Thế giới

Hội nghị thượng đỉnh EU bế mạc với nhiều bất đồng

Cập nhật lúc 25-10-2014 19:16:42 (GMT+1)

 

Sau hai ngày họp, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc hôm qua (24/10) tại thủ đô Brussels của Bỉ. Các đại biểu tham dự khẳng  định, kinh tế và việc làm là ưu tiên hàng đầu của tổ chức này, đồng thời kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) mới cùng các nước thành viên đưa ra các biện pháp, chính sách cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay lập tức.


Ủy ban Châu Âu tiếp tục đòi Pháp và Ý giảm thâm hụt ngân sách. Anh Quốc và Hà Lan bất bình vì bị đòi đóng góp nhiều hơn vào ngân sách chung của châu Âu.

Thông báo của Liên minh châu Âu công bố sau cuộc họp đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến kinh tế vĩ mô mới đây trong Liên minh châu Âu. Tình trạng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, dai dẳng và lạm phát thấp bất thường diễn ra ở hầu hết các nước thành viên. Tình trạng này cho thấy sự cần thiết phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy việc làm, tăng trưởng và năng lực cạnh tranh.

Thông báo nhấn mạnh cải cách cơ cấu, hành chính công vững chắc là những điều kiện cốt yếu đảm bảo nguồn đầu tư; đồng thời cho biết Hội đồng châu Âu đề nghị Ủy ban châu Âu và các nước thành viên ngay lập tức biến những yêu cầu cấp thiết này thành những hành động chính sách cụ thể. Trong một tuyên bố, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết: chính phủ của ông sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm thâm hụt ngân sách và tôn trọng các cam kết mà Liên minh châu Âu đề ra. Tổng thống Pháp nói: “Chúng tôi đã làm những điều mà chúng tôi cho là cần phải làm để giảm thâm hụt ngân sách, cũng như tiến hành các cải cách cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế của chúng tôi”.

Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb, Hà Lan Mark Rutte, Đức Angela Merkel và Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite tại BruxellesThủ tướng Phần Lan Alexander Stubb, Hà Lan Mark Rutte, Đức Angela Merkel và Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite tại Bruxelles - Reuters /François Lenoir

Lãnh đạo Liên minh châu Âu hoan nghênh chương trình đầu tư do Ủy ban châu Âu mới công bố tháng 7 vừa qua, bơm 300 tỷ euro ( tương đương khoảng 380 tỷ USD) cho nền kinh tế khu vực. Số tiền này do các nguồn công và tư nhân đóng góp, và sẽ được giải ngân trong giai đoạn 2015-2017. Kế hoạch của Ủy ban châu Âu mới nhằm tạo ra một nền kinh tế mạnh, bền vững, đặc biệt trong phát triển năng lượng, vận tải, mạng lưới băng thông rộng và tổ hợp công nghiệp. Lãnh đạo Liên minh châu Âu nhấn mạnh sự cần thiết phải sử dụng mọi nguồn lực hiện có và đã được phân bổ, trong khi Hội đồng châu Âu hoan nghênh sáng kiến thành lập lực lượng đặc nhiệm do Ủy ban châu Âu và Ngân hàng Đầu tư châu Âu chỉ đạo để hoạch định những hành động cụ thể nhằm thúc đẩy đầu tư.

Phát biểu bên lề hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Chúng ta cần một thời gian dài để chính sách tiền tệ thực sự có thể giải quyết được những vấn đề bất ổn trong nền kinh tế của châu lục. Nếu chính sách tiền tệ không giải quyết được những khó khăn của nền kinh tế và nếu chúng ta không nâng cao được sức cạnh tranh của khối, sự phối hợp đồng bộ trong vấn đề tài chính và đầu tư thì chúng ta sẽ không thể thoát ra được tình hình bất ổn của chúng ta hiện nay.”

Ngoài vấn đề tăng trưởng kinh tế của khối, Liên minh châu Âu cũng cam kết tiếp tục can dự đầy đủ trong việc hỗ trợ tìm giải pháp chính trị cho Ukraine; kêu gọi các bên liên quan nhanh chóng thực hiện mọi cam kết trong Thỏa thuận tại Belarus giữa Chính quyền Ukraine và phe đòi độc lập, đặc biệt lệnh ngừng bắn, những dàn xếp về kiểm soát biên giới và tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn ở Cộng hòa Donetsk và Cộng hòa Luhansk tự xưng theo đúng luật pháp Ukraine. Hội đồng châu Âu nhắc lại cam kết sẵn sàng hỗ trợ Ukraine tiến hành cải cách chính trị và kinh tế, bao gồm khu vực năng lượng, theo đúng tinh thần Thỏa thuận Liên kết./.

Nguồn: Hồng Nhung/VOV

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo