Thế giới

Nga phân tích việc súng AK thua thầu tại Việt Nam

Cập nhật lúc 15-02-2014 17:17:41 (GMT+1)
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung tới thăm nhà máy Z111 ở Thanh Hóa, nơi sản xuất tiểu liên Galil ACE 31/32 - Ảnh: Bản tin truyề

 

Không chỉ giá cao, mà phương thức sản xuất quy mô lớn là nguyên nhân khiến hãng súng tiểu liên AK của Nga thua thầu trước hãng Galil (Israel) mở nhà máy sản xuất súng tiểu liên tại Việt Nam, theo một số trang tin Nga.


Đài Tiếng nói nước Nga ngày 11.2.2014 cho biết Bộ Quốc phòng Việt Nam đã từ chối ký với tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport (Nga) một hợp đồng triển khai sản xuất súng tiểu liên AK 100 vì bỏ giá quá cao: khoảng 250 triệu USD, theo báo Kommersant trích dẫn một nguồn tin trong Rosoboronexport. Kết quả, Việt Nam đã quyết định ký thỏa thuận với Israel sản xuất súng tiểu liên Galil ACE (tương tự súng AK nhưng nhỏ gọn hơn), giá thành hợp đồng với Israel chỉ 170 triệu USD.

Trang tin quân sự topwar.ru ngày 12.2 lại có bài phân tích chi tiết hơn dòng tin vắn của Đài Tiếng nói Nước Nga. Theo đó, có 3 hãng thầu tham gia dự án mở nhà máy sản xuất súng tiểu liên cung cấp cho quân đội Việt Nam, gồm Rosoboronexport (Nga), một hãng của Trung Quốc, và hãng IMI Galil (Israel). Mục đích là sản xuất tại Việt Nam khoảng 50.000 khẩu súng tiểu liên/năm.

Ban đầu Rosoboronexport tin rằng họ đang có ưu thế vì thực tế quân đội Việt Nam lâu nay sử dụng súng AK-47, và nếu sản xuất loại súng AK 100 thì việc làm quen loại súng này chẳng có gì khó.

Tuy nhiên theo các nhà báo Nga, Việt Nam đã không đồng ý với mức giá mà phía Nga đưa ra, vào khoảng 250 triệu USD. Còn giá cả từ phía Trung Quốc thì không nghe nói tới. Và hãng IMI Galil của Israel đã thắng thầu với giá chào là 170 triệu USD.

Như vậy thời gian tới, quân đội Việt Nam sẽ không lệ thuộc vào súng AK mà sẽ sử dụng phổ biến tiểu liên Galil, một biến thể của AK.

Trước đó, đầu năm 2014, một phóng sự truyền hình quân đội Việt Nam cho thấy một vị tướng Việt Nam (thượng tướng Nguyễn Thành Cung) đã đến thăm nhà máy sản xuất tiểu liên Galil ở Thanh Hóa (nhà máy Z111), nơi sản xuất súng Galil ACE 31 và Galil ACE 32, dùng đạn 7,62 x 39 mm (loại đạn của AK). Người ta cho rằng nhà máy này do một công ty quốc phòng Israel xây dựng là IWI, vốn đầu tư hơn 100 triệu USD.

Với các loại súng mới này, quân đội Việt Nam sẽ thay thế những khẩu AK-47 đã lạc hậu vì xuất hiện từ thời những năm 1965 đến nay.


AK -100 của Nga bị loại khỏi cuộc đấu thầu tại Việt Nam - Ảnh: topwar.ru

Tổng giám đốc của công ty sản xuất súng AK, ông Alexei Krivoruchko cho rằng nguyên nhân thua thầu do phía Nga chào giá quá cao, bởi lẽ giá thành sản xuất AK-100 rất đắt.

Phía Rosoboronexport thì tỏ ra không thất vọng lắm, vì Việt Nam vẫn là khách hàng lớn mua vũ khí của Nga, khoảng 1,5 tỉ USD/năm, theo topwar.ru.

Nhưng một số chuyên gia Nga lại chỉ ra rằng, ngoài giá cao, thì sự cồng kềnh trong dây chuyền sản xuất của Nga là nguyên nhân góp phần thua cuộc. Ông Konstantin Makienko (Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ) tin rằng giá cao chính là vấn đề khó khăn cơ bản của tất cả các hợp tác kỹ thuật quân sự của Nga với các nước.

Còn chuyên gia quân sự Maxim Popenker, tổng biên tập trang tin vũ khí world.guns.ru, nhận xét dù khẩu tiểu liên Galil ACE gần gũi khẩu AK về mặt công nghệ nhưng lại hiện đại hơn, nhỏ gọn hơn, có thể gắn kèm nhiều thiết bị tối tân khác như máy ngắm laser, đèn, ống nhòm...

Và điều cơ bản, theo ông Maxim, giá phía Nga đưa ra cao vì lâu nay việc sản xuất súng AK tại Nga được thiết kế trên cơ sở sản xuất quy mô lớn, đại trà, với số lượng phải đến hàng triệu khẩu. Như vậy đòi hỏi máy móc thiết bị chuyên dùng thuộc loại đắt tiền, đầu tư lớn. Việc sản xuất lớn này hình thành từ lâu, để cung cấp vũ khí cho cả Liên Xô và các nước đồng minh.

Còn với các nước nhỏ, không cần đến quy mô sản xuất đồ sộ như thế, mà chỉ cần một số máy cái CNC là có thể sản xuất một lượng đủ đáp ứng nhu cầu.

Và rõ ràng người Israel đã uyển chuyển linh động hơn trong việc này. Galil đã có nhà máy sản xuất súng ở Colombia, công suất 45.000 khẩu/năm, theo AFP. Họ còn có nhà máy ở Peru, Uruguay. Ông Maxim còn lưu ý rằng với nhà máy của Galil tại Việt Nam, sản phẩm không chỉ đủ dùng trong nước mà còn có khả năng xuất khẩu và Israel sẽ được tiền bản quyền.

Loại tiểu liên Galil ACE được phát triển trên cơ sở khẩu AK của Nga, có tốc độ bắn 600 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 500 m, băng đạn 25-30 viên loại 7,62 mm, có rãnh trượt để lắp ống nhòm.

Vài hình ảnh về tiểu liên Galil ACE:


Galil ACE 31


Galil ACE 32 - Ảnh: topwar.ru

Nguồn: Anh Sơn/Thanhnien

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo