Tờ South China Morning Post dẫn ý kiến nhiều nhà quan sát ngoại giao và quân sự nhận định Trung Quốc có khả năng sẽ tăng cường các hoạt động quân sự để răn đe Đài Loan song song với việc trả đũa ngoại giao Mỹ, nếu Washington đồng ý cho hòn đảo đổi tên văn phòng đại diện tại nước này.

Nhận định trên được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang "cân nhắc nghiêm túc" khả năng cho Đài Loan đổi tên "Văn phòng đại diện kinh tế và văn hóa Đài Bắc" thành "Văn phòng đại diện Đài Loan".

Bắc Kinh sau đó đã kêu gọi Mỹ tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc”.

South China Morning Post dẫn lời Đại tá Yue Gang – cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc - nói rằng vì Bắc Kinh không loại trừ việc sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan, nên áp lực quân sự lên hòn đảo này sẽ ngày càng leo thang.

“Chắc chắn, chúng tôi sẽ không bỏ qua việc trừng phạt Đài Loan nếu họ thay đổi tên của văn phòng đại diện, vì các lực lượng đòi độc lập Đài Loan đã khởi xướng điều đó thông qua vận động hành lang và quảng bá mạnh mẽ, để phục vụ và tạo điều kiện cho bầu không khí chống Trung Quốc ở Washington” – ông Yue nói.

Theo cựu quan chức, các biện pháp trên đất liền có thể bao gồm các cuộc tập trận quy mô lớn hơn ở eo biển Đài Loan và xung quanh hòn đảo, đồng thời gia tăng số lượng phi vụ và tần suất bay của lực lượng không quân Trung Quốc qua đường trung tuyến của eo biển và thậm chí tiến gần sát không phận của hòn đảo.

“Nhưng không chắc chúng tôi sẽ vào không phận, vì mục tiêu của chúng tôi là gây áp lực tinh thần cho họ, chứ không phải khơi mào chiến tranh” - ông Yue nói thêm.

Trong khi đó, nhà bình luận quân sự Song Zhongping nói rằng chiến tranh sẽ là một vấn đề sinh tử, và không phải là một động thái đơn giản để thực hiện.

“Sử dụng các biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề Đài Loan sẽ là biện pháp cuối cùng, vì vậy tất cả các hoạt động quân sự đều là sự chuẩn bị” – ông Song nói.

Khả năng Bắc Kinh trả đũa Mỹ

Theo ông Wang Kung-yi - người đứng đầu Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Đài Loan, nếu Mỹ đồng ý với việc đổi tên, Bắc Kinh sẽ trả đũa Mỹ bằng cách ngừng hợp tác trong các vấn đề như biến đổi khí hậu hoặc đối phó với Taliban ở Afghanistan.

“Trung Quốc sẽ không chấp nhận điều đó và thậm chí sẽ làm bất cứ điều gì có thể để nâng cao vị thế của mình ở [các vùng biển] phía Đông và Nam Trung Quốc” – ông Wang nói.

Trước đó, Trung Quốc hồi tháng 8 đã triệu hồi đại sứ của nước này tại Lithuania sau khi quốc gia châu Âu này cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện ở thủ đô Vilnius “dưới danh nghĩa Đài Loan”.

Tuy nhiên, theo GS. Lu Yeh-chung tại ĐH Quốc gia Chengchi, việc triệu hồi đại sứ tại Mỹ sẽ là một quyết định khó khăn vì quan hệ song phương một khi xuống cấp "có thể phải mất nhiều năm để phục hồi".

“Bắc Kinh đã hy vọng sẽ lật sang trang mới trong mối quan hệ với Washington và so với chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump, họ thấy ông Biden tương đối dễ chấp nhận hơn và không muốn làm xấu thêm mối quan hệ Trung - Mỹ” – ông Lu nói.

Ông Lu nhận định thêm rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể cần phải tập trung vào Đại hội đảng toàn quốc của Trung Quốc lần thứ 20 vào năm 2022, do đó sẽ không muốn phân tâm vì mối quan hệ Mỹ-Trung bị tổn hại nghiêm trọng.

Theo ông Lin Yu-fang – cựu nghị sĩ Quốc dân đảng, với tính chất nhạy cảm của vấn đề và thái độ của ông Biden trong việc cố gắng sửa đổi quan hệ với Bắc Kinh, liệu đề xuất đổi tên có khả thi hay không là “điều đáng suy ngẫm”.

“Trong bức tranh toàn cảnh, ông Biden và chính phủ Mỹ chưa bao giờ nói rằng họ sẽ hủy bỏ chính sách một Trung Quốc, mà họ đã nhấn mạnh sẽ vẫn là đường cơ sở trong giải quyết mối quan hệ với Trung Quốc” – ông Lin nói thêm.

Nguồn: HÒA ĐẶNG/ Plo.vn