Thế giới

"Chiến tranh" với Mỹ, quan chức Trung Quốc tới gặp ông Putin bàn chuyện gì?

Cập nhật lúc 10-08-2018 12:05:17 (GMT+1)
Chính sách đối ngoại cứng rắn của Mỹ là nguyên nhân khiến Nga - Trung ngày càng trở nên thân thiết.

 

Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin nhân chuyến thăm 4 ngày tới Nga vào tuần tới giữa lúc quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng vì cuộc chiến thương mại.


Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ thực hiện chuyến thăm 4 ngày tới Nga vào tuần tuần và gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin, giữa lúc căng thẳng thế giới không ngừng gia tăng sau khi Mỹ thông báo áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga liên quan tới vụ hạ độc cha con cựu điệp viên Sergei Skripal ở Anh hồi tháng Ba còn Mỹ - Trung vẫn đang rơi vào vòng xoáy chiến tranh thương mại.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn thông báo hôm 9/8 từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, ông Dương Khiết Trì sẽ tới Nga từ ngày 14 – 17/8 để tham gia vòng đàm phán mới nhất của hội thảo an ninh chiến lược Nga – Trung.

Còn theo Tân Hoa Xã, ông Dương sẽ cùng ông Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Nga chủ trì hội thảo trên.

Trước đó, chia sẻ với TASS, ông Patrushev cho biết ông Dương sẽ gặp mặt với Tổng thống Putin nhân chuyến thăm 4 ngày tới Nga.

Chuyến thăm của ông Dương tới Nga diễn ra đúng thời điểm Nga – Trung đang tìm cách thắt chặt mối quan hệ song phương để đối phó trước chính sách đối ngoại cứng rắn trong lĩnh vực thương mại và nhiều vấn đề nóng trên thế giới mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thi hành.

Thông tin ông Dương tới thăm Nga được công bố chỉ trước vài giờ Washington quyết định áp đặt lệnh trừng phạt mới với Moscow bao gồm cấm xuất khẩu hàng loạt mặt hàng sang Nga. Theo Mỹ, đây là hành động trừng phạt Nga trước cáo buộc hạ độc cha con cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và Yulia Skripal ở Anh hồi tháng Ba. Về phần mình, Nga khẳng định không liên quan tới vụ hạ độc cha con ông Skripal.

Bên cạnh đó, chuyến thăm của ông Dương diễn ra đúng thời điểm Mỹ - Trung đang bất đồng sâu sắc trong cuộc chiến thương mại. Trong động thái đáp trả mới nhất, hôm 8/8, Trung Quốc đã cho công bố bản danh sách 16 tỷ USD hàng hóa Mỹ bị tăng thuế sau khi Washington tuyên bố sẽ tăng bắt đầu áp thuế suất 25% đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh và Moscow liên tiếp có động thái tăng cường quan hệ hợp tác trên cả lĩnh vực song phương và đa phương. Theo giới quan sát, đây là hành động nhằm thay đổi trật tự thế giới vốn do phương Tây nắm giữ.

Cụ thể, bà Elina Sinkkonen, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Các vấn đề quốc tế Phần Lan cho rằng, sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho xóa bỏ quy định Chủ tịch nước chỉ được giữ chức tối đa hai nhiệm kỳ và ông Putin tái đắc cử Tổng thống Nga hồi tháng Ba, “nền tảng hợp tác trong các vấn đề an ninh giữa Nga – Trung ngày càng trở nên vững chắc”.

“Ngoài ra, chính lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga cùng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã ảnh hưởng lớn tới những tính toán của giới chức hàng đầu Nga – Trung”, bà Sinkkonen nói thêm.

Ông Alex Gabuev, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Carnegie Moscow nhận định, hai quốc gia láng giềng Nga – Trung đã nhận ra được những lợi ích chung trong hàng loạt vấn đề từ an ninh ở Trung Á cho tới tương lai ở Afghanistan, châu Phi và Triều Tiên.

Tuy nhiên, mối quan ngại hàng đầu của Nga – Trung hiện nay chính là chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước đó, Nga – Trung còn bị Mỹ liệt vào trong danh sách những đối thủ hàng đầu thách thức chiến lược an ninh quốc gia. Do đó, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ có thể là tâm điểm trong chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì tới Nga lần này.

“Việc Lầu Năm Góc tăng ngân sách quốc phòng và mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa trên toàn cầu là những thách thức chung mà Nga và Trung Quốc đang tìm cách tháo gỡ”, ông Gabuev nhận định.

Theo bà Sinkkonen, Nga – Trung sẽ còn mở rộng mối quan hệ hợp tác trong tương lai như cùng sản xuất vũ khí quân sự hoặc hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng.

Còn ông Gabuev cho rằng, với quy mô nền kinh tế nhỏ hơn, Nga sẽ khó có thể đưa ra được sự hỗ trợ lớn nào cho Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trái lại, với tiềm lực kinh tế dồi dào, Trung Quốc hoàn toàn có thể giúp Nga vượt qua được hàng rào cấm vận bủa vây từ Mỹ.

Minh Thu
Nguồn: infonet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo