Thế giới

Chuyên gia Đức: Mỹ - Trung ở giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh lạnh

Cập nhật lúc 01-10-2020 15:28:13 (GMT+1)
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt. (Ảnh: Reuters)

 

Điều phối viên chính phủ của Đức về hợp tác xuyên Đại Tây Dương ông Peter Bayer cho biết, Chiến tranh Lạnh giữa Bắc Kinh và Washington đang ở giai đoạn đầu.


Tờ Der Spiegel của Đức trích dẫn lời của ông Bayer nhận định, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ mang tính quyết định trong thế kỷ này và đã đến lúc châu Âu cần đoàn kết hơn để quay trở lại với những giá trị được cho là “lỗi thời” mà người Mỹ mang lại.

Ông Bayer nhận định quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh. Bất kể ai thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, châu Âu cũng sẽ “điều chỉnh thách thức lớn này trong quan hệ đối tác với Mỹ”.

Theo ông Bayer, đối thủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump là thành viên đảng Dân chủ Joe Biden, cũng tuyên bố ý định “theo đuổi chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc”.

Ông Bayer thúc giục, cần phải thể hiện sự gắn kết hơn nữa trong Liên minh châu Âu (EU). “Châu Âu nên xem xét nhiều hơn về những gì có thể xây dựng trên nền tảng giá trị này - bao gồm cả việc tính đến các đối thủ có hệ thống là Trung Quốc và Nga”, Der Spiegel kết luận.

Trước đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo mối quan hệ Mỹ-Trung rạn nứt đang đi theo “chiều hướng rất nguy hiểm”, với sự chia rẽ về thương mại và công nghệ có thể leo thang thành xung đột quân sự.

“Chúng ta phải làm mọi thứ để tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới. Chúng ta đang đi theo một hướng rất nguy hiểm”, ông Guterres nói.

“Thế giới không thể có một tương lai nơi hai nền kinh tế lớn nhất chia cắt thế giới trong một vết rạn nứt lớn. Một sự chia rẽ về công nghệ và kinh tế chắc chắn có nguy cơ biến thành sự chia rẽ về địa chiến lược và quân sự. Chúng ta phải tránh điều này bằng mọi giá”, ông Guterres nói thêm.

Mới đây, theo Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc cần phải chuẩn bị cho “cuộc trường chinh” mới trong lĩnh vực công nghệ, sau khi Mỹ áp đặt các giới hạn xuất khẩu đối với SMIC, tập đoàn sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất nước. Bài báo cho rằng việc Mỹ giữ địa vị thống trị chuỗi cung cấp thiết bị bán dẫn thế giới là “mối đe dọa cơ bản” đối với Trung Quốc.

“Giờ đây, có vẻ như Trung Quốc buộc phải kiểm soát mọi nghiên cứu và những dây chuyền sản xuất của ngành bán dẫn, giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ”, Thời báo Hoàn Cầu viết.

Một ngày trước đó, Reuters đưa tin Bộ Thương mại Mỹ gửi thư yêu cầu các công ty trong nước phải đăng ký giấy phép xuất khẩu nếu muốn thực hiện thương vụ với SMIC. Chính quyền Washington cảnh báo nguy cơ công nghệ Mỹ rơi vào tay quân đội Trung Quốc nếu không kiểm soát các thương vụ với SMIC hoặc các công ty con.

Hồi đầu tháng 9, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt quy định hạn chế mới với các nhà ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu họ phải được sự đồng ý của giới chức Mỹ mới được phép tới các khuôn viên trường đại học và tham gia các sự kiện ở ngoài phạm vi hoạt động của cơ quan ngoại giao. Bắc Kinh cũng đã áp đặt quy định hạn chế tương tự với các nhà ngoại giao Mỹ làm việc ở Trung Quốc.

Căng thẳng Mỹ-Trung leo thang sau khi Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, bang Texas vì cáo buộc chứa chấp gián điệp. Trung Quốc sau đó đáp trả bằng việc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô.

Nguồn: Thanh Bình/ Infonet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo