Thế giới

Ngoại giao châu Âu lại tìm kiếm hợp tác với Nga

Cập nhật lúc 30-07-2021 12:17:53 (GMT+1)
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Moscow.

 

Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell cho rằng, châu Âu tốt hơn nên tìm kiếm đối thoại với Nga.


Người đứng đầu ngành ngoại giao EU cho biết Hội đồng châu Âu đã chuẩn bị một báo cáo về tình hình hiện tại và triển vọng quan hệ với Nga, vốn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.

Trước khi báo cáo đó được trình bày, Pháp và Đức đã tuyên bố ý định đề xuất một cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và đại diện của 27 quốc gia thành viên EU.

Ông Borrell cho biết, đề xuất của Pháp và Đức đã bị từ chối, cho thấy mối quan hệ nhạy cảm của một số thành viên EU với Nga.

Ông nói: "Bạn có thể nghĩ rằng nếu [Tổng thống Mỹ] Joe Biden gặp Putin, thì tại sao các nhà lãnh đạo châu Âu không thể làm như vậy?"

Tuy nhiên, nhà ngoại giao châu Âu đã ám chỉ đến mối đe dọa của Nga đến các nước thành viên châu Âu mà buộc họ phải dè chừng và không thể ngồi lại như những gì ông Biden đã làm.

"Có Đại Tây Dương giữa Biden và Nga, trong khi một số quốc gia châu Âu chỉ cách Nga một đường biên giới" - ông Borrell giải thích sự không đồng ý đối thoại với Nga ở châu Âu.

Dẫu vậy, cuối cùng, nhà ngoại giao châu Âu vẫn cho rằng, châu Âu nên ngồi lại để tìm cách hiểu biết lẫn nhau với Nga về các vấn đề cần có những quyết định chung. Ông nhấn mạnh rằng, "chính trị không chỉ dựa trên trừng phạt".

Người đứng đầu ngành ngoại giao EU cũng thừa nhận rằng việc "Putin bị bao vây bởi 27 [quốc gia thành viên EU] không phải là hình thức thích hợp nhất" để thiết lập đối thoại.

Theo ông, kể cả có trường hợp châu Âu sẽ ngồi lại với Putin thì họ cũng nên đồng ý về những gì họ sẽ nói với Tổng thống Nga.

Trên thực tế, vấn đề không phải chỉ là hình thức đối thoại khi ông Putin phải đứng phát biểu với đông đảo các thành viên EU, điều mà nhà lãnh đạo Nga đã từng làm từ trước khi căng thẳng diễn ra vào năm 2014.

Theo nhà báo Piotr Smolar của tờ báo pháp Le Monde, các nước châu Âu sẽ liên tục bất đồng về quan hệ với Nga. Và nếu muốn đối thoại, thậm chí là muốn đưa ra một tiếng nói chung về Nga, trước hết phải xác định một chiến lược và phương tiện để thực hiện chiến lược đó. Nói cách khác, khả năng răn đe hiệu quả, ngoài phạm vi quân sự, là điều kiện tiên quyết. 

Nhưng châu Âu hiện nay còn quá nhiều mâu thuẫn để thực hiện một nỗ lực chung cho điều đó.

Châu Âu bị mắc kẹt trong sự chia rẽ chỉ có những phản ứng ngắn hạn, với những lời lên án từ bục phát biểu, các biện pháp trừng phạt không mấy hiệu quả, tính toán thương mại và các thỏa thuận năng lượng. Riêng Pháp đã cố gắng có "một cuộc phiêu lưu đơn lẻ" nhưng không mang lại kết quả đáng kể.

Hãy nhớ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn vạch "lằn ranh đỏ" với Moscow. Nhưng vấn đề là đã vạch ra lằn ranh đỏ thì là phải làm sao để lằn ranh đó không bị vượt qua, nếu không thì sẽ mất uy tín. Ông Macron nói: "Chúng tôi sẽ không bao giờ đồng ý để hoạt động quân sự lại diễn ra trên đất Ukraine", sau khi hơn 100.000 quân Nga được huy động dọc biên giới.

"Nhưng cảnh báo của Tổng thống Pháp ám chỉ điều gì? Thực tế là không gì cả bởi từ hồi năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và tình trạng bất ổn ở vùng Donbass thì châu Âu chỉ có các biện pháp trừng phạt kinh tế nhưng không thay đổi được gì" - nhà báo này viết.

Tác giả bài viết nhấn mạnh càng có nhiều lời đe dọa hời hợt, không có sức mạnh đã khiến mối quan hệ giữa Châu Âu và Nga chỉ ở mức lơ lửng, không kiểm soát.

Hải Lâm
Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo