Thế giới

Mike Chinoy:Chúng ta đang bị mất đi các giá trị dân chủ

Cập nhật lúc 02-12-2017 20:00:00 (GMT+1)
Ảnh insightbureau.com

 

Mike Chinoy là một nhà báo nổi tiếng, là chuyên gia phân tích và nhà văn. Ông tác giả của các đầu sách: Trung hoa sống động: quyền lực của người dân và cuộc cách mạng truyền hình (1999); Sự tan rã: câu chuyện từ bên trong về khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều (2008). Mike Chinoy đã được hàng loạt các giải thưởng về báo chí. Sinopsis đã có dịp phỏng vấn ông trong dịp ông ghé Cộng hòa Séc.


Phải chăng Trung quốc sẽ là một cường quốc - cho dù từ khía cạnh kinh tế, hay là địa chính trị? Và một thay đổi như vậy sẽ mang lại điều gì cho thế giới?

Trong khía cạnh kinh tế, Trung quốc quả thật là một sức mạnh có khả năng lay chuyển rất lớn và nhiều phần còn tiếp tục lớn mạnh. Ở phương Tây, sự phát triển kinh tế đang chựng lại, nhưng Trung quốc thì nhìn chung vẫn khá ổn mặc dù người ta nói nhiều đến tốc độ phát triển kinh tế đang chậm lại. Chủ tịch Tập cận Bình lại còn đưa ra một dự án đầy tham vọng, mà sẽ hỗ trợ được rất nhiều cho kinh tế Trung quốc - và đó là ý tưởng Một vành đai và một con đường.

Một loạt quốc gia, trong đó có cả Cộng hòa Séc, nhìn nhận Trung quốc như một gói đô la trong tầm tay, một nguồn tiền bạc, đầu tư, nguồn các dự án xây dựng các cơ sở hạ tầng và kỹ nghệ. Nhưng nó không đơn giản như thế.

Tuy nhiên một câu hỏi khác là, liệu Trung quốc sẽ là một cường quốc giống như Hoa kỳ đã từng? Theo tôi, nhiều phần chuyện đó sẽ không xảy ra. Tôi không cho rằng người Hoa sẽ thích vai trò này. Khả năng là họ sẽ đòi được tôn trọng hơn trên trường quốc tế và đòi thiết lập những gì mà họ quan tâm và đòi sự việc phải diễn ra theo ý họ. Tôi không thấy Bắc Kinh trong vai trò của Hoa thịnh đốn - như vai trò "người điều hành và là trọng tài" cho trật tự quốc tế. Người Hoa chắc chắn sẽ không đứng ra làm trung gian cho các đàm phán tại Afghanistan hay là tại vùng Cận đông - như cho đến nay Hoa thịnh đốn đã và đang đảm nhiệm. Trung quốc có rất nhiều vấn đề mà họ sẽ phải đối mặt trong khoảng 20 năm tới. Cho dù đó có là vấn đề dân số già đi, hay là các khoản tài chính sẽ cần để giải quyết các thảm họa môi trường. Với họ, việc đảm bảo sự ổn định "tại chính ngôi nhà" của họ sẽ ngày một khó khăn.

Về mặt kinh tế chắc Trung quốc sẽ là một tay chơi đáng kể trên trường quốc tế, nhưng tôi thật không mấy tin là họ sẽ thay thế được Hoa kỳ trong vai trò cường quốc với mọi mối tương quan địa chính trị.

Trung quốc, với vai trò là một cường quốc về kinh tế, sẽ mang lại cho chúng ta các thuận lợi và bất lợi nào? Như ông đã nhắc đến, là cường quốc họ có phương tiện, thế nhưng họ bành trướng cả ra ngoài biên giới của mình, cả về kinh tế và chính trị. Một số quốc gia vì thế mà lo ngại. Trong khía cạnh này, chúng ta có thể trông chờ điều gì?

Rõ ràng là Trung quốc sẽ không bảo vệ nguyên tắc sắp đặt thế giới một cách tự do như thời Hoa kỳ "lãnh đạo". Nếu như Bắc Kinh sẽ trở thành một cường quốc như thế, thì phải sau đó mới biết được, liệu họ có tuân thủ các cam kết, các cơ chế và các nguyên tắc mà qua đó, các quốc gia dân chủ và tự do đang tự bảo vệ chính mình. Tôi quả thật không cho rằng Trung quốc sẽ vượt qua được thử thách này. Bắc kinh sẽ chỉ tham gia và can thiệp trong trường hợp họ có một mối lợi kinh tế nào đó. Và sau đó, cũng là dĩ nhiên, một khi họ muốn đạt được một số điều - ví dụ như ngăn cản các quốc gia khác cộng tác với Đài loan, ngăn chặn thái độ công nhận và việc tiếp đón nhà lãnh đạo tinh thần là đức Đạt Lai Lạt ma, hay là khi có các lời "kêu gọi" khác mà chế độ này không chấp nhận và coi là có hại đối với các quyền lợi của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Nhưng trong trường hợp Biển Đông và các quần đảo đang tranh chấp tại đó, không phải là Cộng hòa nhân dân Trung hoa đang phản đối tại nơi nằm ngoài lãnh thổ của mình sao?

Đòi hỏi về lãnh thổ tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông này không phải là điều gì mới. Trong lịch sử, người Hoa đã có các nỗ lực về vùng biển này từ rất lâu. Cái mới là hiện nay các hoạt động bành trướng tại vùng này được chính phủ hỗ trợ - việc xây dựng các căn cứ hải quân. Tuy nhiên, hiện thời các căn cứ này chưa cản trở các tuyến hàng hải quốc tế qua lại ở vùng này. Tạm thời thì vấn đề chủ yếu là quan điểm của Trung quốc về việc đường biên giới phải như thế nào.

Các căn cứ trên Biển Đông không được xây dựng nhằm mục đích chiếm đóng Indonesia hay là Úc châu. Đấy là cách người Hoa đòi chủ quyền lãnh thổ và giấc mộng bành trướng của dân tộc Trung hoa. Và họ sẽ chống lại bất kỳ ai lỡ ngăn cản họ trong việc này. Họ chưa chiếm đóng các quốc gia khác và hiện nay chưa tuyên chiến với các nước Trung Âu. Đó không phải là cách thức của người Hoa. Tuy nhiên tôi không loại trừ rằng một điều như thế có thể xảy ra nếu như có ai đó sẽ thách thức - như Hoa kỳ, Nhật bản hay là Úc châu. Họ có hình dung của mình về các đường biên giới và theo hình dung đó, lãnh thổ của họ phải như thế nào, và họ sẽ cương quyết bảo vệ lãnh thổ của mình.

Ông có nhắc tới Đài loan. Vậy Hồng kông thì sao? Ở đó chúng ta đã thấy Trung quốc không có khả năng thu xếp với người dân và cả trong vấn đề lãnh thổ mà chúng ta có thể nói rằng họ mới tự điều hành cách đây không lâu. Cơ chế Một quốc gia, hai thể chế rõ ràng là đang suy sụp. Bắc kinh sẽ đàm phán với thế giới như thế nào đây, một khi họ không kham được lãnh thổ của chính mình? Điều gì sẽ đến với Hồng kông?

Câu hỏi này rất hay. Quả thật Trung quốc thu xếp với Hồng kông không được ổn. Nguyên nhân là vì người Hoa không muốn cả phần còn lại của thế giới cũng nắn gân họ. Nhất là trong những vấn đề liên quan với họ. Trong các mặt khác thì toàn thế giới chẳng có ý nghĩa gì với họ. Các quốc gia khác có gây chiến với nhau thì họ cũng chẳng quan tâm nếu như điều đó không gây nguy hiểm cho họ. Hồng kông thì lại là vấn đề vô cùng phức tạp. Ở đây, trên khía cạnh các chính sách quốc nội đã xảy ra một số các sai lầm - nguyên nhân của các sai lầm này không phải là chỉ do Bắc kinh gây nên. Trong những năm đầu tiên (khi Hồng kông được giao trả lại cho Trung quốc quản lý) người Hoa đã rất dè chừng. Nhưng sau đó đã xảy ra một số sự việc - một trong các sự việc đó là giới tinh hoa của Hồng kông đã tỏ ra rằng họ không có khả năng lãnh đạo/quản lý Hồng kông, cũng như không giải quyết được các vấn đề quan trọng cho người dân ở đây. Khủng hoảng kinh tế tại châu Á năm 1997 và sau đó năm 2008-2009 đã dẫn đến việc chính phủ cắt giảm ngân sách cho y tế, giáo dục và cho việc xây dựng chung cư. Đây là điều mà một số người dân rất khó chấp nhận, họ thất vọng và không có cách nào giải quyết các vấn đề này. Điều này đã dẫn đến việc chính quyền thành phố dễ dàng bị rơi vào sự quản lý của Bắc kinh. Sự can thiệp của Trung quốc cũng là một phản ứng đối với sự tham nhũng tại đây, cũng như đối với sự bất lực của các tỉ phú và giới tinh hoa Hồng kông. Sự bất lực này của họ đã dẫn đến việc các cơ cấu của Bắc kinh đã dễ dàng đạt tới bộ máy quyền lực, mà một cách hoàn toàn có lý, một số người coi điều này là một hiểm họa.

Tôi cho rằng nếu như bây giờ Hồng kông giải quyết được vấn đề nhà ở, lên được kế hoạch xây dựng các khu chung cư và giải quyết được các vấn đề thường ngày khác của người dân, thì các áp lực hiện nay cùng sự căng thẳng về chính trị sẽ thuyên giảm. Nhưng mà điều đó sẽ không xảy ra. Các tỉ phú có liên quan chủ yếu với thị trường nhà đất, không có khả năng giữ được hòa hoãn trong xã hội và vì thế sự căng thẳng sẽ còn tiếp tục. Và cả Bắc kinh cũng là nguyên nhân, bởi họ sẽ gây áp lực để đáp lại áp lực. Nói rằng Hồng kông vô tội và Bắc kinh ma quái thì thật quá đơn giản. Nhưng vấn đề đằng sau thì phức tạp hơn nhiều.

Chúng ta đã nói đến Đài loan là nơi tình hình cũng căng thẳng như thế. Bắc kinh tìm cách gạt Đài loan ra khỏi các tổ chức, các sự kiện quốc tế, và thậm chí cả các thương vụ bằng cách gây áp lực đối với các quốc gia khác. Điều gì sẽ xảy ra với Đài loan? Chính phủ của họ không thiếu năng lực như Hồng kông?

Đài loan cũng là một vấn đề phức tạp. Người Hoa thất vọng vì sự cởi mở của họ và sự cộng tác làm ăn với quốc gia này không mang lại sự hợp tác giữa hai bên về chính trị và không dẫn đến sự hợp nhất. Bắc kinh tự nhủ: tôi cho Đài loan được lợi về kinh tế, được hỗ trợ trong ngành thương mại, du lịch, giao thông, và bầu không khí hợp tác hẳn sẽ dẫn tới một sự cộng tác tốt đẹp hơn về chính trị. Nhưng dẫu vậy, Đài loan bắt đầu phản đối mạnh mẽ hơn chống lại sự hợp nhất và chống lại việc mang danh tính chung với Trung quốc. Một phần lớn người Đài loan tự coi mình là một dân tộc tự chủ, một quốc gia độc lập, có nghĩa là không phụ thuộc, nhất là vào Trung quốc. Và Trung quốc thất vọng vì điều này. Hiện nay Đài loan có một chính phủ mới, họ từ chối "sự đồng thuận" từ năm 1992 về một nước Trung hoa, mà trong đó không hề có định nghĩa của "một nước" Trung hoa đó. Ngoài ra, trong cuộc chơi còn có Tập cận Bình, chủ tịch cộng hòa nhân dân Trung hoa, vốn không khoan nhượng, cứng rắn và tìm đủ mọi cách để hạn chế Đài loan trên trường quốc tế và để Đài loan phải chịu "đói". Ông ta cho rằng sau đó Đài loan sẽ phải thay đổi quan điểm về mối quan hệ giữa hai bên. Tôi không cho rằng Đài loan sẽ bị áp lực này khuất phục. Cho dù Trung quốc có phá vỡ được mọi quan hệ ngoại giao của Đài loan với các quốc gia khác, hay là có dồn ép Đài loan thô bạo đến thế nào đi chăng nữa. Tuy nhiên Đài loan cần lưu ý rằng, khi Tập cận Bình củng cố được quyền lực của mình sau đại hội đảng lần thứ 19, thì nhiều phần Trung quốc sẽ còn cứng rắn hơn trong quan hệ đối với Đài loan.

Vậy các tổ chức quốc tế hay là các quốc gia khác như Hoa kỳ thì sao?

Nếu như nhìn ra xung quanh, người Hoa sẽ thấy rằng Donald Trump đang rút khỏi châu Á. Vị tổng thống này không giữ quan điểm cho rằng Hoa kỳ cần bảo vệ và ủng hộ các giá trị dân chủ tại các quốc gia khác, mà chính là điều kết nối Hoa kỳ với Đài loan. Thêm nữa, Trump công khai ủng hộ Tập cận Bình khi phát biểu rằng đó là một người xuất sắc. Vì thế tôi không thấy khả năng Hoa kỳ, dưới sự chỉ đạo của Trump trong tương lai có thể tham gia giúp đỡ Đài loan về quân sự, ngay cả khi họ bị Trung quốc tấn công. Áp lực chắc chắn sẽ xuất hiện; đến mức độ nào thì tôi quả thật không biết.

Chủ tịch Tập cận Bình - chính vì ông ta mà các quan hệ với Hồng kông và Đài loan tồi tệ đi? Hay là vì Trung ương Đảng, vì chính phủ Trung quốc hay là quân đội?

Chúng ta không được coi nhẹ việc Hồng kông và Đài loan giữ vai quan trọng như thế nào đối với các nhà lãnh đạo Trung quốc. Đó là bằng chứng chứng thực ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân đế quốc trên lãnh thổ Trung quốc. Hồng kông là thuộc địa của Anh trong vòng 150 năm. Đài loan thì chưa bao giờ thuộc về Cộng hòa nhân dân Trung hoa. Nhưng cả hai nơi đều là một thách thức đối với Bắc kinh.

Tập cận Bình cứng rắn hơn rất nhiều so với những người tiền nhiệm của mình. Thái độ của ông ta trong nhiều chuyện vì thế mà sắc cạnh hơn - dù là trong việc kiểm soát giới bất đồng, giới đối lập, hạn chế tự do của người dân, xóa bỏ ảnh hưởng và quan điểm của những người khác. Trong phạm vi quốc nội ông ta hành xử như vậy. Mà thật ra trên phạm vi quốc tế thì cũng là như thế. Đơn giản là ông ta cứng rắn so với Hồ cẩm Đào hay là Giang trạch Dân. Một mặt khác thì đây là phản ứng của ông ta đối với tình hình, có nghĩa là vì lo sợ. Khi Mã Anh Cửu còn là Tổng thống,  Đài loan và Trung quốc đã có các quan hệ tốt đẹp, Tổng thống và Chủ tịch của hai bên đã gặp nhau tại Singapore đàm phán. Bây giờ thì không. Có nghĩa là đây chỉ đơn thuần là một phản ứng cứng rắn đối những gì họ (người Hoa) không lấy gì làm thích thú. Khi bạn gặp một ai đó không hợp ý bạn, bạn cố gắng ép người đó thay đổi quan điểm của mình. Người Hoa cũng xử sự hệt như thế đối với Nam Triều trong việc di chuyển hệ thống chống tên lửa THAAD. Người Mỹ hứa, họ sẽ đặt hệ thống này tại Nam Triều như là một biện pháp bảo vệ trước Bắc Triều. Bắc kinh lại coi bước đi này như để tăng ảnh hưởng của Hoa kỳ trong khu vực và là mối đe dọa có thể xảy ra. Bắc kinh gây áp lực để Seoul thay đổi quan điểm. Và họ đã đạt được điều đó chính là nhờ các hăm dọa và việc gây áp lực. Họ đã cho dừng công việc kinh doanh của các thương nhân Nam Hàn tại Trung quốc, họ cấm nhạc pop của Nam Hàn (K-pop) trên TV Trung quốc, và gây áp lực với các nhà ngoại giao Nam Hàn. Đó là những gì rất xấu xa, nhưng lại là xử sự bình thường với Trung quốc. Hiện nay họ còn rắn tay hơn và có kiểu cách khác. Với những vấn đề là quan trọng với họ - như là đòi hỏi chủ quyền đối với một lãnh thổ nhất định - họ phản ứng thô bạo và sẽ còn cứng rắn hơn nữa.

Phải chăng điều đó không phải là vấn đề cả với chúng ta? Phần lớn thế giới làm mặt dửng dưng như thể điều này không liên quan đến mình, cho dù đó là Hồng kông, Đài loan hay là việc bảo vệ giới bất đồng. Số phận của Lưu hiểu Ba thể hiện rất rõ...

Ngay cả sau vụ thảm sát tại Thiên an môn năm 1989 phương Tây không hề tham gia ủng hộ giới bất đồng Trung quốc. Trên thực tế đó là điều rất khó. Mà đó cũng không phải chuyện quá cũ. Các chính phủ phải xử lý với các vấn đề khác, họ có các ưu tiên khác. Trước khi Lưu hiểu Ba bị bắt (người được giải Nobel Hòa bình) viễn cảnh rằng Trung quốc sẽ chấp nhận các giá trị phổ quát đã bị xóa bỏ. Bây giờ, khi Trung quốc hùng mạnh như thế về kinh tế, thì nó là điều rất khó cả với các chính phủ vốn phát triển và bảo vệ các giá trị phổ quát này. Trung quốc có thể đe dọa họ về kinh tế và họ quả thật vẫn làm như vậy. Sau khi Nauy trao giải thưởng Noel hòa bình cho Lưu hiểu Ba, xuất khẩu từ nước Nauy vào Trung quốc trên thực tế đã bị đóng băng. Hiện nay khi cả thế giới đang phục hồi sau khủng hoảng kinh tế 2008/2009, hệ thống chính trị của phương Tây đang gặp nhiều lộn xộn, cử tri chán nản, các chính trị gia hiện phải giải quyết các vấn đề của đất nước mình, không có thời gian để ý đến Trung quốc vốn rất xa xôi. Họ muốn đất nước họ bình yên và Trung quốc mang tới cho họ tài chính và việc làm cho người dân. Giới bất đồng thì có gì? Đó là điều đáng buồn, nhưng chúng ta đang từ từ bước vào một thời kỳ mà trong đó chúng ta đang mất dần đi các giá trị của dân chủ.

Nhưng xu hướng này đã xảy ra từ thời Obama. Sau khi Obama nhậm chức, các cộng tác viên của ông đã cho rằng họ có thể dàn xếp với Trung quốc để cùng giải quyết các vấn đề của thế giới. Chuyến đi thăm đầu tiên của Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa kỳ, là đến Bắc kinh, và ở đây, gần như bà đã phát biểu rằng, Hoa kỳ quyết định rút lui trong vấn đề nhân quyền. Và thay vì mừng rỡ cám ơn, người Hoa coi đó là thái độ yếu đuối và bắt đầu gây sức ép ở mọi nơi mà họ muốn, và đó là thực tế, cho dù chúng ta có thích hay không. Giải quyết các vấn đề nhân quyền là rất quan trọng, nhưng đằng nào thì Trung quốc cũng sẽ làm theo ý mình. Chúng ta có thể cứu được vài người, nhưng nếu như Trung quốc cần phải có sự thay đổi thì sự thay đổi đó cần phải phát xuất từ bên trong, chứ không phải từ bên ngoài. Chúng ta không thay đổi được điều đó. Chúng ta không gây ảnh hưởng được cả đối với việc tôn trọng nhân quyền tại Trung quốc, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ im lặng như Donald Trump không nhắc tới Lưu hiểu Ba. Nhất là khi giai đoạn này đang là khó khăn cho phương Tây và Bắc kinh biết rõ điều đó. Họ ghi nhận rằng chúng ta đang yếu, đang trong giai đoạn suy thoái, trong khi họ đang phát triển và có thể làm theo ý mình. Sẽ đến lúc sẽ có sự thay đổi xảy ra - có lẽ không phải là do áp lực của các nhà bất đồng, mà có lẽ sẽ do một sự kiện quốc tế nào đó dẫn tới...

Xin hãy quay lại các đầu tư của Trung quốc vào châu Âu và thế giới. Ý tưởng Một vành đai, một con đường (OBOR) đã làm hàng loạt các chính trị gia, kể cả tại Séc, dường như mê mẩn. Trong khi đó, các nhà phân tích đang chỉ ra các rủi ro của toàn bộ dự án, nhất là độ minh bạch thấp và sự nguy hiểm của nạn tham nhũng.

Ở đây là sự chăm chỉ, chịu khó. Người ta thường coi Trung quốc như một nguồn ngoại tệ đô la mà chẳng đòi phải làm lụng nhiều. Họ không biết mình làm ăn với ai, họ cũng chẳng xác định vấn đề ở đây là gì, và rằng thực hiện các phi vụ kiểu này thường là nguy hiểm. Điều này không có nghĩa là chúng ta không làm ăn với Trung quốc, mà chỉ có nghĩa là chúng ta cần biết cách. Các tờ báo điều tra như New York Times đã phát hiện ra nhiều sở hữu lạ của các công ty và các vụ đầu tư của Trung quốc. Một khi báo chí mà còn phát hiện được, thì chính phủ của các quốc gia cũng có thể tự xác định được. Và một khi đã xác định được rồi thì có thể theo đó mà quyết định. Người Hoa hiện nay đang ồ ạt đầu tư, họ vung tay chi các khoản tiền không rõ nguồn gốc, và rất nhiều người viển vông hy vọng rằng nhờ vậy họ sẽ kiếm được bộn tiền.

Nguồn sinospis.cz

Người dịch: Thanh Mai - vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo