Thế giới

Nga bán S-400 cho Trung Quốc và tâm tư người Việt

Cập nhật lúc 23-04-2015 14:10:56 (GMT+1)
Hệ thống tên lửa S-400 của Nga

 

Chuyên gia Việt Nam bày tỏ quan điểm dưới góc độ công dân trước thông tin Nga đồng ý bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc.


Ngày 13/4, Trung Quốc chính thức ký hợp đồng với công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport để mua hệ thống tên lửa phòng không S-400, trở thành quốc gia đầu tiên nhập loại vũ khí này từ Nga.

Nhiều người cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc đều là khách hàng vũ khí lớn của Nga. Song, trong những thương vụ mua bán, Trung Quốc thường nhập (hoặc được nhập) những loại vũ khí, khí tài hiện đại hơn một bậc so với Việt Nam. Điều này đã khiến cho nhiều người Việtyêu mến nước Nga – Liên Xô rất tâm tư và không khỏi lo lắng.

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương, nguyên Trưởng đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Nga nhiều nhiệm kỳ, một trong những chuyên gia Liên Xô – Nga kỳ cựu, trả lời phỏng vấn VTC News về vấn đề này.

- Là người Việt Nam, ông có suy nghĩ gì khi biết tin Nga đồng ý bán S-400 cho Trung Quốc?

Là người dân Việt Nam nhưng cũng là nhà báo, nhà phân tích tình hình, tôi thường cố gắng ứng xử với những vấn đề “nhạy cảm” như thế này vừa bằng trái tim nóng vừa bằng cả cái đầu lạnh!

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, người yêu mến nước Nga và một chiếc đĩa than Liên Xô 

Trước hết, tôi tìm hiểu thì biết rằng hệ thống tên lửa S-300 hay S-400 đều là vũ khí phòng thủ. Đây là loại tên lửa rất hiện đại để đánh chặn máy bay, tên lửa có cánh, tên lửa đạn đạo; những quốc gia mua sắm tên lửa này (chúng ta đang nói đến Trung Quốc) thường sử dụng để xây dựng tuyến phòng không quanh những khu vực quan trọng chiến lược.

Vậy, tôi thấy đây không phải là loại tên lửa “khủng khiếp” để tấn công, nhưng chắc chắn, với việc được trang bị hệ thống tên lửa này (còn tùy số lượng), quân đội Trung Quốc sẽ mạnh lên.

- Trung Quốc đã mua được S-400 trong khi Việt Nam mới sở hữu S-300, theo ông, điều đó thể hiện gì về mối quan hệ Nga –Việt, Nga – Trung hiện nay?

Quan hệ Nga – Trung Quốc và Nga – Việt Nam là một vấn đề khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Cùng năm chúng ta ký với Nga Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược (1/3/2001) thì Nga và Trung Quốc ký Hiệp ước Láng giềng thân thiện, Hữu nghị và Hợp tác (16/7/2001).

Tôi cho rằng, việc Nga bán S-400 cho Trung Quốc là bình thường, không bất ngờ.

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát

Năm 2012, chúng ta và Nga nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Còn Nga và Trung Quốc thì vào tháng 3/2013, nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nga, hai bên ra tuyên bố chung “về  hợp tác cùng có lợi và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và phối hợp hành động chiến lược”; hai nước khẳng định quyết tâm đưa “quan hệ đối tác toàn diện bình đẳng, tin cậy và sự phối hợp hành động chiến lược, sự ủng hộ lẫn nhau, cùng phát triển phồn vinh và quan hệ hữu nghị được nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác” sang một giai đoạn mới, coi đó là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình.

Với nhận thức của tôi, cặp quan hệ Nga – Trung là một cặp quan hệ rất đặc biệt, hai bên rất cần nhau và trong bối cảnh hiện nay, Nga càng có nhu cầu thắt chặt quan hệ, củng cố lòng tin với Trung Quốc.

- Những thương vụ mua bán vũ khí khổng lồ này, theo ông có bất ngờ?

Một điều rõ ràng rằng, bán vũ khí (cho các nước) là một chính sách quan trọng của Nga. Nga đang đứng thứ hai thế giới (sau Mỹ) về lĩnh vực này, doanh thu năm ngoái đạt 13,2 tỷ USD. 

Nga vấp phải sự cạnh tranh rất lớn trên thị trường vũ khí thế giới và đang nỗ lực tìm kiếm thêm khách hàng, gia tăng xuất khẩu vũ khí.

Theo các nguồn tin từ Nga, những khách hàng mua vũ khí hàng đầu của Nga là Ấn Độ, Iraq, Trung Quốc, Việt Nam..

Tất nhiên, ngoài yếu tố bán hàng – thu tiền thì Nga cũng có tính toán đến quan hệ chính trị đối ngoại.

Khi giải thích việc bán hệ thống tên lửa S-400 cho khách hàng nước ngoài đầu tiên là Trung Quốc trong khi quân đội Nga vẫn chưa được trang bị đủ loại vũ khí này, một quan chức của tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga nhấn mạnh điều này cho thấy “tầm mức quan hệ chiến lược” giữa Nga và Trung Quốc.

Tôi cho rằng, việc Nga bán S-400 cho Trung Quốc là bình thường, không bất ngờ.

- Nhưng thưa ông, đến ngay cả Belarus, một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga muốn mua S-400 từ năm 2007 đến nay vẫn chưa được đáp ứng.

Trước hết, Trung Quốc là nước đầu tiên được Nga xuất khẩu S-400, hợp đồng được ký từ năm 2014 và thương lượng từ năm 2012.

Nga vẫn đồng ý bán S-400 cho Trung Quốc cho thấy sự tin tưởng giữa 2 nước đang được tăng cường.

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát

Trong quá trình thương lượng với Trung Quốc, ban đầu Nga đồng ý bán nhưng dự kiến chỉ giao hàng sau năm 2020, khi đã trang bị đầy đủ cho quân đội trong nước.

Tuy nhiên, kết quả thương vụ đã hoàn thành sớm hơn dự định. Theo đó, hợp đồng mua bán bao gồm Nga chuyển giao 4 tổ hợp tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc, trị giá khoảng 2 tỷ USD.

Trong khi đó, như anh nói, nhiều nước khác, thậm chí là đồng minh thân cận với Nga như Belarus mặc dù đã yêu cầu được mua S-400 từ 2007 nhưng đến nay vẫn chưa đạt được. Đây là quốc gia có hệ thống phòng không thống nhất đối với Nga nhưng cũng chỉ mới được sở hữu S-300.

 - Về góc độ ngoại giao, những thông tin trên chứng tỏ điều gì, thưa ông?

Điều này cho thấy ưu tiên rất lớn dành cho Trung Quốc từ phía Nga mà đằng sau đó là 2 lý do chính: Chính trị và kinh tế.

SEO của Tập đoàn xuất khẩu vũ khí của Nga Rosoboronexport, Anatoly Isaikin nói thương vụ S-400 'càng nhấn mạnh mức độ chiến lược trong mối quan hệ Nga - Trung'.

Mối quan hệ Nga – Trung đã có từ lâu, nhưng từ năm 2013 đến nay, khi cuộc khủng hoảng Ukraine chớm nở và phương Tây căng thẳng với Nga, mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn.

Tên lửa S-400 của Nga 

Bắc Kinh nhiều lần ủng hộ Matxcơva trong những thời khắc quan trọng, trong đó có các phát biểu khi Hội đồng bảo an họp về vấn đề Ukraine hay bỏ phiếu trắng về dự thảo lên án cuộc trưng cầu ở Crưm.

Về kinh tế, Nga có chính sách hướng Đông từ trước, trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây, Matxcơva ngày càng chú ý về phía Đông và có quan hệ rất tốt với Bắc Kinh.

Cụ thể là, năm 2014, Tổng thống Putin đã ký những hợp đồng hàng trăm tỷ USD với Trung Quốc.

Rõ ràng, hai nước đều cần nhau, nhưng trong giai đoạn hiện nay, Nga không chỉ cần Trung Quốc ủng hộ chính trị mà còn là vấn đề kinh tế, tài chính. 

Giới phân tích Nga cũng cho rằng, việc Nga đồng ý bán S-400 như một động thái đáp lại thịnh tình từ phía Bắc Kinh thời gian qua.

- Việc hợp đồng mua bán S-400 được ký kết sẽ làm quan hệ Nga – Trung thay đổi thế nào, thưa ông?

Mối quan hệ Nga – Trung sẽ tốt hơn về chất và sâu sắc thêm sau thương vụ này. Việc đồng ý bán S-400 có thể xem như biểu hiện dành sự ưu tiên lớn của Nga cho Trung Quốc khi mà nhiều quốc gia đồng minh khác vẫn chưa sở hữu tổ hợp tên lửa này.

Trong câu chuyện này, cũng có thể xem như Bắc Kinh đã được đáp ứng nhu cầu về vũ khí của mình.

Trong quá trình thương lượng, rút kinh nghiệm từ quá khứ, khi mà hàng loạt sản phẩm quân sự bị Trung Quốc sao chép, sử dụng rồi thậm chí xuất khẩu, lần này Nga có sự e ngại.

Tuy nhiên, việc Nga vẫn đồng ý bán S-400 cho Trung Quốc cho thấy sự tin tưởng giữa 2 nước đang được tăng cường.

- Theo ông, ngoài sự tin tưởng, liệu áp lực kinh tế có phải là một yếu tố khiến Nga đi đến quyết định bán S-400 hay không?

Theo tôi, có yếu tố kinh tế trong thương vụ này. Nhưng nói rộng ra, việc Nga bán S-400 có thể xem là để đáp ứng nhu cầu tăng cường quan hệ với Trung Quốc.

Từ nhu cầu đó, Nga có thể chấp nhận một số nhượng bộ và nguy cơ sao chép mà chỉ cách đây vài năm Matxcơva vẫn e dè, chưa tính đến.

Tên lửa phòng không S-400S-400 Triumph là vũ khí phòng không thế hệ mới, có khả năng đánh chặn nhiều loại mục tiêu trên không, bao gồm máy bay, trực thăng, thiết bị bay không người lái cũng như tên lửa đạn đạo chiến thuật có vận tốc 4.800 m/s.

Theo Itar-Tass, S-400 có thể phóng 72 tên lửa và tiêu diệt 36 mục tiêu cùng lúc. Hiện nay, 9 hệ thống tên lửa này được biến chế trong quân đội Nga từ tháng 4/2007 để thay thế S-300.

Không phải lần đầu

Thương vụ S-400 không phải là lần đầu tiên xuất hiện các thông tin Nga bán cho Trung Quốc những vũ khí tối tân của mình. 

Tháng 3/2013, truyền thông Trung Quốc đồng loạt loan báo thông tin sẽ mua Su-35 và tàu ngầm Lada từ Nga.

Trước thông tin trên, VTC News có bài phỏng vấn Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự, Viện Chiến lược Quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc phòng) về suy nghĩ trên góc độ chuyên gia quận sự, chiến lược của ông.

Khi được hỏi về cảm nghĩ của mình với thông tin thương vụ chiến cơ Su-35, tàu ngầm Lada, ông Mẫu cho rằng: “Tôi không bất ngờ và cũng không mấy hoài nghi khi nghe tin Nga bán một đợt vũ khí mới cho Trung Quốc, bởi sau khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc đã từng biết chớp lấy “thời cơ vàng” này và ký hợp đồng mua nhiều loại vũ khí hiện đại của Nga”.

Khi đó, dự đoán về tương lai quan hệ quân sự Nga – Trung, Đại tá Mẫu cho rằng quân sự là phương tiện để thực hiện mục đích chính trị.

Từ đó thấy được, trong tương lai, quan hệ quân sự Nga-Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển ra sao hoàn toàn tùy thuộc vào xu hướng chính trị trong khu vực và trên thế giới, vào mối quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược trên cở sơ hai bên cùng có lợi giữa hai nước.

Một xu hướng có thể thấy rõ là Nga và Trung Quốc sẽ phối hợp nỗ lực để vô hiệu hóa kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ.

Nguồn: Tùng Đinh/ VTC

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo