Thế giới

Hàng loạt bệnh nhân Mỹ bỏ chữa bệnh

Cập nhật lúc 19-06-2020 04:52:55 (GMT+1)
Một trung tâm lao động tại Chicago phải đóng cửa, ngày 1/5. Ảnh: Chicago Tribune

 

Mất việc, mất bảo hiểm y tế, vật lộn với các khoản viện phí khổng lồ, nhiều người bệnh ở Mỹ quyết định ngừng khám chữa để đỡ tốn tiền. 


Kristina Hartman từng là nhân viên quản lý tại một nhà máy sản xuất xe tải ở thành phố McKinney, bang Texas. Lúc đầu, khi Covid-19 mới bùng phát, bà tạm dừng kiểm tra sức khỏe vì lo ngại lây nhiễm. Sau đó bà bị mất việc. Người phụ nữ 58 tuổi không khỏi lo lắng với câu hỏi liệu bảo hiểm y tế của mình có kéo dài sau tháng 7, khi đã quá hạn trợ cấp thất nghiệp, hay không.

"Tôi bắt đầu sợ hãi khi phải đến bác sĩ và hoàn toàn né tránh các cuộc hẹn khám", bà Hartman chia sẻ.

Bà bỏ qua buổi khám thận định kỳ, trì hoãn đến bệnh viện nội tiết, vốn để theo dõi một triệu chứng bất thường trong cơ thể.

Bà Hartman không phải người duy nhất e ngại thăm khám trong thời kỳ đại dịch. Các y bác sĩ cho biết nhiều người sợ lây nhiễm virus, song họ có một lý do khác để làm điều này. 

Sau khi Covid-19 bùng phát, số người bị mất việc hoặc cắt giảm thu nhập gia tăng đáng kể. Trong khi đó, chi phí chăm sóc sức khỏe tại Mỹ từ lâu nổi tiếng đắt đỏ. Nhiều cá nhân không đủ khả năng trang trải khoản tiền viện phí quá lớn. 

"Đây là hậu quả của áp lực kinh tế. Thật đáng lo ngại. Người Mỹ bị kẹt trong vòng xoáy cơm áo gạo tiền và bỏ qua nhu cầu y tế cơ bản", Bijoy Telivala, một bác sĩ chuyên khoa ung thư tại thành phố Jacksonville, bang Florida, nói. 

Bà Kristina Hartman, sống tại Texas, đã ngừng khám bệnh định kỳ sau khi mất việc. Ảnh: NY Times

Trong số các bệnh nhân đang trì hoãn điều trị của ông, có một người mắc ung thư di căn. Vì ảnh hưởng của Covid-19, anh buộc phải nghỉ làm giữa đợt hóa trị. Người đàn ông dự định tạm ngừng liệu trình trong thời gian thu xếp công việc. Song bảo hiểm y tế của anh sẽ hết hạn vào tháng sau. 

Nhiều người phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tiềm tàng và cả chi phí chăm sóc sức khỏe khổng lồ sau khi bị sa thải hoặc cuốn vào suy thoái kinh tế. Các chuyên gia gọi đây là "rủi ro kép trong đại dịch", lặp lại kịch bản sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, khi hàng triệu người Mỹ thất nghiệp, không đủ khả năng đưa chính con cái mình đến bác sĩ.

Gần một nửa số công dân nước này cho biết họ hoặc người thân đã trì hoãn các thủ tục kiểm tra định kỳ kể từ khi Covid-19 quét qua, theo khảo sát của Quỹ Kaiser Family. Hầu hết dự kiến đi khám trở lại trong ba tháng tới. Tuy nhiên, số khác có kế hoạch chờ đợi lâu hơn, hoặc hoàn toàn không định làm điều này. 

Trong thời gian tới, xu hướng bỏ khám bệnh để tiết kiệm tiền sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn, theo Chas Roades, người đồng sáng lập của Trung tâm Gist, chuyên tư vấn cho các bệnh viện và y bác sĩ. Giám đốc của các cơ sở y tế cho biết số lượng bệnh nhân sau đại dịch vẫn sẽ thấp hơn 20% so với trước khi virus bùng phát. 

"Đây sẽ là một khởi đầu khó khăn", Tiến sĩ Gary LeRoy, chủ tịch Học viện Bác sĩ Gia đình Mỹ, nhận xét. Một số bệnh nhân của ông đã tới tái khám, song số khác dường như không có ý định trở lại bệnh viện. 

Trì hoãn điều trị sẽ tạo ra những hệ quả vô cùng nặng nề. Trong phân tích công bố hôm 3/6 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), các chuyên gia cho biết có nhiều bệnh nhân đau tim đợi đến khi tình trạng sức khỏe trở nên vô cùng trầm trọng mới gọi cấp cứu. 

Không có thu nhập, nhiều người cảm thấy mình chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Thomas Chapman từng là một giám đốc bán hàng. Tuy nhên đến tháng 3, ông bị sa thải. Dù mắc bệnh huyết áp cao và tiểu đường, người đàn ông 64 tuổi không mua thêm thuốc trong vòng hai tháng. 

"Tôi ngừng lấy thuốc vì không còn đủ tiền để trả nữa", ông nói. 

Sau khi hai chân bắt đầu có biểu hiện phù nề, ông mới gọi bác sĩ. Mạng lưới Y tế Catalyst nhanh chóng điều động người đến điều trị, tuy nhiên bảo hiểm y tế của Chapman đã hết hạn. Ông không chắc mình phải làm gì cho đến khi đủ điều kiện nhận trợ cấp vào cuối năm nay.

"Chúng tôi bắt gặp điều này hàng ngày", Tiến sĩ Christopher Crow, giám đốc Mạng lưới Catalyst, nói. Các bang như Texas không có chế độ gia hạn chương trình bảo hiểm, dù một số người nằm trong diện được nhận hỗ trợ, theo Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền. Họ rơi vào "vùng xám" của hệ thống y tế. 

Tuy nhiên, ngay cả với người có bảo hiểm, hóa đơn viện phí vẫn là nỗi ám ảnh, phần bởi các bệnh viện Mỹ có chế độ ghi nợ cho bệnh nhân.

 "Người dân nhận thức dẫn rõ ràng, rằng bảo hiểm y tế không toàn diện như họ kỳ vọng. Điều này trở nên tồi tệ hơn trong thập kỷ qua", Elisabeth Benjamin, phó chủ tịch của Hiệp hội Dịch vụ cộng đồng New York, nói.

Tại Trung tâm Y tế Maimonides, thành phố Brooklyn, bác sĩ cho biết nhiều bệnh nhân đau tim hoặc gãy xương nghiêm trọng tránh tới phòng cấp cứu.

"Cứ như họ biến mất vậy, nhưng thực tế lại khác. Họ chết dần tại nhà, nhưng nhất quyết không đến bệnh viện", bác sĩ Jack Choueka, chủ tịch khoa chỉnh hình, cho biết.

Thục Linh (Theo NY Times)
Nguồn: Vnexpress

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo