Thế giới

Mỹ - Trung trên bờ vực “chiến tranh”?

Cập nhật lúc 11-11-2018 10:04:57 (GMT+1)
Chiến hạm USS Cowpens của Mỹ hoạt động trên biển Đông

 

Những ngày gần đây, không ít các tướng lĩnh và các nhà phân tích khẳng định, một cuộc chiến tranh lớn giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra. Chiến tranh thương mại thì đã quá rõ ràng, dù chiến tranh quân sự chưa diễn ra, nhưng các bên đều tuyên bố đang chuẩn bị cho nó.


Thái Bình Dương dậy sóng

Hãy bắt đầu với lịch sử của các cuộc chiến tranh làm rung chuyển hành tinh trong thời gian gần đây. "Tương lai là dành cho châu Á!". Dễ nhận thấy, khách hàng có vẻ hài lòng sau khi mua tivi mới của Nhật Bản hoặc điện thoại thông minh Hàn Quốc được lắp ráp tại Trung Quốc.

Nghịch lý thay, họ khó có thể nghĩ như vậy vào đầu thế kỷ 20, khi 8 cường quốc xâm chiếm Trung Quốc và chia đất nước này thành các khu vực chịu ảnh hưởng của riêng mình. Trên thực tế, Chiến tranh Thế giới thứ nhất bắt đầu do Đức không hài lòng với một mảnh nhỏ ở châu Á. Rồi Đức thua.

Người ta tin rằng, Chiến tranh Thế giới thứ hai bắt đầu vào năm 1939 sau cuộc xâm lược Ba Lan của Hitler. Tuy nhiên, có một quan điểm khác - Chiến tranh Thế giới thứ II bắt đầu vào năm 1937, sau khi Nhật Bản xâm lược Trung Quốc.

Sau năm 1945, tất cả các cuộc chiến tranh lớn đều diễn ra ở châu Á. Khởi đầu là chiến tranh Triều Tiên, sau đó là chiến tranh Việt Nam.

Bao năm qua, tiềm năng quân sự của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là vượt trội và sự thống trị của Hải quân Mỹ ở khu vực này là tuyệt đối. Chính vì vậy, để giành chiến thắng trước người Mỹ, cần phải tiêu diệt hạm đội của họ bằng một hạm đội khác mạnh hơn. Nhưng để xây dựng hạm đội là rất tốn kém, đòi hỏi phải có một nền kinh tế mạnh mẽ có thể so sánh về quy mô với nền kinh tế của nước Mỹ.

Ngày nay, chỉ Trung Quốc mới có nền kinh tế như vậy và điều này làm cho Trung Quốc trở thành đối thủ thực sự duy nhất của Mỹ, kể cả trong lĩnh vực quân sự thuần túy. Trong 30 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Song song với phát triển kinh tế, Trung Quốc tiến hành cải cách mạnh mẽ quân đội, đặc biệt là hạm đội.

Điều dễ nhận thấy rằng, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Trung Quốc cần mở rộng thị trường thương mại và đầu tư tài chính. Dự án chiến lược “Một vành đai, một con đường” ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu mới của Bắc Kinh.

Trung Quốc hiện diện ở khắp mọi nơi, từ châu Á, châu Phi, châu Âu đến châu Mỹ Latinh. Ngay cả Siberia hay Viễn Đông của Nga cũng lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh. Tuy nhiên, ở châu Á, Trung Quốc bị bao vây tứ phía bởi các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á. Để bảo vệ các tuyến đường hàng hải lưu thông hàng hóa của họ đến toàn thế giới, Bắc Kinh cần một hạm đội đủ mạnh. Ngoài ra, sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc rất cần nguồn lực mà trong thời đại của chúng ta, dầu là nguồn tài nguyên quan trọng nhất. Trung Quốc nhập khẩu 2/3 lượng dầu cần thiết từ nước ngoài và 83% nguồn dầu này phải đi qua biển.

Những năm gần đây, sự trỗi dậy của Trung Quốc và những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng khiến tình hình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở nên căng thẳng. Họ tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản, bồi đắp các bãi cạn thuộc chủ quyền của Việt Nam thành những đảo nhân tạo trên biển Đông. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc nhanh chóng quân sự hóa các đảo nhân tạo với âm mưu biến biển Đông - con đường hàng hải có tới 40% hàng hóa của toàn thế giới đi qua thành “ao nhà” của họ.

Với tư cách là “cảnh sát thế giới” như bao lần tự nhận, Washington không thể ngồi yên nhìn Bắc Kinh độc diễn. Tuyên bố đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực, quân đội Mỹ liên tiếp điều tàu thuyền đến tuần tra ở khu vực tranh chấp trên biển Đông. Ngoài ra, Mỹ kêu gọi hải quân của các đồng minh như Anh, Pháp, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước khác tích cực tham gia tuần tiễu, tập trận.

Tình hình ở biển Đông rất giống với tình huống khởi đầu của cuộc chiến giữa Nhật Bản và Mỹ. Khi đó, Nhật Bản cũng cần dầu, và hầu hết lượng dầu được nhập khẩu bằng đường biển. Chính nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn việc cung cấp dầu cho Nhật Bản buộc Nhật phải chủ động tấn công. Khi đó, Nhật Bản thất bại và chính xác là thất bại trên biển. Trung Quốc rõ ràng không muốn lặp lại những sai lầm của người hàng xóm. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh phải xây dựng hạm đội khổng lồ - những hòn đảo nhân tạo trên biển Đông.

Những vụ va chạm gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc khiến Thái Bình Dương dậy sóng. Căng thẳng leo thang đến mức cả hai cường quốc đều tuyên bố chuẩn bị cho chiến tranh. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những tuyên bố cứng rắn của cả hai phía đều nhằm cùng mục đích nắn gân nhau, còn chiến tranh Trung - Mỹ khó có thể xảy ra.

Cán cân sức mạnh quân sự Mỹ - Trung

 Liêu Ninh - Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc

Để so sánh các lực lượng hải quân của Trung Quốc và Mỹ hãy bắt đầu với gã khổng lồ châu Á. Theo số liệu của Phòng Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, đến năm 2020, Trung Quốc có hai tàu sân bay, 34 tàu khu trục, 58 tàu chiến, 30 tàu ngầm, 64 tàu ngầm điện diesel (tàu ngầm diesel), 8 tàu ngầm nguyên tử, 5 tàu ngầm đạn đạo nguyên tử, hơn 150 tàu tuần tra gần khu vực ven biển.

Trong khi đó, quân đội Mỹ có gì? Người Mỹ hiện có 11 tàu sân bay được triển khai, 22 tàu tuần dương, 65 tàu khu trục, 12 tàu hộ tống, 52 tàu ngầm hạt nhân, 18 tàu ngầm hạt nhân với tên lửa đạn đạo, khoảng 100 tàu tuần tra và tàu hỗ trợ.

Thoạt nhìn, dễ nhận thấy sự vượt trội của hạm đội Mỹ. Điều này đặc biệt đúng đối với tàu sân bay. Nhưng ở đây cần phải hiểu rằng hạm đội Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn nhiều so với Mỹ. Tốc độ đóng tàu mới của Trung Quốc có thể gọi là tuyệt vời.

Chỉ trong 1 tháng, Trung Quốc có thể cho ra đời 1 tàu hộ tống, trong khi Nga chỉ sản xuất được 5 tàu hộ tống trong 17 năm qua. Ngoài ra, hầu hết các tàu của đội tàu PLA được chế tạo trong thập kỷ qua, còn hầu hết tàu chiến Mỹ đều có tuổi thọ từ vài thập kỷ trở lên. Tuy nhiên, về chất lượng hiện đại, tính năng chiến đấu hiệu quả thì tàu Trung Quốc còn xa mới theo kịp tàu Mỹ.

Về tên lửa tầm trung và tầm ngắn, thì Trung Quốc đứng đầu thế giới trong việc phát triển loại vũ khí này - Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga Vasily Kasshin khẳng định. Theo Vasily Kashin,Trung Quốc có hơn 2.000 tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn, cũng như các tên lửa hành trình tầm trung trên đất liền với tầm hoạt động lên tới 4.000 km.

Vasily Kashin nhận định: “Các tên lửa Trung Quốc hiện đại là vũ khí chính xác và Trung Quốc có quyền lãnh đạo thế giới, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai các tên lửa đạn đạo chống tàu tầm trung - tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công các mục tiêu di chuyển. Đối với người Trung Quốc, đây là những yếu tố quan trọng nhất của ưu thế quân sự trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vasily Kashin: “Một số nhà lãnh đạo quân đội Mỹ và các chuyên gia quân sự bày tỏ lo ngại liên quan đến thực tế này, rằng Trung Quốc sở hữu những tên lửa mạnh mẽ như vậy mà chúng lại không được sản xuất ở Mỹ, khiến Mỹ gặp bất lợi… Có thể động lực đằng sau việc sửa đổi hiệp ước này (INF) không phải là sự không hài lòng của Mỹ với các vi phạm tưởng tượng của Nga mà là sự thay đổi trong cán cân lực lượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Nguồn: Duy Long/ giaoducthoidai.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo