Thế giới

Năm cú đấm thép TQ sẽ đáp trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại

Cập nhật lúc 15-07-2018 11:09:51 (GMT+1)
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Bloomberg Finance

 

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bùng phát và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hứng chịu những đòn choáng váng của Washington, Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng. Đòn phản công đó của Trung Quốc là gì?


Sau một thời gian “ngừng bắn” tạm thời, cả Mỹ và Trung Quốc đã khai hỏa cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế thế giới với những vũ khí của riêng mình. 

Chính phủ Mỹ và Trung Quốc đều đã áp đặt mức thuế mang tính trừng phạt lên tới 25% nhằm vào lượng hàng hóa xuất khẩu trị giá 50 tỷ USD của nhau, trong khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị danh mục hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD bị tăng thuế nhập khẩu thêm 10% (nhiều khả năng có hiệu lực từ tháng 9). 

Một quan chức Mỹ khẳng định cần 2 tháng để hoàn thành danh sách hàng hóa mới. Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc đánh thuế số hàng hóa này.

Không thể “chạy đua” trả đũa với Washington về kim ngạch hàng hóa trao đổi, vì tổng kim ngạch hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc cũng chưa tới 250 tỷ USD, thay vào đó Bộ Thương mại Trung Quốc quyết định sẽ đáp trả bằng các biện pháp “chất lượng và số lượng”.

Khái niệm đáp trả bằng các biện pháp “số lượng” thì đã rõ: đó là tăng thuế và có thể là áp hạn ngạch nhập khẩu. Tuy nhiên, khái niệm “chất lượng” mơ hồ hơn. Để làm rõ các biện pháp đáp trả “chất lượng” trong một cuộc chiến thương mại, trang mạng “The Diplomat” có bài viết cho rằng cách tốt nhất là giải mã 5 công cụ gây áp lực kinh tế mà Trung Quốc thường sử dụng những năm gần đây:

Thứ nhất là trì hoãn thủ tục hải quan. Chính phủ Trung Quốc có thể chỉ đạo các cơ quan hải quan tăng cường thủ tục kiểm tra hải quan để trì hoãn quá trình thông quan hàng hóa, qua đó làm gia tăng chi phí đối với hàng hóa nhập khẩu. Dù đây không phải là chiến thuật mới trong các cuộc chiến thương mại, điều từng xảy ra trong cuộc chiến hàng điện tử giữa Pháp và Nhật Bản vào năm 1982, song giới chức Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm triển khai biện pháp này.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc ảm đạm. Ảnh: AP

Chính Trung Quốc từng sử dụng những biện pháp như vậy vào năm 2018 đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu của Mỹ, trong đó có rượu mạnh, hoa quả tươi, gỗ nguyên liệu và xe máy. Cách làm của Trung Quốc đã khiến hàng hóa bị ứ đọng trong những tháng quan hệ song phương căng thẳng. Nếu cuộc chiến thương mại hiện nay leo thang, giới chức Trung Quốc có thể áp đặt những rào cản khắc nghiệt hơn và danh sách hàng hóa mục tiêu có thể lớn hơn.

Thứ hai là áp dụng mang tính phân biệt đối xử các qui định pháp luật nhằm khiến công ty Mỹ phải “trả giá” nhiều hơn cho các cơ sở sản xuất hay trung tâm bán lẻ tại Trung Quốc. Nhà chức trách Trung Quốc đã sử dụng các cuộc điều tra tham nhũng, kiểm tra thuế và thậm chí hàng ngày tiến hành các cuộc kiểm tra y tế hay an toàn lao động để gây cản trở hoạt động của các công ty nước ngoài có tranh cãi chính trị với nước này.

Ví dụ, trong bước đi nhằm trả đũa quyết định của Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung giai đoạn cuối (THAAD) hồi năm 2016-2017, chuỗi siêu thị Lotte của Hàn Quốc đã bị ép phải đóng cửa gần 90 cửa hàng tại Trung Quốc với cáo buộc vi phạm các qui định về phòng cháy chữa cháy. Do đó, 20 cửa hàng của chuỗi siêu thị Wal-Mart (Mỹ) có thể đối mặt với số phân tương tự, hay các hãng chế tạo xe nổi tiếng Ford và General Motors có thể phải hứng chịu những khoản phạt “từ trên trời rơi xuống” hoặc bị gián đoạn các dây chuyển sản xuất.

Thứ ba đó là gây khó khăn trong quá trình cấp giấy phép. Hầu hết các lĩnh vực kinh doanh tại Trung Quốc đều yêu cầu phải được cấp phép. Trong một báo cáo mới đây, Nhà Trắng miêu tả quá trình cấp phép này là “mù mờ, nhập nhằng và tùy tiện”. Các cơ quan cấp phép có thể thu hồi hoặc trì hoãn quá trình cấp giấy phép cho các công ty Mỹ.

Thứ tư đó là khả năng kiểm soát hoạt động du lịch ra nước ngoài. Thông qua một loại biện pháp chính thức và phi chính thức, như chỉ đạo các hãng du lịch không được bán gói tour du lịch tới một số địa điểm nhất định, Bắc Kinh đã hạn chế du lịch tới Philippines (năm 2012), Đài Loan (2016) và mới đây nhất là Hàn Quốc (năm 2017). Dù Mỹ có thể là một mục tiêu “khó nhằn” hơn vì nước này phụ thuộc ít hơn vào các gói tour du lịch, song bất kỳ sự sụt giảm nào về số lượng khách du lịch vẫn sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu 33 tỷ USD mà du khách Trung Quốc chi hàng năm để tới Mỹ.

Biện pháp thứ 5 có thể là những hành động tẩy chay không chính thức đối với hàng hóa và công ty-doanh nghiệp Mỹ. Lấy ví dụ khi tranh chấp liên quan tới quần đảo Điếu Ngư/Senkaku bùng nổ năm 2012, chính quyền và truyền thông Trung Quốc đã khuyến khích người dân nước này tẩy chay các công ty Nhật Bản dẫn tới việc hàng trăm cửa hàng, nhà máy và văn phòng của Nhật Bản phải đóng cửa.

“Chiến thuật” tẩy chay cũng ảnh hưởng tới các công ty Hàn Quốc trong vụ tranh cãi xoay quanh kế hoạch của Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Thực tế là các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc có thể thiệt hại nghiêm trọng nếu bị tẩy chay do Mỹ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ nhiều hơn tới nền kinh tế số 2 thế giới. Khách hàng Trung Quốc có thể tẩy chay 3.300 cửa hàng cà phê Starbucks để chuyển sang dùng thương hiệu cà phê UBC hoặc họ có thể mua một chiếc điện thoại di động hiệu Xiaomi thay vì mua iPhone. Trung Quốc lại là thị trường lớn thứ ba của hãng Apple.

Chuỗi cửa hàng cà phê nổi tiếng Starbucks của Mỹ có thể trở thành nạn nhân trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Ảnh: Yibada

Áp đặt thuế suất và các biện pháp trừng phạt “chất lượng” không phải là miễn nhiễm đối với Trung Quốc: lao động Trung Quốc có thể mất việc làm và các công ty phụ thuộc vào đối tác Mỹ có thể phá sản. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc sẽ hướng tới những mặt hàng và dịch vụ có khả năng dễ dàng được người tiêu dùng trong nước thay thế hoặc gây tác động tối thiểu đối với nhà sản xuất.

Chính phủ Mỹ có thể tiếp tục leo thang “ăn miếng trả miếng” về thuế suất đối với Trung Quốc trong một thời gian nhất định, song Mỹ có lẽ không thể phản đòn với những biện pháp “chất lượng” giống Trung Quốc. Nền tảng pháp lý và các qui định khác được xây dựng để bảo vệ hoạt động và đầu tư của các công ty nước ngoài làm ăn tại Mỹ chính là những rào cản nếu Washington muốn trừng phạt các công ty Trung Quốc. 

Nguồn: TTXVN/Báo Tin tức

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo