Thế giới

Đằng sau cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp của EU

Cập nhật lúc 02-03-2009 04:10:33 (GMT+1)
Một số lãnh đạo EU tại Hội nghị thượng đỉnh

 

Lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp tại Brussels nhằm thống nhất một mặt trận đối phó với cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ có nguy cơ đẩy khu vực lún sâu hơn vào suy thoái kéo theo những bất ổn.


Cuộc họp diễn ra hôm qua tại Bỉ, sau khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hứa hẹn giải cứu cho ngành sản xuất xe hơi của Pháp nếu như các doanh nghiệp không dời xưởng máy ra nước ngoài. Cam kết này gây quan ngại rằng các chính sách bảo hộ quốc gia có thể gây cản trở cho quá trình hồi phục kinh tế của cả khối.

Theo giới quan sát, ngoài việc chuẩn bị lập trường chung tại hội nghị các nền kinh tế lớn nhất thế giới và mới nổi (G20) sắp tới, EU phải thảo luận các biện pháp giúp đỡ những thành viên trong khu vực Trung và Đông Âu, những nước đang khốn đốn vì khủng hoảng kinh tế.

Về mặt lý thuyết, mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh EU lần này rất rõ ràng: Đó là phối hợp tìm kiếm những phương tiện mới đối phó với khủng hoảng kinh tế thế giới, gạt bỏ những bất đồng ít nhiều căng thẳng đã xuất hiện trong thời gian qua giữa các thành viên, đồng thời chuẩn bị một lập trường chung tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới, một hội nghị có tham vọng cải cách hệ thống kinh tế toàn cầu.

Nhưng 27 thành viên EU đang bị đe dọa bởi những rạn nứt bên trong. Đây là những điều không thể tưởng tượng được trong thời kỳ EU chỉ có 15 thành viên, vì sau nhiều năm tăng trưởng đến mức gần như quá tải, đa số các thành viên mới trong khu vực Trung và Đông Âu đang đứng bên bờ phá sản và khẩn thiết kêu gọi tình liên đới từ phía các thành viên Tây Âu.

Đương nhiên, các thành viên Tây Âu không từ chối, nhưng họ đưa ra những thể thức và điều kiện giúp đỡ. Do vậy, ngay trước hội nghị thượng đỉnh EU lần này, 9 thành viên mới thuộc Trung và Đông Âu tổ chức riêng một hội nghị cấp cao, dưới sự chủ tọa của Ba Lan, để phối hợp hành động, tố cáo mọi ý đồ bảo hộ mậu dịch có thể đến từ phía các đối tác Tây Âu.

Cho dù hội nghị cấp cao 27 thành viên tránh đề cập đến những bất đồng nhưng khó xóa bỏ được những định kiến. Tuy nhiên, người ta cũng không trông đợi một quyết định gì tại Brussels vì sẽ có một hội nghị thượng đỉnh nữa vào cuối tháng 3, sau đó là hội nghị G20 do Thủ tướng Anh Gordon Brown chủ trì tại London ngày 2/4.

Theo AFP, AP

 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo