Thế giới

Dấu hiệu về mùa đông bất ổn ở châu Âu

Cập nhật lúc 01-10-2022 12:59:28 (GMT+1)
Nhiều người tham gia biểu tình bày tỏ lo ngại về việc giá cả và chi phí năng lượng tăng vọt khi mùa đông đến gần. Ảnh: Reuter

 

Chỉ trong một tháng, cuộc biểu tình đã nổ ra hai lần tại thủ đô Czech, báo hiệu một mùa đông bất ổn ở châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và giá cả tăng cao.


Hôm 28/9, hàng nghìn người biểu tình đã đổ đến Quảng trường Wenceslas ở trung tâm thủ đô Prague của Cộng hòa Czech để phản đối chính phủ. Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng gây ra tình trạng bất ổn và trở thành mối bận tâm hàng đầu trên khắp lục địa già.

Bất chấp cơn mưa, lần thứ hai trong một tháng, những người biểu tình đã tập hợp lại và giương cao cờ của Czech trong khi hô vang khẩu hiệu phê phán.

Nhiều người có mặt tại đó đã bày tỏ lo ngại về việc giá cả và chi phí năng lượng tăng vọt khi mùa đông đến gần. Họ liên hệ những “tai ương” kinh tế này với các lệnh trừng phạt cứng rắn của Liên minh châu Âu đối với Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU phản đối, cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga không phải nguyên nhân khiến giá năng lượng tăng cao. Thay vào đó, việc Nga quyết định cắt nguồn cung cấp khí đốt cho các nước EU mới là lý do dẫn đến các rắc rối trên lục địa già.

Ngược lại, Moscow luôn bác bỏ các cáo buộc về việc sử dụng khí đốt làm vũ khí kinh tế hoặc thao túng thị trường.

Theo New York Times, Cộng hòa Czech là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu phải đối mặt với những cuộc biểu tình lớn như vậy về vấn đề này.

Mối lo mới

Các bộ trưởng năng lượng của EU sẽ họp tại Brussels vào tuần này để đánh giá và hoàn thiện bộ chính sách mới, nhằm hỗ trợ hộ gia đình cùng doanh nghiệp, đồng thời áp thuế phần siêu lợi nhuận mà những công ty năng lượng hưởng lợi do giá điện tăng.

Tuy nhiên, nỗ lực này của EU bị người biểu tình ở Prague nhìn nhận một cách hoài nghi. Tại thủ đô của Czech, một số người đã giương cao cờ của EU đánh dấu X màu đỏ, trong khi những người khác cầm cờ của các phe cực hữu.

Czech, quốc gia không giáp biển, nằm ở trung tâm châu Âu, đặc biệt phụ thuộc vào khí đốt và dầu của Nga. Để tránh tổn hại lớn, nước này thậm chí còn được EU miễn trừ các lệnh trừng phạt chống Nga.

Tuy nhiên, điều này dường như vẫn chưa đủ. Cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 3/9 đã khiến chính phủ bất ngờ khi hơn 70.000 người tuần hành trên Quảng trường Wenceslas - điểm tụ tập mang tính biểu tượng của thủ đô.

“Đó là một lời cảnh tỉnh, và tôi hy vọng nó sẽ là một lời cảnh tỉnh cho những người khác trên khắp châu Âu”, Tomas Pojar, cố vấn của Thủ tướng Cộng hòa Czech, cho biết.

Các cuộc biểu tình nhỏ hơn cũng đã xuất hiện ở Đức, với hàng nghìn người tụ tập trong những ngày gần đây tại bang miền Đông Mecklenburg-Vorpommern để yêu cầu Berlin mở đường ống dẫn khí đốt đến Nga mới hoàn thành - Nord Stream 2. Tuy nhiên, Reuters đưa tin đường ống này đã bị rò rỉ, hư hỏng trong tuần này.

Trong bối cảnh các cuộc biểu tình nổ ra, các nhà phân tích lo ngại rằng các nhóm cực đoan có thể tận dụng những sự kiện này để gia tăng sức ảnh hưởng trong cộng đồng.

Matthias Quent, chuyên gia người Đức về chủ nghĩa cực đoan cực hữu, nói rằng người dân bất mãn có thể tin rằng những cuộc biểu tình của các nhóm cực hữu là lối thoát duy nhất của họ.

“Họ có thể nghĩ rằng họ không có nơi nào khác để bày tỏ sự không hài lòng”, ông nói.

Trên thực tế, chính trị cực hữu đang hồi sinh trên khắp châu Âu. Tuần này, đảng Anh em Italy (FdI) do bà Giorgia Meloni đứng đầu đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nghị viện, mở đường cho bà Meloni trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước này.

Bà Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng Anh em Italy dẫn đầu liên minh cánh hữu, ngày 26/9 đã công bố liên minh cầm quyền mới của nước này. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, ở Thụy Điển, một nhóm do những người theo chủ nghĩa tân phát xít thành lập có vẻ sẽ trở thành đảng lớn nhất trong chính phủ tiếp theo.

Tại Đức, đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cũng trỗi dậy với 15% số phiếu ủng hộ trong cuộc thăm dò công khai và đang lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình ở Berlin vào tháng tới.

“Điều này xảy ra khi mọi người thậm chí còn chưa sử dụng hệ thống sưởi”, ông Quent nói. “Tuy nhiên, AfD đã có một sự thăng tiến rõ rệt. Đây quả thực là viễn cảnh mà tôi lo sợ”.

Kịch bản xấu

Đối với các chuyên gia năng lượng, trào lưu dân túy dẫn đến một nút thắt khác trong mớ các vấn đề mà châu Âu đang phải vật lộn.

Ngoài việc cắt giảm khí đốt của Nga, các nhà máy hạt nhân của Pháp đang hoạt động với chỉ một nửa công suất vì vấn đề bảo trì. Hạn hán nghiêm trọng cũng làm sản lượng thủy điện giảm và khiến bức tranh an ninh năng lượng ở châu Âu thêm ảm đạm.

“Không chỉ giá năng lượng tăng, giá các mặt hàng tạp hóa cũng vậy. Tôi đang nuôi cháu gái của mình, và tôi rất lo lắng”, Miroslav Kusmirek, người đến từ một thị trấn cách thủ đô Prague hơn 48 km đã tham gia cuộc biểu tình vào buổi chiều mưa.

“Tôi thấy các công ty đang gặp khó khăn. Nếu công ty của tôi phá sản, tôi cũng sẽ sụp đổ theo”, bà nói.

Simone Tagliapietra, chuyên gia năng lượng tại Bruegel, nói rằng trong trường hợp xấu nhất, một số quốc gia có thể phải đối mặt với "vòng luẩn quẩn" của sự bất mãn - điều đã thúc đẩy chủ nghĩa dân túy và có thể gây ra sự cạnh tranh giữa các quốc gia châu Âu.

Theo ông, trong kịch bản đó, các quốc gia có thể ngừng buôn bán điện.

“Nếu các quốc gia phải đóng cửa biên giới năng lượng, điều này sẽ làm bùng lên căng thẳng chính trị giữa các nước châu Âu”, ông nói. “Điều đó trở nên rất rủi ro vì chúng thực sự có thể làm tổn hại đến sự thống nhất của châu Âu. Họ có thể bắt đầu cạnh tranh về những vấn đề chính trị khác".

Mặc dù đó vẫn còn là một viễn cảnh tương đối xa vời, ông nói thêm gần đây, một báo cáo sai về việc Pháp có thể ngừng cung cấp điện đến Italy đã gây ra sự phẫn nộ và cho thấy sự nhạy cảm của tình hình.

Cuộc biểu tình ở Prague hôm 28/9 là cuộc biểu tình thứ hai trong một tháng. Ảnh: Reuters.

Sau cuộc biểu tình đầu tiên tại Czech trong tháng này, chính phủ của Thủ tướng Fiala đã ban hành mức trần giá điện. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình hôm 28/9 cho thấy họ vẫn chưa xoa dịu được những lo ngại về kinh tế.

Theo một số nhà phân tích, giá mua bán điện của Czech đã tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thực nghiệm STEM ở Prague, khoảng 10% đến 15% hộ gia đình đã bị ảnh hưởng nặng nề. Tầng lớp trung lưu cũng bắt đầu cảm thấy khó khăn khi thu nhập ròng của họ giảm 50% so với năm ngoái.

Claudia Trantina, 27 tuổi, đã lái xe một giờ từ Plzen để đến biểu tình ở Prague.

“Tôi không thể cho con gái trải nghiệm những thứ như khi tôi còn bé”, cô nói. "Tôi vẫn có thể chi trả các hóa đơn, nhưng tôi không thể làm những việc như đưa con gái đi sở thú hay nhà hàng".

Nikola Horejs, giám đốc nghiên cứu STEM, cho biết điều khiến các nhà phân tích nghi ngại là mức độ lo lắng thậm chí đang cao hơn so với thời kỳ suy thoái năm 2008 - khi các chỉ số kinh tế tồi tệ hơn.

“Công chúng có tâm trạng căng thẳng và nó còn tồi tệ hơn nhiều so với tình hình thực tế. Đó là điều khiến chính phủ và các nhà kinh tế bối rối”, ông nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng một phần nguyên nhân dẫn đến sự bất mãn là do các nhà lãnh đạo châu Âu không tìm ra được thông điệp phù hợp về cuộc khủng hoảng năng lượng.

Minh An 
Nguồn: zingnews.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo