Thế giới

Covid-19 là phép thử EU trước nguy cơ trở thành „ổ dịch cấp châu lục“

Cập nhật lúc 10-03-2020 11:41:16 (GMT+1)
Khung cảnh vắng vẻ ở Piazza della Scala in Milan, trung tâm văn hóa và kinh tế của Italy trong ngày 8/3. Ảnh: New York Times.

 

Do lo ngại tình hình bệnh dịch có thể diễn biến xấu hơn, Pháp, Đức và CH Czech đã quyết định dự trữ đồ bảo hộ và thiết bị y tế, bất chấp lời kêu gọi của các quan chức Brussels.


Việc Italy thực thi biện pháp quyết liệt khi phong tỏa một vùng rộng lớn, đông dân để kiềm tỏa sự lây lan của virus corona đã gây chấn động toàn bộ châu Âu.

Nhiều người lo ngại về một sự hà khắc tương tự sẽ được áp dụng ở London hay Berlin, trong bối cảnh giới chức EU đang vật lộn để tìm cách làm chậm sự lây lan nhanh chóng của Covid-19, tại một trong những xã hội cởi mở và tự do nhất thế giới.

Tới giờ, chưa có quốc gia châu Âu nào thực hiện biện pháp mạnh mẽ như Italy - nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19 khi có hơn 7.300 người nhiễm và 366 người tử vong. Nhưng khi số ca nhiễm đã lên tới hơn 1.000 ở Pháp và Đức, hai nước này đã cấm tổ chức các sự kiện đông người, và lãnh đạo ở đây cũng triệu tập những cuộc họp khẩn cấp để phản ứng với bệnh dịch.

Thử thách cho tinh thần châu Âu

Do vùng Lombardy - trung tâm công nghiệp và dịch vụ của Italy với dân số 15 triệu người - bị phong tỏa, nền kinh tế châu Âu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Theo giới phân tích, các nhà sản xuất ôtô của Đức sẽ bị gián đoạn chuỗi cung ứng, buộc các nhà máy ở khu vực khác của châu Âu phải đóng cửa, đẩy lục địa già vào một cơn suy thoái.

Virus cũng là phép thử cho tinh thần đoàn kết của châu Âu, vốn đã bị thách thức kể khi nước Anh rời đi 6 tuần trước. Các quan chức Brussels đã kêu gọi Pháp, Đức và CH Czech dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế - được các nước này áp đặt do lo ngại tình hình bệnh dịch diễn biến xấu đi - nhưng không có kết quả.

Tại Anh, một chuỗi siêu thị lớn cũng hạn chế số lượng mặt hàng khách có thể mua, nhằm ngăn cản tình trạng tích trữ.

Tới nay, Italy là nước bị ảnh hưởng nặng nhất vì dịch bệnh ở châu Âu. Nhưng khi số ca nhiễm mới ngày càng tăng tại các nước láng giềng, những gì diễn ra ở Italy giờ đây giống với một điềm báo hơn là một trường hợp ngoại lệ đáng sợ.

Dịch bệnh cũng cho thấy những hạn chế của EU khi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế trên toàn lục địa. Chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực mà các quốc gia thành viên tự quản lý, và với những hệ thống y tế khác nhau, và những mức độ lây lan khác nhau, các quốc gia lại có những kế hoạch khách nhau để đối phó với dịch bệnh.

Covid-19 đã phá vỡ lối sống hàng ngày ở châu Âu, trên cả quy mô lớn và nhỏ. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) dự kiến bơm tiền vào hệ thống tài chính trong tuần này nhằm làm giảm tác động của virus, và họ cũng cho 3.500 nhân viên làm việc ở nhà vào ngày 9/3 nhằm chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.

"Chúng ta đang thấy Italy nhận ra rằng việc ngăn chặn virus lây lan gần như đã thất bại, và virus này đang lan rộng. Bạn có thể sẽ thấy những phản ứng như thế này ở bất cứ quốc gia châu Âu nào nơi việc phong tỏa có thể được thực thi", ông Devi Sridhar, giám đốc chương trình quản trị y tế toàn cầu tại Đại học Edinburgh, nhận định.

Biển hiệu tại một thị trấn ở dãy Alps, thông báo rằng các sự kiện đông người sẽ bị hủy bỏ. Ảnh: AFP.

Tại Đức, nơi chính phủ ban đầu có cách tiếp cận không mấy quyết liệt trong việc kiềm chế virus, và tin tưởng vào các chính quyền địa phương. Bộ trưởng Y tế nước này đã thay đổi điều đó hôm 8/3, khi kêu gọi hủy bỏ các sự kiện quy mô lớn, điều đã được Thụy Sĩ áp dụng từ tháng trước.

Tại Đức, số ca nhiễm đã tăng vọt lên hơn 1.000. Con số này là đủ để khiến các quan chức chính phủ suy nghĩ lại cách tiếp cận về việc tin tưởng vào chính quyền địa phương hay sự sáng suốt của người dân.

Kinh tế hay sức khỏe?

Tại Pháp, nơi ghi nhận 19 ca tử vong và 1.126 người nhiễm Covid-19, chính phủ đã cấm tất cả các cuộc tụ tập hơn 1.000 người. Các trường học ở hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề là Oise và Haut-Rhin cũng bị đóng cửa.

Hôm 8/3, Tổng thống Emmanuel Macron đã gặp gỡ hội đồng an ninh, và Pháp sẽ chuyển sang "Giai đoạn 3" trong kế hoạch chống lại dịch bệnh. Đây là lúc mà các biện pháp kiểm tra và bảo vệ sức khỏe sẽ được thực hiện nghiêm ngặt hơn, tránh cho các bệnh viện quá tải bằng cách giữ cho những người có triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà.

Pháp cũng bảo đảm nguồn cung khẩu trang, nước rửa tay và các thiết bị bảo hộ y tế khác bằng cách áp đặt hạn chế xuất khẩu với mặt hàng này, bất chấp đề nghị của Brussels về việc chia sẻ nguồn cung với các quốc gia khác trong EU. Đã có thông tin về việc khẩu trang bị đánh cắp ở bệnh viện, cũng như việc nước rửa tay bị làm giá, và cảnh sát đang được đặt trong tình trạng báo động.

Ông Janez Lenarcic, ủy viên hội đồng xử lý khủng hoảng của Liên minh châu Âu, cho rằng việc cấm xuất khẩu khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế khác "có nguy cơ làm suy yếu cách tiếp cận tập thể" của khối nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Một số chuyên gia cho rằng việc phong tỏa hoàn toàn nhiều vùng rộng lớn của các quốc gia có thể dẫn tới những thiệt hại kinh tế lớn hơn cả thiệt hại về mặt sức khỏe. Họ lo ngại rằng việc Trung Quốc thành công trong kiềm chế sự lây lan của virus sau khi cách ly thành phố Vũ Hán và cả tỉnh Hồ Bắc, sẽ khuyến khích nhiều quốc gia làm điều tương tự.

Xe hơi mới được tập kết ở cảng Bremerhaven của Đức. Ngành công nghiệp ôtô của nước này được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Ảnh: Bloomberg.

"Chúng ta đang ở trong một thế giới mà những virus như thế này sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và thường xuyên hơn. Nếu lần nào các quốc gia cũng phản ứng như vậy, chúng ta sẽ khiến toàn bộ nền kinh tế suy sụp", ông Francois Bricaire, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, thành viên của Viện Y học Pháp, nhận định.

Ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, tăng trưởng kinh tế ở châu Âu gần như bằng 0. Volkswagen, người khổng lồ ngành sản xuất xe hơi của EU, vốn đang phải vật lộn vì chuỗi cung ứng từ Trung Quốc bị gián đoạn, nay nhận thêm một cú đấm nữa thì không thể tiếp cận dây chuyền sản xuất linh kiện ở miền bắc Italy.

"Bây giờ thì có vẻ như điều không thể tránh khỏi là cú sốc thương mại và cung ứng ban đầu sẽ biến thành một cú sốc nhu cầu, và chúng ta có thể thấy một giai đoạn dài mà mọi thứ bị gián đoạn", ông Angel Talavera, chuyên gia về kinh tế châu Âu tại Oxford Economics, nhận định.

Nguồn: Sơn Trần/ zing

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo