Thế giới

Donald Trump thẳng tay, Trung Quốc cứng giọng: Thế giới căng thẳng, lo ngại

Cập nhật lúc 10-05-2019 10:38:53 (GMT+1)
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sắp được 1 năm.

 

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên một mức cao mới sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tăng thuế từ 10% lên 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ trưa ngày 10/5 (giờ Việt Nam).


Mỹ thẳng tay, Trung Quốc tuyên bố trả đũa

Theo Bloomberg, đúng như tuyên bố, Mỹ đã chính thức nâng thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (hơn 5.700 hạng mục) vào trưa ngày 10/5 (theo giờ Việt Nam) bất chấp Trung Quốc đã cử phái đoàn sang Mỹ và đại diện Nhà Trắng cho biết các quan chức Mỹ đã đồng ý với Phó thủ tướng Lưu Hạc tiếp tục đàm phán vào sáng 10/5 ở Washington (tối cùng ngày giờ Việt Nam).

Theo nguồn tin CNBC, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ngay lập tức tuyên bố sẽ có động thái đáp trả hành động của Mỹ.

Trước đó, ông Trump cũng cho biết đã triển khai các thủ tục cho việc áp thuế 25% lên thêm 325 tỷ USD hàng hóa Mỹ với cáo buộc Trung Quốc “nuốt lời”, rút lại các thỏa thuận đã đạt được trong các cuộc đàm phán trước đó và Trung Quốc sẽ phải trả giá.

Quyết định cứng rắn của ông Donald Trump đã làm giảm hy vọng của các thị trường tài chính sau khi hôm qua Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã nhận được "bức thư tốt đẹp" từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và họ có thể sẽ nói chuyện qua điện thoại. 

Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ giữa năm 2018 khoảng một năm rưỡi sau khi ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ. Trước đó, ngay từ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, ông Trump đã có những tuyên bố cứng rắn về sự mất cân bằng trong thương mại với Trung Quốc. Ông cũng cáo buộc Trung Quốc thao túng giá đồng NDT để có lợi trong thương mại.

Cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ cuối 2018 sau khi 2 bên đồng ý “đình chiến”, ngưng áp thuế lên hàng trăm tỷ USD mặt hàng của nhau. Mỹ cũng đã lùi thời hạn tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ đồng hàng hóa.

Tuy nhiên, hàng loạt cuộc đàm phán gần đây được cho là thất bại sau khi, theo Reuters, Trung Quốc rút lại hầu hết cam kết đưa ra với Mỹ. Bắc Kinh đòi thay đổi gần 150 trang dự thảo thỏa thuận thương mại, một thay đổi được đại diện Mỹ gọi là “mang tính hệ thống”, “thay đổi về đường hướng”.

Trung Quốc đã xóa các cam kết về thay đổi luật pháp liên quan tài sản trí tuệ, bí mật thương mại, ép buộc chuyển giao công nghệ… Đây đều là những vấn đề mà ông Donald Trump khoe là đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. 

Thế giới căng thẳng chờ đợi

Việc Mỹ đánh thuế là đúng như tuyên bố đưa ra trước đó, đúng về thời gian về mức độ. Đây cũng là sự đồng thuận trong nhóm kinh tế làm việc cho ông Donald Trump.

Trước đó, cả Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer đều cho biết, cả nhóm kinh tế của ông Trump đồng ý với quyết định mới nhất: tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc bởi đã có những thay đổi lớn.

Quyết định của ông Trump ngay lập tức khiến các thị trường chứng khoán thế giới đảo chiều giảm điểm. Việc áp thuế giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ gây ra những xáo trộn mới trên thị trường tài chính toàn cầu và nó khiến nỗi lo về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu gia tăng.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết những hành động ăn miếng trả miếng của Mỹ và Trung Quốc gây ra "mối đe dọa cho nền kinh tế toàn cầu" vì "mọi người đều thua trong cuộc xung đột thương mại kéo dài" và kêu gọi "nhanh chóng giải quyết".

Trên thực tế, cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc tại Washington sẽ vẫn tiếp tục vào sáng 10/5 ở Washington (tối cùng ngày giờ Việt Nam) như dự kiến. Đại diện thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin cũng đã gặp Tổng thống Donald Trump để thảo luận về cuộc đàm phán sắp diễn ra với Trung Quốc. 

Ông Tập Cận Bình và Donald Trump.

Mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc đều giữ lập trường cứng rắn nhưng 2 bên đã bắt đầu có những tín hiệu hòa giải mong manh. Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố cảm thấy "rất đáng tiếc" trước động thái của Mỹ nhưng cũng bày tỏ hy vọng 2 nước sẽ sớm đồng thuận và giải quyết vấn đề thông qua hợp tác và tham vấn.

Gần đây, Trung Quốc đã lấy lại phần nào lợi thế trong các cuộc đàm phán với Mỹ, nhất là sau khi ông Donald Trump gặp khó khăn với Hạ viện Mỹ cũng như Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về các đường lối chính sách. Bắc Kinh cũng đã vượt qua được nỗi lo ngại về suy giảm tăng trưởng kinh tế và chứng khoán sau khi thực hiện hàng loạt biện pháp kích thích mạnh mẽ.

Tuy nhiên, thái độ cứng rắn và nước đi ngửa bài bất chấp rủi ro của ông Donald Trump khiến Trung Quốc giật mình. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phản ứng rất tiêu cực trong những ngày qua.

Trên thực tế, một cuộc chiến ăn miếng trả miếng nhau giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn là điều 2 bên không mong muốn. Cuộc chiến chắc chắn sẽ nhấn chìm những thành quả của cả ông Donald Trump cũng như ông Tập Cận Bình.

Các thị trường tài chính hiện đang mong chờ một thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh. Đây cũng sẽ là một kết cục hợp lý khi cả 2 nhà lãnh đạo đang chịu áp lực không nhỏ từ trong nước.

Mặc dù vậy, nhìn về dài hạn, mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc là rất sâu sắc. Sự trỗi dậy của một Trung Hoa đầy tham vọng khiến không chỉ ông Trump mà người dân nước Mỹ cũng như nhiều nước lo ngại. Một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung có chăng cũng chỉ là tạm thời và sẽ đậm chất kinh tế.

Nguồn: M. Hà/ Vietnamnet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo