Thế giới

Nga độc hành mở hướng cả Đông-Tây

Cập nhật lúc 02-06-2019 05:32:03 (GMT+1)
Tổng thống Nga V. Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng 4 vừa qua

 

Hụt hơi ở phương Đông, mắc kẹt trong quan hệ với phương Tây, Nga đang như một gã khổng lồ độc hành trên con đường của mình.


Mở hướng cả Đông-Tây

Theo kế hoạch, từ ngày 5-7/6 tới, Chủ tịch Trung Quốc sẽ có chuyến thăm chính thức tới Nga và tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg. Cả hai nước đều thể hiện sự đánh giá cao và kỳ vọng vào chuyến thăm này.

Dự kiến, hai bên sẽ ký kết khoảng 30 thỏa thuận song phương về nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, thương mại, năng lượng, đầu tư và các lĩnh vực khác.

Cũng nhân dịp này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm ngày 30/5 cho biết, các lực lượng quân sự của Trung Quốc và Nga sẽ duy trì những hoạt động giao lưu sâu rộng trong năm 2019 nhằm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Theo ông Ngô Khiêm, quân đội hai nước đã và đang triển khai hợp tác trong các hoạt động giao lưu cấp cao, huấn luyện thực chiến và thi đấu quân sự; thực hiện sự tương tác và phối hợp chặt chẽ trong các sự kiện đa phương; đồng thời góp phần tích cực trong hoạt động bảo vệ hòa bình thế giới và an ninh khu vực.

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình cho thấy chính sách “Hướng Đông” của Nga tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt kể từ khi bị phương Tây cô lập sau sự kiện Crimea năm 2014. Tuy nhiên, Nga vẫn đang bị giằng xé giữa Đông và Tây bởi trên thực tế, Moscow luôn thể hiện mong muốn được là một phần châu của châu Âu.

Cũng trong ngày 30/5, Bộ Ngoại giao Nga đăng tải phát biểu của Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết, Moscow hy vọng khôi phục quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Lavrov nói: "Chúng tôi hy vọng rằng lẽ thường cuối cùng sẽ chiếm ưu thế và quan hệ Nga-EU sẽ trở lại bình thường, được thể hiện thông qua sự tôn trọng và xem xét đến những lợi ích của nhau".

Ông cũng lưu ý rằng, tình hình hiện nay giữa Moscow và Brussels đang vượt qua thời điểm khó khăn. Kim ngạch thương mại của Nga với EU đã tăng 19,3% trong năm 2018, lên 294,2 tỷ USD, bất chấp việc tiếp tục tuyên truyền bài Nga và mưu đồ bôi nhọ Moscow cũng như việc thường xuyên gia hạn các biện pháp trừng phạt đơn phương.

 

Binh sĩ và xe chiến đấu của Mỹ trong một cuộc điều động đột xuất đến Litva

Về quan hệ Nga-NATO, ông Lavrov cho rằng quan hệ này vẫn trong giai đoạn "khủng hoảng kéo dài". Theo ông, NATO đã trở nên không sẵn sàng cho những nỗ lực chung để thiết lập nền an ninh công bằng và không thể chia tách trong cấu trúc châu Âu-Đại Tây Dương, song cuộc đối thoại Nga-NATO có thể vẫn trở lại tiến trình xây dựng.

Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga luôn sẵn sàng hợp tác để đối phó với khủng bố quốc tế, buôn lậu ma túy, tội phạm mạng và các mối đe dọa khác trong kỷ nguyên hiện đại này.

Theo giới phân tích, Nga hiện cần cả châu Âu lẫn các nước láng giềng phía Đông, trong đó “chơi” với châu Á vì tiền, còn “đi” với châu Âu vì chính trị. Trước đây, Nga vẫn ấp ủ hy vọng gặt hái được những gì tốt đẹp nhất của cả hai thế giới – duy trì quan hệ đối tác có lợi với cả phương Đông và phương Tây, và thậm chí có thể đóng vai trò kết nối xuyên lục địa giữa cánh Đại Tây Dương và cánh Thái Bình Dương của khu vực Á-Âu.

Những hy vọng này đã  thành mây khói vì cuộc khủng hoảng Ukraine và những diễn tiến khác khiến quan hệ của Nga với phương Tây rơi vào mức tồi tệ nhất kể từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Trong khi đó, mối lợi kinh tế từ “phương Đông” có vẻ không như kỳ vọng của Nga.

Gã khổng lồ độc hành

Trong thông điệp hàng năm hồi tháng 2/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt các nước châu Á lên hàng đầu trong phần nói về chính sách đối ngoại, trước cả châu Âu và Mỹ. Theo giới phân tích, chính sách “Hướng Đông” này có hai đặc điểm nổi bật.

Trước hết, chính sách này có nội dung chủ yếu là theo đuổi quan hệ thương mại hơn là thúc đẩy các lợi ích chính trị và quân sự mang tính chiến lược. Thứ hai, chính sách này chủ yếu tập trung vào các nước láng giềng Đông Bắc Á của Nga, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc.

Đáng chú ý nhất là việc Nga thúc đẩy chuyển hướng quan hệ kinh tế sang Trung Quốc. Sự khẳng định mang tính biểu tượng cho mối thân tình Nga-Trung là hai cây cầu gần được hoàn thành bắc qua Sông Amur.

Tuy nhiên, “nỗi sợ” mang tên Trung Quốc vẫn tồn tại trong lòng xã hội Nga. Một tòa án địa phương của Nga mới đây đã chấm dứt một dự án của Trung Quốc về chế biến nước đóng chai từ Hồ Baikal, sau khi vấp phải các cuộc biểu tình phản đối của người dân Nga.

 

Lãnh đạo Nga và Trung Quốc trổ tài nấu ăn trong một sự kiện tập trận chung hồi năm 2018

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là hai đối tác chủ chốt đối với Nga. Cùng với Bắc Kinh, Tokyo và Seoul cũng sẽ được hưởng lợi từ đường ống khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mở rộng từ Bắc Cực của Nga. Đường ống này do công ty Novatek quản lý và khai thác. Công ty này cũng có kế hoạch xây dựng một điểm trung chuyển vận tải biển LNG quy mô lớn ở Bán đảo Kamchatka đồng thời thiết lập điểm này như một trung tâm ấn định giá cho thị trường LNG của châu Á.

Tuy nhiên, ngoài Đông Bắc Á, Nga không để lại nhiều dấu ấn. Mặc dù Nga và ASEAN đã nâng cấp quan hệ chính thức lên thành “đối tác chiến lược”, song trao đổi thương mại của Nga với ASEAN chỉ đạt 20 tỷ USD vào năm 2018.

Ấn Độ được coi là đối tác quan trọng của Nga ở châu Á nhưng kim ngạch thương mại giữa hai nước hiện chỉ ở mức 11 tỷ USD. Hoạt động mua bán vũ khí là lĩnh vực chủ chốt duy nhất mà Nga có lợi thế cạnh tranh ở Đông Nam Á và Nam Á.

Ngoài sự hụt hơi về kinh tế, giới phân tích cho rằng Nga thiếu tiềm lực về sức mạnh chính trị và quân sự cũng như các tiềm lực khác để hướng Đông, đặc biệt là đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, Nga có những giới hạn mang tính chủ quan đối với tham vọng địa chính trị ở châu Á.

 

"Sự gắn kết số phận" chưa thể giúp Nga và châu Âu cải thiện quan hệ

Khu vực Viễn Đông của Nga chỉ có 8 triệu dân sinh sống. Cơ sở hạ tầng chủ đạo của vùng này nghèo nàn thậm chí so với cả tiêu chuẩn của Nga. Sự yếu kém của năng lực hải quân khơi xa đã hạn chế khả năng của Nga trong việc phát huy sức mạnh ở khu vực Thái Bình Dương vốn là vùng chủ đạo về thủy chiến. Hạm đội Thái Bình Dương của Nga chỉ có 6 tàu chiến nổi trên mặt nước cỡ lớn, có khả năng hoạt động ở biển sâu và cả 6 tàu này đều có từ thời Liên Xô.

Trong khi hướng Đông còn nhiều lực cản, con đường phía Tây của Nga thực sự đang rất khó khăn dù Moscow từng nhận thấy châu Âu không chỉ là một đối tác quan trọng, mà còn như một sự gắn kết số phận mang tính lịch sử. Ngoại trưởng Nga Lavrov từng cho rằng "văn hóa Nga là một nhánh của văn minh châu Âu”.

Phó Thủ tướng Nga Vladislav Surkov, đồng thời là cố vấn thân cận của Tổng thống Putin thừa nhận, những sự kiện năm 2014 “có thể là chặng cuối cùng trong chuyến đi kỳ lạ của nước Nga về phía phương Tây, kết thúc nhiều nỗ lực không thành công gia nhập nền văn minh phương Tây”. Moscow dường như đang ở thế "độc hành về địa chính trị".

Đông Triều
Nguồn: baodatviet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo