Thế giới

Cơn “ác mộng Trung Hoa” đã thực sự bắt đầu

Cập nhật lúc 15-05-2019 13:50:15 (GMT+1)
Ảnh: Financial Times

 

Thỏa thuận thương mại Mỹ Trung đổ vỡ

Khó có thể tin nổi thị trường chứng khoán Thượng Hải, Hong Kong khổng lồ, có giá trị vốn hóa tương đương 7.200 tỷ USD, lớn thứ 2 trên thế giới và luôn là “bull market” trong nhiều thập kỷ qua, giờ đây đang “phập phồng” theo những lời tweet của một người đàn ông bị cho là đầy cảm tính và khó đoán định – Tổng Thống Donald Trump.


Hai ngày trước cuộc đàm phán thương mại Mỹ Trung diễn ra từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 5, 2019, với 2 dòng tweet của Donald Trump đã làm cho thị trường chứng khoán Thượng Hải mất đến 6% giá trị. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng bị giảm một chút ít nhưng lại nhanh chóng tăng điểm. Hơn 3.000 tỷ USD là số tiền đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán Thượng Hải kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung bắt đầu. Cơn hoảng loạn chưa có hồi kết và những nhà đầu tư thay vì nghiên cứu các chỉ số tăng trưởng, báo cáo kinh doanh và bản kế toán doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, giờ đây quay sang dán mắt vào trang cá nhân của Donald Trump trên Twitter hay Facebook.

Quyết định áp thuế 25% lên tổng số hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc vốn đang chịu mức thuế 10% đã được xác quyết vào ngày 10 tháng 5, tức là khi ông Phó Thủ Tướng Lưu Hạc (Liu He) đang ngồi ăn tối ở Metropolitan với Đại Diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ Trưởng Tài Chính Steven Mnuchin thì mức thuế mới đã được tự động áp dụng.

Người ta nói rằng nụ cười của ông Lưu Hạc khi rời khỏi bữa ăn tối là khó hiểu. Còn tôi cho rằng có lẽ ngài Lưu Hạc đã không thể tiêu hóa nổi bữa tối với kiểu đàm phán mang phong cách Don Corleone của những quái kiệt về thương mại và chính trị người Mỹ. Đó là một nụ cười đầy gắng gượng, che giấu niềm cay đắng chiến bại.

Tổng Thống Donald Trump đã quyết định “tiên thủ hạ vi cường” với “người anh em thiện lành” Tập Cận Bình. Không có thêm thời gian, không có bất cứ nhượng bộ nào và đừng hy vọng kéo dài thời gian đàm phán nhằm chờ đợi cuộc bầu cử tổng thống tiếp tới 2020 sẽ có một “Joe Biden buồn ngủ” thắng cử cứu vãn tình thế. Có lẽ, sau cuộc họp thượng đỉnh Mỹ Triều ở Hà Nội, TT Donald Trump hiểu rằng không nên phí thời gian vào trò câu giờ và lật lọng của những học trò Tôn Tử ở các quốc gia cộng sản Châu Á.

Kết quả không nằm ngoài dự đoán. Không một thỏa thuận chung nào được ký kết, cuộc thương chiến leo thang với mức thuế mới được áp đặt. Trung Quốc rút khỏi những thỏa thuận trước đó hai bên đã dày công đàm phán (hoặc ít nhất cố gắng tạo ra những cuộc đàm phán để kéo dài thời gian). Đó cũng là nguyên nhân chính khiến cho người Mỹ hết kiên nhẫn. Ông Robert Lighthizer cũng cho báo giới biết TT Donald Trump đã trao đổi về việc tiến hành chuẩn bị đánh thuế lên gói hàng hóa nhập khẩu trị giá 325 tỷ USD từ Trung Quốc.

Mèo nào cắn mỉu nào?

Một so sánh đơn giản là trong khi Mỹ mới chỉ áp đặt tăng thuế lên 47% hàng hóa nhập từ Trung Quốc với tổng giá trị 200 tỷ USD thì Trung Quốc đã áp đặt mức thuế nhập khẩu rất cao lên hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ (91%), trị giá hơn 110 tỷ Mỹ Kim. Dư địa để Trung Quốc áp đặt thuế nhập khẩu lên hàng hóa Mỹ không còn nhiều (8%) trong khi nếu 53% hàng hóa Trung Quốc trị giá hơn 325 tỷ Mỹ Kim phải chịu mức thuế “hủy diệt” 25%, sẽ gây ra thiệt hại khó lường với nền kinh tế phụ thuộc xuất cảng như Trung Quốc. Ở một khía cạnh khác, trong khi phần lớn hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng hóa tiêu dùng, sắt, kim loại màu, tấm năng lượng mặt trời… Còn Trung Quốc nhập khẩu những sản phẩm liên quan đến các công nghệ lõi như con chip điện tử cho điện thoại thông minh, động cơ, máy móc công nghiệp nặng, hàng hóa xa xỉ…

Việc Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu những sản phẩm này không khác gì “lấy đá ghè chân mình”. Sẽ là thảm họa nếu Mỹ hạn chế hoặc cấm xuất khẩu những sản phẩm công nghệ cao cho Trung Quốc, đồng nghĩa với việc khai tử ngành công nghiệp gia công lắp ráp của quốc gia này nhanh chóng. Điều đó đã xảy ra nhãn tiền khi Mỹ không bán con chip điện thoại thông minh cho ZTE – nhà sản xuất điện thoại smartphone lớn nhất thế giới vào năm 2018.

Một ví dụ bi hài khác về hậu quả trả đũa thương mại khi Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu đậu tương từ Mỹ đã làm ngành chăn nuôi đại lục khốn đốn vì chi phí chăn nuôi tăng vọt. Kẻ hưởng lợi, thật mỉa mai lại là Đài Loan, Brazil khi nhập cảng đậu tương Mỹ để bán lại cho Trung Quốc với giá cao hơn. Nông dân Mỹ có thể “kê cao gối ngủ” khi chính sách trợ giúp nông nghiệp của Donald Trump vẫn được đảm bảo. Mười hai tỷ Mỹ Kim hỗ trợ nông nghiệp thực sự không đáng kể so với nguồn thu ngân sách từ việc nâng thuế nhập khẩu đối với 525 tỷ Mỹ Kim hàng hóa từ Trung Quốc. Tất nhiên, việc giá cả hàng hóa tiêu dùng có nguồn gốc Trung Quốc tăng cao sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến túi tiền của người lao động Mỹ.

Những người chống ông Trump có thể không vui khi giá hải sản, đồ ăn Tàu và quần áo “made in China” tăng giá… nhưng để đổi lại, nước Mỹ sẽ không phải trở thành siêu cường hạng 2 trong tương lai. Thu nhập và công việc được cải thiện đáng kể bởi nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sẽ bù đắp lạm phát do ảnh hưởng của thương chiến. Đó là một kịch bản tốt cho nền kinh tế vốn đã trì trệ nhiều thập kỷ và thâm hụt thương mại ở mức cao phi lý kéo dài. Với Trung Quốc, kịch bản đối phó với cuộc thương chiến này khó khăn hơn rất nhiều.

Khi “giấc mộng Trung Hoa” biến thành ác mộng

Kể từ khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế theo sách lược “mèo trắng, mèo đen” và khẩu ngữ luôn được nhắc đến “làm giàu là vinh quang”, suốt 3 thập kỷ, Trung Quốc thường đạt được tăng trưởng kinh tế cao hai con số. Nguồn lao động khổng lồ với nhân công rẻ mạt, qui định bảo vệ môi trường dễ dãi, tiền thuê đất ưu đãi …mời gọi các nhà đầu tư đã biến Trung Quốc thành “công xưởng thế giới”. Xuất cảng cao và đầu tư lớn vào hạ tầng, bất động sản là trụ cột tăng trưởng kinh tế. Việc ăn cắp công nghệ được khuyến khích và được coi là sách lược quốc gia. Tuy nhiên, giờ đây những lợi thế mà hơn 3 thập kỷ qua đã không còn.

Lực lượng lao động già cỗi không được thay thế kịp bởi chính sách một con và gánh nặng an sinh xã hội, chăm sóc y tế đang trở nên quá sức chịu đựng với ngân sách quốc gia. Theo Cục Thống Kê Quốc Gia Trung Quốc, lực lượng lao động từ 20-29 tuổi ở đại lục sẽ giảm 25% vào năm 2026. Tức là từ 200 triệu lao động xuống còn 150 triệu. Trong khi đó, tổng chi tiêu y tế ước tính từ 357 tỷ USD trong năm 2011 sẽ tăng lên 1000 tỷ USD vào năm 2020. Một đánh giá đầy u ám của Bank of China/Deutsche Bank ước tính tới năm 2033, số tiền thiếu hụt cho quĩ lương hưu khoảng 10,9 nghìn tỷ USD tương đương 38,7% GDP.

Nền kinh tế tuy có qui mô lớn thứ 2 thế giới, có mức thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp, vẫn cố gắng đấu tranh ở WTO để được công nhận là nước nghèo đang phát triển nhằm giành lợi thế về thuế sẽ thực sự gặp khó khăn khi những thị trường Mỹ, EU, NAFTA… đồng loạt tăng thuế hay siết chặt các qui định thương mại với Trung Quốc. Tất nhiên, không ai từ chối làm ăn với Trung Quốc, chỉ có điều luật chơi đã thay đổi và người thay đổi luật chơi không phải là những “bố già” ở Trung Nam Hải.

Một giải pháp mà giới chức Trung Quốc hy vọng có thể giải quyết phần nào khó khăn này là việc khuyến khích tăng tiêu dùng nội địa và hỗ trợ cho kinh tế sáng tạo. Tuy nhiên, nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm.

Tỷ lệ tiết kiệm/thu nhập của người dân Trung Quốc là cao nhất thế giới. Điều này lý giải tại sao mà chính phủ Trung Quốc có một nguồn lực lớn như vô hạn trong việc đầu tư tràn lan vào những hệ thống hạ tầng khổng lồ kém hiệu quả hay những thành phố ma ở Tân Cương, Mãn Thanh, Nội Mông xa xôi… chỉ để tạo việc làm và duy trì tăng trưởng GDP. Tất nhiên, lý do chính trị khác là việc đảm bảo công ăn việc làm, duy trì hiệu quả kinh tế nhằm bảo vệ tính chính danh cho thể chế. Tuy vậy, ngay cả khoản tiết kiệm khổng lồ của người dân Trung Quốc cũng không đảm bảo nổi mức độ đầu tư hoang phí và tham nhũng của những doanh nghiệp nhà nước. Những núi nợ công cao chất ngất gấp 4 lần GDP quốc gia là một minh chứng rõ ràng. Việc tăng tiêu dùng nội địa mâu thuẫn với việc duy trì bơm những khoản vay khổng lồ cho các tập đoàn nhà nước.

Kinh tế sáng tạo được coi là mang lại những đột phá cho nền kinh tế đã phát triển hết mức khả thể và khả thi theo mô hình cũ. Tuy nhiên, sáng tạo chỉ có thể xuất hiện ở những cái đầu được hít thở bầu không khí tự do. Thứ tự do theo nghĩa tự do cá nhân với những quyền con người bất khả xâm phạm mà Chúa ban tặng, được hiến định và luật pháp bảo vệ chứ không phải theo định nghĩa của những người cộng sản Mao-ít. Điều này là một thứ xa xỉ khó kiếm ở Trung Quốc.

Cải cách chính trị ở đất nước “đèn lồng đỏ treo cao” này giống như điệu vũ cha cha cha, cứ tiến một bước rồi lại lùi hai bước, kể từ cuộc thảm sát hơn 10.000 sinh viên và dân thường ở Thiên An Môn 4/6/1989. Không có cải cách về chính trị, tôn trọng quyền sở hữu cá nhân và đặc biệt là sở hữu trí tuệ thì những nỗ lực phát triển kinh tế sáng tạo của những thương nhân và kỹ sư tài năng Trung Quốc có lẽ vẫn loay hoay ở việc tạo ra những đồ chơi trẻ em, hay các chương trình game online mới.

Có lẽ, vì lý do đó, “bà đầm thép” Margaret Thatcher từng nói “Không phải lo lắng về Trung Quốc, đó là quốc gia chỉ sản xuất ra giày dép chứ không sinh ra những nhà tư tưởng lớn.” Sự quay trở lại khuynh hướng chính trị “chuyên chế rắn” vào năm 2009, những nhà lãnh đạo thế hệ Tập Cận Bình đang hủy hoại nhanh chóng những thành tựu của 30 năm đổi mới của Đặng Tiểu Bình nhằm bảo vệ quyền lực của đảng. Cuộc thương chiến Mỹ – Trung đã bước sang một giai đoạn mới, vô phương cứu hồi và biến “giấc mơ Trung Hoa” thành cơn ác mộng thực sự.

Nguồn: Tân Phong/ chantroimoimedia.com

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo