Thế giới

Chia rẽ Đông-Tây Âu ập tới: Thử thách bản lĩnh Macron

Cập nhật lúc 24-06-2017 16:13:31 (GMT+1)
Ông Macron phát biểu trong một cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 23/6. (Nguồn: Reuters)

 

Tổng thống Pháp Macron và bốn nhà lãnh đạo Đông Âu tìm cách xoa dịu mối quan hệ sau nhiều khác biệt.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và bốn nhà lãnh đạo Đông Âu trong EU đã tìm cách xoa dịu mối quan hệ trong ngày 23/6 sau khi có những khác biệt về việc làm và các giá trị dân chủ.

Ông Macron, mới nhậm chức trong khoảng một tháng, đã tuyên bố sẽ bảo vệ các công nhân Pháp khỏi những gì mà ông cho là "phá giá về mặt xã hội", trong đó các công ty sử dụng nguồn lao động rẻ hơn và cạnh tranh không lành mạnh từ các quốc gia nghèo ở Đông Âu.

Ba Lan, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech cho biết họ nên được phép cạnh tranh với giá thấp hơn - giống như các nước Tây Âu phát triển hơn đang cạnh tranh về các sản phẩm có chất lượng và bí quyết sản xuất - để bắt kịp sau hàng thập kỷ bị đình trệ.

Cùng với các cuộc đàm phán còn đang bối rối về ngân sách chung nhiều năm tới của EU bắt đầu từ năm 2021, vấn đề trên đang trở thành một trong những nội dung gây tranh cãi nhất của khối, làm trầm trọng thêm rạn nứt đông-tây khi EU đang tìm kiếm sự thống nhất để giải quyết vấn đề Brexit.

Sau những căng thẳng này, trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh của EU, ông Macron và bốn nhà lãnh đạo các quốc gia Đông Âu trên - được gọi là nhóm Visegrad bốn - đã đồng ý thành lập một nhóm chuyên gia để cố gắng thu hẹp sự khác biệt.

"Tại cuộc họp Visegrad sáng nay, chúng tôi đã nêu ra những vấn đề mà chúng tôi không nhất trí với nhau và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại để hiểu rõ hơn những khó khăn của nhau", ông Macron phát biểu trong một cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 23/6.

Các nước EU đang chia rẽ về quy tắc lao động, theo đó, một lái xe tải ở Bulgaria hoặc một thợ xây Lithuania có thể làm việc tại Pháp trong một khoảng thời gian giới hạn với mức lương theo chuẩn Đông Âu - thường dưới mức tối thiểu được trả ở Tây Âu.

Thủ tướng Cộng hòa Czech Bohuslav Sobotka cho biết: "Tôi chỉ ra cho ông Emmanuel Macron thấy về mức lương ở Czech đang thấp so với Pháp, và rằng các công ty Pháp có thể làm nhiều hơn để nâng mức lương của họ".

Một nguồn tin ngoại giao cho biết năm nhà lãnh đạo đã đồng ý gặp lại vào tháng 9.

Bên cạnh đó, nhóm Visegrad bốn cũng đã bất đồng với Pháp về việc đối xử với người tị nạn và người nhập cư từ bên ngoài EU.

Trước đó, vào đầu tuần này ông Macron nói với bốn nước Visegrad rằng không nên coi EU là "siêu thị" và họ sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu không tôn trọng các quy tắc và giá trị của EU.

Nguồn: An Bình/ Reuters/ toquoc.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo