Thế giới

Hình ảnh bạo lực, đẫm máu: Tranh cãi có nên đăng tải để vạch trần tội ác?

Cập nhật lúc 29-03-2017 06:23:30 (GMT+1)
Tờ Bild của Đức không đăng hình ảnh nào ngoại trừ những bức hình trống rỗng, không có chi tiết để đáp lại những lời chỉ trích

 

Tạp chí báo chí quốc tế Nieman Report (Mỹ) đã có một bài phân tích về cách thức xử lý những hình ảnh đẫm máu, bạo lực. Tờ này đặt câu hỏi: “Không nên đăng những hình ảnh đẫm máu hay nên đăng vì chúng là bằng chứng giúp vạch trần hiệu quả tội ác?"


Không có máu, không bạo lực. Đó là bức ảnh cho thấy thi thể của một cậu bé người Kurd ở Syria đang nằm dạt trên bãi biển. Em là một trong hàng ngàn nạn nhân của cuộc khủng hoảng tị nạn đang diễn ra dọc theo biên giới của châu Âu. Hình ảnh của Alan Kurdi nằm trên bãi biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ lan truyền trên các phương tiện truyền thông hồi tháng 9/2015 đã gây ra các cuộc tranh cãi gay gắt trong giới truyền thông và cả trên mạng xã hội. Họ tranh cãi về việc có nên đăng tải bức hình đó hay không. Người cho rằng không nên đăng những hình ảnh đau thương như vậy, người thì cho rằng đó là hình ảnh quan trọng không thể không đăng.

Một số tờ báo đăng ảnh thi thể của cậu bé nằm úp mặt xuống bãi biển, số khác đăng ảnh một sĩ quan cảnh sát đang ẵm thi thể cậu bé trên tay. Ở Pháp, tờ Libération bị chỉ trích vì đã không đăng tải bức ảnh về cậu bé. Tại Đức, tờ Bild bị chỉ trích vì đã đăng. Đáp lại, trong số báo ra ngày 8/9/2015, tờ này không đăng tải một hình ảnh nào ngoại trừ những bức hình trống rỗng, không có chi tiết. Tổng biên tập Julian Reichelt của Bild cho biết: “Chúng ta bắt buộc phải nhìn. Không có hình ảnh, thế giới sẽ trở nên thờ ơ hơn, những người yếu đuối thậm chí còn vô hình hơn, bị mất mát nhiều hơn. ... Hình ảnh là những tiếng la hét của thế giới".

Liz Sly, Giám đốc văn phòng ở Beirut của The Washington Post đã đăng tải trên tài khoản Twitter của cô những bức ảnh về cậu bé xấu số. Cô cảm thấy rất ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng cô đã xúc phạm phẩm giá của người Kurd. Cô nói: "Điều đó khiến tôi bối rối bởi mỗi ngày tôi đều phải nhìn vào những hình ảnh chết chóc. Bất cứ ai trong khu vực cũng vậy. Bất cứ ai theo dõi về Syria cũng nhìn thấy hàng chục bức ảnh về trẻ em bị giết chết mỗi ngày. Chính việc chúng ta không công bố bức ảnh của họ, khiến họ chết lặng lẽ trong bóng tối, mới là xúc phạm nhân phẩm của họ”.

Khi các cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria và Iraq, các vụ tấn công khủng bố đang diễn ra thường xuyên, các hãng tin hay các tờ báo đều phải đối mặt với những khó khăn khi xử lý những hình ảnh bạo lực, đẫm máu. Các tổ chức báo chí nên tuân thủ theo quy tắc nào khi xử lý những hình ảnh như vậy? Ảnh hưởng của những hình ảnh đó đối với phóng viên, biên tập viên và các độc giả ra sao? Tất cả đều chưa có câu trả lời rõ ràng.

Trong 100 năm qua, có rất nhiều hình ảnh báo chí đẫm máu, đau thương đã gây được ảnh hưởng lớn. Ví dụ như: Bé gái 9 tuổi chạy trốn bom napalm trong chiến tranh Việt Nam; Một người đàn ông rơi từ tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001; Thi thể của những hành khách trên chuyến bay MH17 ở Ukraine. Bên cạnh những tác động lớn đối với thế giới, những hình ảnh này còn dấy lên tranh cãi về đạo đức báo chí. Dù vậy, sức mạnh của các bức ảnh nằm ở chỗ nó cho thấy những khoảng khắc đau đớn và những cái chết thường không được nhìn thấy mà chỉ được hiển thị qua những con số. Rất khó để nhìn những bức ảnh này nhưng cũng rất khó để ngoảnh mặt làm ngơ.

Một bức ảnh của AP về vụ tấn công khủng bố ở Paris.

Tất nhiên, các phóng viên ảnh là người đầu tiên phải đưa ra quyết định về một bức ảnh ghi lại cảnh đau thương, đau buồn, đẫm máu, bạo lực.  Ông Gary Knight, người đồng sáng lập hãng ảnh VII Photo Agency cho rằng, việc chụp ảnh và phân phối ảnh là hai việc hoàn toàn khác nhau. Ông nói: "Nếu bạn là một nhiếp ảnh gia hoặc một nhà báo, một nhân chứng thì bạn cần phải chụp lại”. Tuy nhiên, theo ông Knight, một khi bức ảnh được chụp, giữa nhiếp ảnh gia và biên tập viên cần có sự thảo luận. Cách bức ảnh được công bố cũng quan trọng ngang với nội dung của bức ảnh.

Bên cạnh đó, các hãng tin cũng cần cẩn trọng hơn khi đăng tải những hình ảnh kiểu như vậy. Họ phải xem xét nhiều khía cạnh. Ví dụ như: Liệu giá trị đưa tin của bức ảnh hay mối quan tâm của công chúng có lớn hơn những tác động tiêu cực đối với đối tượng được chụp và những người có liên quan đến họ hay không? Nó có tác động lớn đối với việc đưa tin hiện tại về một cuộc xung đột hay không? Nếu có thì tác động đó có công bằng không? Liệu bức ảnh đó có bị lợi dụng cho mục đích xấu hay không?

Tuy nhiên, điều đáng nói là không hề dễ dàng khi trả lời những câu hỏi trên. Thậm chí, ngay cả những nhà báo có uy tín hay có đạo đức báo chí tốt cũng không thể đồng tình với nhau trong các trường hợp cụ thể. Bradley Secker, một phóng viên đã từng làm việc tại Iraq, Syria, và Hy Lạp, thường gửi bài cho The Independent, The New Republic và The National ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, tin rằng các tổ chức tin tức có thể giải quyết được phần nhiều những mối lo ngại trên bằng cách cung cấp cho độc giả càng nhiều thông tin càng tốt bên cạnh những bức ảnh. Ông Secker nói: "Khi những bức ảnh được chú thích chính xác thì nguy cơ chúng bị lợi dụng cho mục đích khác sẽ ít đi nhiều”.

Nguồn: Phạm Khánh/ infonet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo