuộc khủng hoảng di cư, một thỏa thuận làm dấy lên nhiều câu hỏi hơn là trả lời được. Kế hoạch này sẽ tái định cư 120.000 người tị nạn, cam kết dành nhiều tiền hơn để viện trợ nhân đạo cho những người vẫn đang sống trong các trại tị nạn tại Bắc Phi và Trung Đông khiến các điều kiện tại đó có thể chấp nhận được hơn – và ngăn cản sự di chuyển hướng tới châu Âu. Để dỗ dành những cử tri hoài nghi tại quê nhà, các bộ trưởng cũng hứa hẹn thắt chặt biên giới dễ xâm nhập của EU. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo cam kết làm nhiều hơn để ổn định Syria, có lẽ là thông qua một sự kết hợp giữa áp lực quân sự và ngoại giao.

 Đây là một thỏa thuận có nhiều thiếu sót. 120.000 người tị nạn trong kế hoạch chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số người sẽ tới châu Âu trong những tháng tiếp theo. Cải thiện đời sống tại các trại tập trung ở Trung Đông là một bước đi tích cực đối với người tị nạn sống trong các trại này và những người điều hành chúng, nhưng đây không phải là một giải pháp lâu dài cho bất cứ điều gì. Không có một kế hoạch đáng tin cậy và hợp lý về mặt chi phí nào có thể đảm bảo an ninh biên giới xung quanh các hòn đảo của Hy Lạp hay tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc không kích của Nga tại Syria đã tạo ra một tình thế an ninh khó khăn càng trở nên phức tạp và nguy hiểm. Và nếu NATO và các nhà ngoại giao phương Tây có thể ổn định tình hình tại Syria, thì họ đã làm điều đó rồi.

Dự án lớn hơn của châu Âu phụ thuộc vào sự đồng thuận giữa các nước thành viên EU. Thỏa thuận này làm lộ rõ những chia rẽ đang nới rộng về cuộc khủng hoảng di cư, khi nhiều chính phủ Đông Âu phản đối quyết liệt thỏa thuận này. Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã nói rằng ông sẽ không thực hiện thỏa thuận. Cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta, tuy không lạc quan, vẫn cho rằng các nhà lãnh đạo EU cuối cùng sẽ tìm ra một nền tảng chung. Ông nói: “Sẽ không có thành công khi chỉ có các câu trả lời của từng quốc gia đối với các vấn đề toàn cầu.”

Khi thời gian trôi qua, những người ngồi tại bàn đàm phán sẽ cảm nhận được nền tảng chính trị thay đổi dưới chân họ. Dòng người di cư từ Trung Đông, tới vào thời điểm xuất hiện các mối đe dọa bên trong bắt nguồn từ IS và những kẻ ủng hộ tổ chức này, đã làm gia tăng sự ủng hộ dành cho các đảng phái đối lập muốn đóng cánh cửa nhập cư. Nó cũng buộc nhiều đảng phái theo trào lưu chính phải trở nên cứng rắn hơn trong giọng điệu của mình. Xu hướng này là rất rõ ràng tại Hungary, nơi Thủ tướng Viktor Orban đã áp dụng một cách tiếp cận cứng rắn đối với người tị nạn, một phần để đảm bảo rằng đảng cánh hữu Fidesz của ông có thể ngăn chặn sự phát triển của đảng cực hữu Jobbik. Cộng hòa Séc và Romania cũng cùng với Slovakia và Hungary bỏ phiếu phản đối thỏa thuận bước đi đầu tiên.

Một sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc cũng đang diễn ra tại Tây Âu. Tại Italy, đảng Liên đoàn phương Bắc đang sử dụng cuộc khủng hoảng người tị nạn để làm suy yếu sự ủng hộ dành cho chính phủ của Thủ tướng Matteo Renzi. Tại Pháp, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia tiếp tục bỏ xa Đảng Xã hội cầm quyền và Đảng trung hữu Những người Cộng hòa trong các cuộc thăm dò ý kiến. Tại Anh, Đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) theo đường lối chống EU vẫn là một mối đe dọa chính trị đối với Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng David Cameron. Việc này hạn chế khả năng Thủ tướng Anh trở nên rộng lượng hơn về cuộc khủng hoảng người tị nạn trước thềm cuộc trưng cầu ý dân của Anh về tư cách thành viên trong EU có thể sẽ diễn ra vào năm sau.

Nguồn: Minh Tâm/ phapluatxahoi.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo